Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7: Đồng đội ơi! Xin nặng lòng tri ân

Thứ ba, 26/07/2011 - 08:34

(Thanh tra) - Giữa những ngày hè rực rỡ này, tôi may mắn được cùng đoàn cựu chiến binh (CCB) thiếu sinh quân vào Nghệ An để thăm chiến trường xưa và tìm gặp đồng đội cũ. Xung quanh tôi, những chiến sỹ năm xưa nay đã ngoài 70 tuổi, đều lên chức ông nội, ông ngoại, từng giữ các chức vụ trọng trách trong quân đội gặp nhau tay bắt mặt mừng, xưng hô như cái thời họ mới 16, 17 vào Trường Văn hóa Quân đội Lạng sơn, thành lập Tiểu đoàn 1 Thiếu sinh quân tháng 8/1960.

Đồng đội bên mộ anh Hoàng Kim Giao

Suốt chặng đường gần 400 cây số, mỗi lần xe qua địa danh của con đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh lịch sử, con đường mà các anh, chị từng hành quân đêm dưới tán cây rừng nay đã được trải nhựa phẳng bóng, những kỷ niệm buồn, vui lại ùa về như mới xảy ra hôm qua. Tiếng cười vang trong xe cứ từng đợt, từng đợt, rồi có lúc lại chợt lắng xuống, ngậm ngùi khi nhắc đến tên đồng đội của mình đã khuất. Biết chuyến đi sẽ là vất vả do tuổi cao sức yếu nhưng các anh, chị quyết tâm lắm. Bởi ai cũng háo hức mong chờ cuộc hội ngộ giữa thủ trưởng cũ với lính, giữa 2 thế hệ anh cả với đàn em và giữa người còn sống với người đã nằm xuống…

Đến trưa, xe dừng tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nam Đàn. Buổi giao lưu thân mật diễn ra mấy chục phút, nhưng thắm tình đồng đội. Không ai cầm được nước mắt vì sau gần 40 năm tìm kiếm, lớp đàn em Tiểu đoàn 1 Thiếu sinh quân năm xưa đã gặp lại được thủ trưởng của mình - ông Trần Xuân Phương. Người anh cả đáng kính rất nghiêm khắc ấy nay đã hơn 80 tuổi nghỉ hưu tại quê nhà. Chiếc huy hiệu kỷ niệm thời thiếu sinh quân tuy bé nhỏ được đàn em gắn lên ngực áo thủ trưởng như một lời nhắc nhủ rằng, họ mãi mãi bên nhau. Họ tặng nhau những bức ảnh đen trắng nhỏ xíu chụp chung từ thủa tuổi 20 được gìn giữ cẩn thận mấy chục năm không bị hoen mờ.

Theo kế hoạch, đoàn CCB lên xe về xã Nam Hưng thăm bia tưởng niệm liệt sỹ Hoàng Kim Giao và liệt sỹ Lương Văn Tín. Xe đỗ ven đường cái. Theo tay chị Thái, em gái liệt sỹ Giao chỉ, chúng tôi thấy tượng chim hải âu sải rộng đôi cánh đặt trên đỉnh nóc bia tưởng niệm, bên cạnh là hàng chữ lớn “Vì nước quên thân”. Con đường trải nhựa từ chân đồi lên tới bia tưởng niệm dài 27m, đúng bằng tuổi đời liệt sỹ Hoàng Kim Giao. Hai bên đường, màu tím của hoa mua, hoa dừa cạn khoe sắc dưới nắng vàng trên nền cỏ xanh làm dịu bớt phần nào cái mệt của người từ xa tới.

Năm 2006, ngay khi được chính quyền đồng ý, chị Thái dành hết tâm huyết và công sức xây dựng bia tưởng niệm tương đối cầu kỳ bên cạnh hố bom đã được láng xi măng, xây gạch bao quanh, 2 bên mộ là 2 bia đá khắc 2 bài thơ của nhà báo quân đội Nguyễn Trung Kiên ca ngợi người con của TP Cảng Hải Phòng.

Thiếu úy Hoàng Kim Giao, nguyên Trung đội Trưởng Trung đội 1 Tiểu đoàn 1 Thiếu sinh quân, là kỹ sư điện tử chuyên nghiên cứu cách phá bom từ trường của giặc Mỹ. Năm 1968, sau khi hoàn thành nhiệm vụ lấy ngòi nổ từ trường về nghiên cứu, huấn luyện và trực tiếp tháo gỡ bom, giải tỏa ách tắc giao thông ở một số trọng điểm, trên đường trở ra Bắc, đoàn do anh Giao làm trưởng đoàn dừng chân ở xã Nam Hưng, Nam Đàn, Nghệ An. Cán bộ địa phương nhờ đoàn của anh giúp tháo gỡ quả bom nổ chậm. Đáng lẽ, việc phá bom do anh Phạm Văn Cư và anh Tín làm, nhưng anh Giao đã giành việc về mình vì biết tin vợ anh Cư mới sinh. Anh Giao nói: “… Để con trai được nhìn thấy bố”… Buổi sáng định mệnh ngày 30/12/1968, anh Giao và anh Tín cùng lên đồi tháo ngòi nổ bom, nhưng quả bom nổ bất ngờ đã khiến 2 anh không thể trở về được nữa. Sau này, những bức thư anh viết cho gia đình và vợ đã được Nhà xuất bản Lao động và Nhà xuất bản Hải Phòng in thành sách “Sống để yêu thương và dâng hiến”. Năm 2009, sau hơn 40 năm, ghi nhận sự hy sinh, cống hiến của liệt sỹ Hoàng Kim Giao, Nhà nước đã truy tặng anh danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Trước bia tưởng niệm, tôi chợt nhớ câu thơ của nhà thơ, thương binh Đỗ Việt Dũng: “Bao năm lần hồi manh áo miếng cơm/Đến bây giờ mới đi tìm đồng đội/Biết có đốt cả một trời hương khói/Vẫn day dứt khôn nguôi trước những nấm mồ”... Sau hơn 40 năm, những người lính không còn trẻ nữa, tóc đã bạc trắng vẫn cố gắng đi thăm đồng đội. Thế mới biết tình đồng đội sống mãi trong họ. Trong phút mặc niệm, giữa hương khói nghi ngút, mọi người đứng trang nghiêm, tiếng nhạc Hồn tử sĩ được bật lên càng làm xúc động mọi người.

Nắng chiều đổ bóng, chúng tôi lên xe ra về. Ở đó, bia tưởng niệm đứng trầm mặc và oai hùng trong tư thế của người chiến sỹ dõi theo chúng tôi…

 Bùi Phương Thảo

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.

Vũ Linh

19:35 14/12/2024
Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm