Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Làng nghèo giữa thành phố Hà Giang

Thứ sáu, 24/02/2012 - 14:19

(Thanh tra)- Đói nghèo đeo đẳng ở một ngôi làng (có tên gọi mới là tổ 1, phường Minh Khai, TP Hà Giang), được các cấp, ngành, đoàn thể biết nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu nào giúp người dân nơi đây vuợt qua.

Những ngôi nhà của người dân tổ 1 phường Minh Khai được hỗ trợ xây dựng từ khi mới về định cư

Đã nửa buổi sáng nhưng TP Hà Giang vẫn chìm trong sương giá. Lờ mờ trong sương, ông già Lù Dị Quáng lầm lũi cõng bó củi khô đi về ngôi làng nép mình dưới các khối nhà đồ sộ của trung tâm hành chính tỉnh Hà Giang. Theo chân ông Quáng, chúng tôi đến tổ 1, phường Minh Khai - nơi ông Quáng cùng những người hàng xóm vẫn quen miệng gọi là “làng”!

Xoa đôi tay đen nhẻm gân guốc bên lửa, ông Quáng kể, ông từ núi cao về định cư ở đây “lâu lắm rồi”. Cái “lâu lắm” của ông được chúng tôi hình dung bằng tuổi đời gốc cây cổ thụ trước nhà vì ngay cả tuổi mình, ông Quáng còn không nhớ.

Vỗ bồm bộp lên cái ti-vi đen trắng có từ giữa thế kỷ trước, ông Quáng cười phơi lợi, bảo: Cái này bộ đội cho tao từ lâu lắm rồi, khách đến mới đem ra vỗ để “nó” nói cho vui.

Đúng là nếu không có tiếng nói của cái ti-vi đen trắng thì căn nhà trát bằng đất sét của ông già người Nùng buồn lắm. Buồn vì trống trải và vì tài sản trong nhà chỉ là mớ nồi, soong, vật dụng có từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước. 

Ông Quáng nổi lửa nấu hoa chuối đãi khách


Lọ mọ tìm mãi không thấy nhúm gạo nào, ông Quáng bỏ hoa chuối vào nồi đun sôi rồi vớt ra rá, mời chúng tôi “nhắm” với rượu ngô khét nồng chắt ra từ cái chai đen sỉn. Đặt xuống nâng lên vài lưng bát rượu, ông Quáng kể với tôi về sự nghèo khó hiện hữu trong ngôi làng giữa TP Hà Giang.

 Làng của ông Quáng hình thành vào đầu thế kỷ 21 với các hộ dân Nùng, Mông, Giao, Giấy di dời về từ núi Mỏ Neo cách đó không xa. Do quen canh tác trồng tỉa nên từ khi về đây, các hộ dân phải loay hoay khó nhọc với cuộc sống. Ngoài việc vào rừng nhặt củi, thu lượm bòn mót nông sản đổi lấy gạo muối, dân làng không biết làm gì nên cứ nghèo mãi. Làng có 15 hộ thì 14 hộ có tên trong danh sách nghèo, hộ còn lại nằm trong diện cận nghèo!

Nghèo nhất làng có lẽ là nhà người phụ nữ tên Pọoc. Ngày nào cả 3 mẹ con cũng phải leo núi, cắt rừng tìm nông sản đem về TP bán, nhưng nhiều khi bán chẳng ai mua. Cũng như nhiều nhà khác trong làng, món ăn hàng ngày của mấy mẹ con chị Pọoc là hoa chuối. Hết hoa thì đào củ đem về nấu cháo - chị Pọoc bảo thế.

Mẹ con người phụ nữ tên Pọoc ở ngôi làng nghèo nhất TP Hà Giang

Năm 2010, thị xã Hà Giang được nâng cấp lên TP. Nhiều người vui nhưng dân tổ 1 phường Minh Khai không vui vì bỗng dưng bị cắt các khoản hỗ trợ của Nhà nước.

Đói nghèo đeo đẳng những hộ dân ở tổ 1, phường Minh Khai. Dù được các cấp, ngành, đoàn thể ở Hà Giang biết, nhưng chưa có giải pháp hiệu quả nào giúp họ vuợt qua hoàn cảnh.

 Khi mới về định cư, mỗi hộ được chính quyền tạo điều kiện “xây” 1 ngôi nhà giá trị 5 triệu đồng. Có nhà nhưng không có đất đai sản xuất, chăn nuôi khiến 65 khẩu/15 hộ dân tổ 1, phường Minh Khai vẫn luôn trong tình trạng đói nghèo. 

Ban Điều hành Tổ dân phố phường Minh Khai từng đưa ra nhiều giải pháp như: Quyên góp sửa sang nhà xuống cấp; hỗ trợ tiền điện sinh hoạt… Đáng kể nhất là đầu tư mua trâu, bò cho dân nuôi luân phiên, nhưng cũng không hiệu quả vì thiếu nơi chăn thả. Giải pháp quyết liệt nhất là chính quyền chủ động làm “sổ đỏ” cho dân để họ thế chấp lấy vốn làm ăn. Tuy nhiên, khi đã có sổ, bà con vẫn không vay được vốn vì lý do rất đơn giản: Không có tiền nộp thuế đất!

Cùng với đói nghèo là thất học. Các khoản chi phí cho một đứa trẻ đến trường của người dân tổ 1 phường Minh Khai cao hơn nhiều so với những nơi không phải là TP. Đây là nguyên nhân khiến trẻ em tổ 1 phường Minh Khai, Hà Giang không thể đến lớp, dù lớp học nằm cạnh nhà.

Thanh Tùng

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cao Bằng: 125 đơn vị nợ bảo hiểm gần 11 tỷ đồng

Cao Bằng: 125 đơn vị nợ bảo hiểm gần 11 tỷ đồng

(Thanh tra) - Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Cao Bằng, tính đến hết tháng 11/2024, toàn tỉnh có 125 đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền trên 10,909 tỷ đồng.

Trung Hà

15:05 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm