Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 05/09/2011 - 21:10
(Thanh tra)- Nói là lan man vì việc mua bán dâm vốn dĩ phức tạp và đầy nhạy cảm. Dư luận xã hội thời gian qua đang có nhiều ý kiến nghịch chiều và xem ra bên nào cũng có lý quanh câu chuyện “có nên coi mại dâm là một nghề”, hay nói cách khác có nên hợp pháp hoá mại dâm?
Gái mại dâm tường trình khi bị bắt quả tang. Ảnh minh họa: Internet
Bài viết này chỉ là một quan điểm cá nhân mang tính… lan man. Bởi, một hiện tượng đặt dưới một góc nhìn khác nhau thì sẽ dẫn đến những quan niệm khác nhau. Nhưng, dù quan niệm nào đi nữa thì nó cũng cần sát với thực tiễn xã hội và thời đại, cần vượt qua những rào cản tư duy thông thường thì mới có một cái nhìn không lệch chuẩn về nó.
Ở đây chỉ có 2 giác độ của vấn đề là nhìn mại dâm từ khía cạnh đạo đức và pháp luật.
Phạm trù đạo đức thì cũng sẽ ở giác độ khác nhau. Đương nhiên, cũng sẽ có quan niệm khác nhau. Luật pháp thì bất biến hơn. Chẳng hạn, cây bút thì cũng chỉ là cây bút, chức năng của nó là viết. Nhưng, dùng nó để đâm và làm tổn thương ai đó thì cây bút lại là hung khí.
Trên bình diện pháp luật, người bán dâm chỉ bị coi là tệ nạn chứ không phải là tội phạm. Vì vậy, ai vướng vào tệ nạn thì đi phục hồi nhân phẩm như một cách cải tạo! (Khái niệm này cũng hết sức mập mờ, bởi nhân phẩm là nhân cách và đạo đức, đôi lúc thành bản chất thiện ác nơi mỗi con người, ở mỗi thời điểm, nên cũng chẳng dễ dàng gì mang nó đi cải tạo để mong… phục hồi).
Cái này cũng lạ, bởi đi “bán hàng” thì được coi là không có tội, chỉ là tệ nạn. Vậy nhưng, “chứa hàng”, “môi giới hàng”, “mua hàng chưa thành niên” lại cấu thành tội phạm hình sự. Cũng như ma tuý, mấy cha nghiện, chích choác tùm lum cũng chẳng có tội, chỉ là tệ nạn. Còn mua bán, tàng trữ, vận chuyển, một khi bị bắt coi như… “xong đời”.
Bộ luật Hình sự hiện hành, cụ thể là Điều 254 về tội chứa mại dâm, Điều 255 tội môi giới mại dâm và Điều 256 là tội mua dâm người chưa thành niên. Ai “dính” vào các hành vi này mới sợ đi tù. Còn bán, mua cùng lắm cũng chỉ bị xử lý hành chính hoặc thông báo cho cơ quan, địa phương và để cho… lương tâm phán xét. Nó có những xung đột trong tư duy như vậy.
Không bán sao có mua? Mà có mua thì mới có bán. Quy luật cung cầu là vậy. Cắt cầu thì cung cũng xong. Nhưng, mấy vụ mại dâm không biết cắt chỗ nào. Trong khi đó, cầu đầy mà cung thì… nhan nhản. Cho nên, xung đột pháp luật xảy ra và thực tế pháp luật hình như cũng mới chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Dẫn chứng là, tệ nạn mại dâm nhan nhản, không quản lý nổi, bắt không xuể, cho đi phục hồi nhân phẩm không xuể. (Vì nhiều người chẳng nghề chẳng nghiệp, phục hồi nhân phẩm xong lại… tiếp tục đi bán dâm kiếm sống). Như vậy, luật có, nhưng luật không đi vào được đời sống nên tự thân không phát huy. Nói công bằng hơn là, phát huy ít những tác dụng của luật trong lĩnh vực này. Cứ thế, mại dâm vẫn tồn tại và khó quản lý. Ngay cả tư duy xưa nay ở các cơ quan quản lý Nhà nước của mình là “không quản được thì cấm”, nhưng khổ nỗi, với mại dâm, cấm nhưng… có cấm được đâu!
Còn trên phương diện đạo đức, chuyện mua dâm, bán dâm, như đã nói, đặt ở những góc nhìn khác nhau thì cũng sẽ có các quan niệm khác nhau. Vấn đề là đạo đức của ai? Đạo đức cho ai? Và, đạo đức trong bối cảnh xã hội nào? Bởi lẽ, một hành vi trong một giai đoạn xã hội, một bối cảnh xã hội nào đó có thể là trái với đạo đức, nhưng ở một giai đoạn khác, cũng hành vi đó có thể lại là một chuyện bình thường.
Mại dâm xuất phát từ một nhu cầu có thực, nhu cầu thường trực trong mỗi con người. Đấy là đời sống tình dục. Nó đặc biệt quan trọng trong đời sống vợ chồng. Mọi kẻ vỗ ngực xem đây là một nhu cầu vớ vẩn, thậm chí hạ thấp nó thì đều là những kẻ đạo đức giả (trừ những người bất lực hoặc mắc hội chứng lãnh cảm tình dục). Đầy rẫy những vụ ly hôn cũng xuất phát từ câu chuyện tế nhị này. Đời sống chăn gối không hoà hợp đã dẫn đến những cuộc chia tay tồn tại hiển hiện và không ai có thể phủ nhận nó. Vậy nên, tình dục là chuyện quan trọng không thể thiếu trong đời sống của nhân loại. Vấn đề là, đặt tình dục và nhu cầu tình dục dưới góc nhìn văn hoá và dưới các quan niệm về đạo đức.
Tạm lấy một ví dụ hay một tình huống thế này để xét xem đâu là đạo đức và đâu là phản đạo đức. Hai người đàn ông đều bị vợ cho… “mọc sừng”. Hậu quả là, hai đôi này ly dị. Đời sống của hai người đàn ông bị vợ cho “cắm sừng” này có hai ngã rẽ với những kết cục khác nhau. Bức bối vì bị “cấm dục”, một người không chịu nổi và đã có hành vi lạm dụng tình dục rồi hiếp dâm một bé gái hàng xóm, kết cục là vào tù. Một người khác “khôn ngoan” hơn khi tìm đến với gái mại dâm để giải toả.
Rõ ràng, đời sống bản năng của con người không được cân bằng và họ đã có những giải pháp để thoả mãn mình. Đương nhiên họ sẽ không phạm tội, không vi phạm đạo đức nếu đời sống tình dục cân bằng. Vậy, với tình huống của hai người đàn ông trên, đâu là đạo đức và đâu không là đạo đức? Hay cả hai đều không đạo đức?
Như đã nói, tình dục là một nhu cầu tất yếu của con người. Nhưng, tình dục nếu theo phạm trù đạo đức thì chỉ vợ chồng với nhau thì mới là tình dục hợp pháp và tình dục đạo đức, tình dục có văn hoá? Thế còn những người bỏ vợ hoặc bỏ chồng, “những người độc thân vui vẻ”, những người không thích hoặc không có nhu cầu xây dựng gia đình thì không được phép… tình dục? Hay tước đi nhu cầu bản năng của họ như một sự vi phạm trắng trợn về các quyền của con người? Vậy, ở đây, đâu là đạo đức và đâu là phản đạo đức? Đạo đức xã hội, đạo đức cá nhân, thiết nghĩ nó cũng phải dựa trên những nhu cầu chính đáng của con người.
Trong xã hội phương Đông, người phụ nữ luôn được trân trọng. Vì thế, những ai hành nghề mại dâm đều bị xem là ô uế và làm vấy bẩn đi hình ảnh đẹp của người phụ nữ. Nhưng, nhân phẩm không chỉ thuộc về người phụ nữ mà là của con người nói chung. Trên thực tế, không chỉ có người phụ nữ đi bán dâm. Đàn ông đi bán dâm phục vụ nhu cầu chăn gối của phụ nữ cũng ngày càng nhiều và trở nên… rầm rộ. Vậy thì nhân phẩm của những gã đàn ông này có lẽ cũng cần được bảo vệ như ai. Cũng là hành vi bán dâm cả, nên sẽ không công bằng khi phê phán và chỉ xót thương nhân phẩm đối với phụ nữ. Bảo vệ nhân quyền, bảo vệ danh giá và nhân phẩm là bảo vệ chung cho tất cả loài người. Và, điều này phải không được tước đoạt đi những nhu cầu sống chính đáng của họ. Luật pháp thì đương nhiên, còn đạo đức cũng không nằm ngoài quỹ đạo này.
Hẳn nhiên, cũng có một góc nhìn khác từ xã hội truyền thống của người Việt Nam. Về điều này, tôi xin copy nguyên văn một đoạn trên một tờ báo mạng: “Kính thưa tất cả những kẻ muốn “coi mại dâm là một nghề”, là một người phụ nữ, tôi thực sự bất bình trước những ý kiến ủng hộ việc coi đây là một nghề thực thụ với bất cứ lý do gì.
Việc làm này không chỉ đi ngược lại với nền văn hóa của dân tộc Việt Nam mà còn thể hiện sự thiếu tôn trọng của xã hội đối với những người phụ nữ. Vậy mà, tôi cũng chả hiểu tại sao một việc làm như vậy lại có rất nhiều người ủng hộ và cho là đáng làm.
Hãy nhìn vào lý do các anh, chị đưa ra để bảo vệ quan điểm của mình: Nào là không thể chấm dứt được triệt để hoạt động mua bán dâm; rồi hợp thức hóa hoạt động bán dâm sẽ có cách quản lý tốt nhất đối với những đối tượng mua bán dâm; thu được một khoản thuế để xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ cho nhu cầu xã hội…
Đành rằng, hoạt động mua bán dâm tại Việt Nam hiện nay chưa được giải quyết một cách triệt để, nhưng mọi người hãy thử nghĩ xem, tại sao nó không giải quyết triệt để được? Xin thưa, một phần là do những người ủng hộ và coi tình dục là nhu cầu “sinh lý” không thể kiềm chế được như anh, chị đấy ạ. Làm như vậy vô tình các anh chị đã tạo ra “cầu” và bắt buộc phải có “cung” để phục vụ.
Hơn nữa, không thể biện minh rằng, cứ không thể giải quyết được “triệt để” thì chúng ta phải chấp nhận sự tồn tại và “sống chung” với nó. Vậy ví dụ như buôn ma túy, vì lợi nhuận, nhiều kẻ cũng đang bất chấp pháp luật để buôn bán thứ hàng trắng này, vì thế không quản được thì chúng ta lại chấp nhận hợp thức hóa để tạo điều kiện thuận lợi cho những kẻ buôn ma túy được pháp luật bảo vệ. Rồi vấn nạn hàng giả, hàng nhái, không kiểm soát được thì chúng ta cũng phải chấp nhận để những kẻ này được buôn bán, chỉ cần thu thuế cao? Làm như vậy khác nào gián tiếp ủng hộ cho những cái xấu, cái sai… cái vô văn hóa và đi ngược lại với đạo đức của dân tộc Việt Nam.
Các bạn cũng đừng mang cái lý do lợi ích kinh tế ra đây làm một trong những lý do để chấp nhận coi mại dâm làm một nghề hợp pháp. Bởi đất nước Việt Nam tuy còn nghèo, nhưng tôi nghĩ không bao giờ chấp nhận chuyện làm giàu trên thân xác những người phụ nữ. Làm như vậy thì còn gì là văn hóa Việt Nam. Và, người phụ nữ Việt Nam liệu có còn giá trị gì trong mắt bạn bè quốc tế?
Rồi gia đình Việt Nam sẽ ra sao, khi chấp nhận coi mại dâm là một nghề hợp pháp. Thiếu tiền để sống, phụ nữ, đàn ông có thể tìm đến nghề mại dâm. Ngược lại, giàu có thừa tiền, dửng mỡ… họ cũng lại tìm đến mại dâm để giải tỏa tâm sinh lý với bất cứ ai mà không phải vợ - chồng mình. Vậy thì còn gì là truyền thống một vợ, một chồng của gia đình Việt Nam đây?
Rồi những đứa trẻ con chúng ta, chúng sẽ lớn lên như thế nào khi hằng ngày ra đường phải chứng kiến cảnh những cô gái công khai “phơi thân thể” ra cho thiên hạ ngắm nghía mà lại được pháp luật bảo vệ”?
Thiết nghĩ, đến đây là đã quá dài cho một bài lan man về mại dâm. Từ sự lan man có vẻ khách quan này, chắc chắn bạn đọc sẽ có một ý niệm và cách nghĩ của riêng mình.
ThS Trần Ngọc Hà
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.
Vũ Linh
19:35 14/12/2024(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.
Bùi Bình
20:22 13/12/2024Văn Thanh
20:09 13/12/2024Trung Hà
19:50 13/12/2024Thái Hải
19:48 13/12/2024Phương Anh
19:32 13/12/2024Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền