Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 06/06/2011 - 16:01
(Thanh tra) - “Không ai sinh ra đã nghiện, chỉ có một số người có nguy cơ cao hơn những người khác. Nhưng nghiện khó chữa, bởi nó là căn bệnh về não, chi phối toàn bộ tư duy, hành vi và năng lực bản thân của người bệnh. Đó là lý do người nghiện ma túy khó có thể học tập, lao động hay có một ý chí đổi đời rõ nét. Nhưng nghiện có thể chữa được, thông qua 3 cột trụ quan trọng: Não, hành vi, bối cảnh gia đình - xã hội và một tư duy sáng sủa về cai nghiện”. Giám đốc Trung tâm Làng Bình Minh Hạ Đình Nguyên nói vậy. Và, ý tưởng cai nghiện bằng 12 bước đang được thực hiện ở nơi ông phụ trách.
Giám đốc Hạ Đình Nguyên
Thử nhìn người trẻ ở góc độ tiêu cực…
Nghe như đó là một ý tưởng kỳ cục, song thực ra đây là một sự chinh phục thử thách khác mà Giám đốc Hạ Đình Nguyên đặt ra cho mình. Ông vốn là cựu phụ trách Tổng hội sinh viên cùng thời với ông Huỳnh Tấn Mẫm, từng bị vào tù ra tội, từng là cán bộ Đoàn lăn lộn với các phong trào thanh niên của Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh. Nhưng rồi một ngày, ông chợt nghĩ: “Cả tuổi trẻ mình “chơi” với thanh niên tiến tiến, tích cực. Vậy giờ thử “chơi” với những thanh niên lạc hậu coi sao!”. Và, cuộc chơi mới này đưa ông vào một thử thách nghiệt ngã, ở đó ông nhận ra sự gian truân của những người nghiện mà ông ví như những người không biết bơi đang ngụp lặn, vùng vẫy để thoát chết đuối giữa sông biển vậy.
Năm 1999, khi có chủ trương thành lập những trung tâm cai nghiện tư nhân, ông tham gia và trăn trở tìm cho ra bản chất của căn bệnh và bản chất của việc cai nghiện. Ông nói, thực ra chúng ta chưa gọi đúng tên sự việc. Nghiện ma túy trước đây nằm chung trong khái niệm “tệ nạn xã hội” hay “tội phạm”. Không sai, nhưng khái niệm này không cụ thể cho người nghiện và dường như không lối thoát. Sau này, ta gọi họ là “học viên”, tôn trọng hơn nhưng sẽ dẫn đến biện pháp cải tạo lao động mà xem nhẹ việc chữa trị. Từ năm 2008, một khái niệm tương đối hoàn hảo được đưa ra: “Người bệnh”. Đúng, là người bệnh nên người nghiện sẽ được chăm sóc, chữa trị. Không phải chữa thông thường mà phải chữa bằng cả thân - tâm - trí. Con số trên dưới 150.000 người nghiện và cũng gần ngần ấy người nhiễm HIV/AIDS tại Việt Nam vào năm 2009, gọi là có hồ sơ quản lý, chưa phản ánh hết số lượng người nghiện, mà chủ yếu là người trẻ. Điều này khiến ông Nguyên day dứt, giúp họ bằng cách nào đây khi mà Trung tâm cai nghiện như một xã hội thu nhỏ, bao gồm mọi thứ nhu cầu của một con người, của nhiều con người trong chỉ một không gian có giới hạn? Hơn nưa, bệnh nghiện và tập thể người nghiện là một tập hợp đặc biệt với các vấn đề sinh lý, tâm lý, tình cảm, tư tưởng, ước mơ, bế tắc… cùng cả những hỉ, nộ, ái, ố của nhóm người trẻ đang mất thăng bằng nghiêm trọng mà bệnh nghiện đã tổng hợp lại ở mức độ cao.
Cách nào?
Chừng nào và cách nào để hóa giải được năng lượng tiêu cực phát tán từ học viên? Điều ông Hạ Đình Nguyên băn khoăn là cần phải có đội ngũ những người tận tâm với công việc này, và cũng cần có thời gian đủ để họ chịu đựng, trải nghiệm và dần hiểu ra, hóa giải được bế tắc của học viên. Nhưng mấy ai có tâm chịu đựng nếu không vì lo toan cuộc sống và liệu họ có hiểu được người nghiện là người bệnh, một loại bệnh nhân đáng thương, đặc biệt cần rất nhiều thông cảm? Họ có thể là con, là em, là cháu bất kỳ ai trong chúng ta. Hiểu được và chịu đựng được, họ sẽ giúp học viên hóa giải nguồn năng lượng tiêu cực, cho nó bay vào không trung…
Theo ông Nguyên, quá trình cắt cơn giải độc chỉ mới là 15% công đoạn cai nghiện cho người bệnh. Gần hết công đoạn còn lại là khôi phục tâm lý, cải thiện thể lực, hướng người bệnh xa dần bờ vực, lùi dần đến nơi đặt chân bình yên. Thường không mấy ai chọn để nghiện, mà họ chọn hành vi để đưa bản thân đến hậu quả không mong muốn. Vậy nên thay đổi hành vi và trách nhiệm bản thân sẽ là những thành tố quan trọng cho một chương trình điều trị có triển vọng cho bất kỳ căn bệnh nào. Và, trong khi Y học đang miệt mài tìm kiếm thuốc đặc trị, giải pháp dùng thuốc cắt cơn hiện nay vẫn chỉ giữ vai trò hỗ trợ cho biện pháp điều trị hành vi, chuyển hóa nhận thức, cải thiện bối cảnh vốn giữ vai trò trung tâm của công cuộc điều trị chứng nghiện ma túy.
Điều này ông Nguyên và các đồng nghiệp nhận ra sau quá trình thực hiện cai nghiện cho người bệnh từ năm 2000 với Trung tâm Thanh Đa; năm 2002 với Trung tâm Làng Bình Minh với Cơ sở 1 chuyên cắt cơn và Cơ sở 2 thí điểm sử dụng biện pháp giáo dục 12 bước. Được tổ chức phi Chính phủ Fontana (Đan mạch) huấn luyện chương trình vào năm 2006, năm 2008 Trung tâm Làng Bình Minh mới có đủ điều kiện để thực hiện chuyên sâu về giáo dục 12 bước và các dịch vụ hỗ trợ học viên về nâng cao nhận thức chuẩn bị hội nhập cộng đồng và dạy một số nghề.
Hoạt động của Trung tâm chủ yếu dựa vào kinh phí do gia đình người bệnh đóng góp nên không dồi dào, chưa kể có những gia đình không có điều kiện đóng góp. Điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nhưng điều đó không làm đội ngũ những người tham gia một công việc hết sức phức tạp và gian nan ở đây thôi ý chí để thực hiện chương trình của mình.
Tiếp cận 12 bước
Ông Nguyên gọi liệu pháp này là “đốm lửa nhỏ của người trong cuộc”, bởi đây là một tiến trình hoạt động được thiết kế để điều trị đưa đến hồi phục từ chứng nghiện, được khởi xướng từ Hiệp hội những người nghiện rượu ẩn danh - Alcoholics Annymous (Hội AA), ra đời năm 1935 tại Akron, Ohio, Mỹ, bắt nguồn từ 2 người nghiện rượu khủng khiếp đã tự cai nghiện thành công. Năm 1953, Hội AA cho phép Hội NA (Hội những người nghiện ma túy ẩn danh - Narcotics Annymous) sử dụng các bước của chương trình này vào việc cai nghiện ma túy. Hơn 70 năm qua, chương trình 12 bước đã trở thành phương thức phổ biến để điều trị tâm lý cho những người nghiện ma túy, áp dụng tại nhiều nước trên thế giới và được bổ sung hoàn thiện dần từ kinh nghiệm của những người trong cuộc.
Khi được điều trị bằng chương trình này, người bệnh thừa nhận sự không thể kiểm soát được chứng nghiện của bản thân hay những trạng thái cưỡng bức khác; cảm nhận được một sức mạnh cao hơn để truyền nội lực giúp đỡ bản thân; kiểm tra mọi sai phạm đã gây ra do chứng nghiện trong quá khứ với sự giúp đỡ của một thành viên trong nhóm (Sponsor); có kế hoạch hành động đền bù cho những sai phạm; học cách sống mới và chuẩn mực hành vi mới; giúp đỡ những người nghiện khác.
Từ năm 2006 đến 2008, Trung tâm đã đi những bước nặng nhọc và chậm chạp bởi cả khó khăn về cơ sở vật chất lẫn sự thiếu hiểu biết về triết lý cũng như ứng dụng của chương trình 12 bước. Dần dần, từ hiệu quả khiêm tốn của một số ít học viên, họ hiểu ra chất lượng của chương trình, chiều sâu và tính khoa học của nó. Kết quả đáng mừng là Trung tâm dần ổn định, đội ngũ được củng cố và chương trình đã mang lại thành công đầu tiên như những bông hoa đầu mùa của 12 bước, như chiếc thuyền đa năng kỳ diệu đưa người nghiện lên đường thực hiện một cuộc hành trình vào nội tâm của chính họ; nó như một con dao mổ tinh vi mà chính người bệnh nắm trong tay để tự phẫu thuật cho mình một cách toàn diện, nhằm tiến đến sự hồi phục đúng nghĩa.
Kỳ sau: Ý tưởng 12 bước
Đức Bình
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.
Vũ Linh
19:35 14/12/2024(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.
Bùi Bình
20:22 13/12/2024Văn Thanh
20:09 13/12/2024Trung Hà
19:50 13/12/2024Thái Hải
19:48 13/12/2024Phương Anh
19:32 13/12/2024Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền