Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ bảy, 15/01/2011 - 22:28
Liên tiếp trong những ngày giáp Tết, các lực lượng chức năng đã bắt giữ hàng chục tấn thực phẩm bẩn, ôi thiu, thực phẩm nhập lậu đang lén lút đưa vào thị trường, trong đó có nhiều loại gây "sốc" cho người tiêu dùng.
Từ biên giới, thành thị, nông thôn đều xuất hiện thực phẩm nhập lậu không nhãn mác. Tuy không rõ nguồn gốc, thành phần, hạn sử dụng, nhưng sản phẩm vẫn bán chạy do giá thành rẻ, để lâu không hỏng, màu sắc hấp dẫn. Liên tiếp trong những ngày giáp Tết, các lực lượng chức năng đã bắt giữ hàng chục tấn thực phẩm bẩn, ôi thiu, thực phẩm nhập lậu đang lén lút đưa vào thị trường, trong đó có nhiều loại gây "sốc" cho người tiêu dùng.
Theo quy định của Bộ Y tế, thực phẩm do nước ngoài sản xuất khi lưu hành trên thị trường Việt Nam đều phải được kiểm định chất lượng. Nhưng hàng ngày, hàng giờ chưa ai thống kê có bao nhiêu nguồn thực phẩm nhập lậu được sử dụng trong các bữa ăn.
Thực phẩm nhập lậu: Nỗi lo ám ảnh
Mở 2 kho hàng gần 3 tấn thực phẩm của Trung Quốc vừa bị bắt giữ ngày 24/12/2010 tại đường Hồng Hà, phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, một cán bộ Đội Quản lý thị trường số 2 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) cho biết, hàng hoá này được thu gom từ các chợ ở Lạng Sơn sau đó vận chuyển xuống Hà Nội tiêu thụ. Sau khi tập kết hàng vào kho, số thực phẩm nhập lậu này sẽ được "đổ" cho một số mối buôn ở các chợ và quán ăn, nhà hàng. Chứng kiến công tác kiểm đếm và "dỡ" hàng, không chỉ chúng tôi mà rất nhiều người bị "sốc" bởi nhiều loại thực phẩm, đặc biệt là các loại gia vị để chế biến món ăn được tẩm ướp phẩm mầu sặc sỡ không nguồn gốc, không kiểm định chất lượng.
Đáng chú ý nhất là các loại gia vị như nước hàng để kho thịt, dầu hào (loại này được nhiều người bán hàng dùng để tẩm ướp thịt bê ở chợ), măng ngâm, bột làm bánh, váng đậu, gói gia vị để nấu lẩu, nước sốt cà chua, dấm tẩy (dùng để ngâm làm mất mùi thịt, nội tạng ôi thiu), bột nước hoa quả… đều có chữ Trung Quốc, không rõ ngày sản xuất và hạn sử dụng. Theo tiết lộ của một người chuyên kinh doanh ăn uống thì nhiều loại gia vị thực phẩm chế biến món ăn chỉ cần mua sẵn ở chợ, không phải nấu nướng cầu kỳ. Chẳng hạn như nước hàng, nước sốt cà chua, gia vị nấu lẩu...
Nhưng khi chúng tôi hỏi hàng đó có nhãn mác, có được phép sử dụng hay không thì người này cho biết: "Toàn chữ nước ngoài, tôi chịu không đọc được". Việc mua những gia vị nhập lậu này quả không hề khó, nó được bán lén lút ở một số chợ, chỉ cần hỏi là người bán có thể đáp ứng ngay. Cách đây vài năm, dư luận đã rộ lên thông tin về việc có viên "thuốc sủi" cho vào nồi lẩu thì ngon hết sảy, nước ngọt không cần ninh xương. Nhưng thông tin trên chỉ truyền tai nhau trong giới người tiêu dùng, còn không có cơ sở vì chưa được kiểm định và chưa cơ quan chức năng nào vào cuộc kiểm tra. Gần đây nhất là thông tin liên quan đến loại trứng gà nhân tạo được sản xuất theo công nghệ mới tại Trung Quốc đang khiến dư luận hoang mang. Thông tin này đưa ra vào dịp giáp Tết Nguyên đán, thời điểm mà lượng trứng gà tiêu thụ trong nước lớn nhất trong năm.
Ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế lên tiếng khẳng định, Việt Nam chưa phát hiện trứng gà giả như mô tả theo công nghệ này. Tuy nhiên, mấy ngày vừa qua, nhiều địa phương trong nước, đặc biệt là Hà Nội đã tiến hành kiểm tra trứng gà trên thị trường, lấy mẫu xét nghiệm để phát hiện trứng gà giả.
Dịp Tết Nguyên đán này là cơ hội để cho các đối tượng vận chuyển nội tạng bốc mùi, gia cầm ốm đưa vào tiêu thụ, dùng hoá chất tẩy trắng, tạo mùi thơm ngon để đánh lừa thực khách. Ngày 29/12, trong lúc làm nhiệm vụ tại Bến xe Gia Lâm, Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV Công an quận Long Biên đã bắt giữ xe ôtô do Linh Đình Vịnh ở huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang điều khiển chở một lượng nội tạng lợn, chim và vịt không rõ nguồn gốc. Trong đó có 460kg lòng lợn ôi thiu bốc mùi khủng khiếp. Toàn bộ số hàng hoá này được vận chuyển từ Móng Cái về tiêu thụ nhiều địa bàn trên cả nước. Đây chỉ là con số bị cơ quan chức năng phát hiện, hàng ngày không ai biết được có bao nhiêu chuyến hàng chở thực phẩm ôi thiu không nguồn gốc lọt được vào nội địa?
Có mặt ở chợ Đồng Xuân, Hà Nội chúng tôi thấy nhiều loại thực phẩm khô như măng, nấm hương, rong biển…được nhập từ Trung Quốc dưới dạng thùng carton nên không có bao bì, nhãn mác, hạn sử dụng. Từ chợ Đồng Xuân đến phố Hàng Giầy bánh kẹo, mứt, nho khô, ô mai, hoa quả khô không nhãn mác, không nguồn gốc bày bán công khai. Theo ông Lưu Bách Chiến, Đội trưởng Đội QLTT số 2, trong tháng 12-2010 Đội đã thu giữ hàng tấn bánh kẹo và hoa quả khô nhập lậu ở phố Hàng Giầy và Cầu Đông nhưng vẫn không xuể.
Thực phẩm nhập lậu…nhằm đến trẻ em
Phải thừa nhận rằng, "công nghệ" chế biến thực phẩm dành cho trẻ em của Trung Quốc rất biết đánh vào thị hiếu của lứa tuổi "nhí". Khi sản xuất kẹo họ còn kèm theo cả đồ chơi, hoặc chiếc kẹo mang hình dáng của đồ chơi đang "hót" như: kẹo đồ chơi Benten, kẹo siêu nhân…
Quả thật, khi được cán bộ của Đội Quản lý thị trường số 11 cho xem kho hàng bắt giữ ngày 21/12/2010 trên đường Âu Cơ, quận Tây Hồ, chúng tôi đã phần nào hiểu ra, vì sao những loại thực phẩm này vẫn có "đất sống". Đó là một ôtô tải chở toàn đồ thực phẩm trẻ em nhập lậu do Nguyễn Văn Dương ở huyện Đại Từ, Thái Nguyên vận chuyển. Tất cả số thực phẩm đó đều là thực phẩm ăn sẵn, được đóng gói bắt mắt và được sản xuất theo đúng thị hiếu của lứa tuổi trẻ em. Ví như bim bim miếng, nó được làm thành những lát mỏng, đóng gói trong những chiếc túi ninon in hình chiếc điện thoại di động rất hấp dẫn. Bim bim chả xiên đóng trong túi nilon nước lõng bõng, nhuộm màu đỏ, có hình que. Bim bim chả que đóng trong hộp cũng màu đỏ trông giống như lạp xường. "Thú thực, tôi chưa bao giờ nhìn thấy loại bim bim nào…lạ như vậy"- một cán bộ của Đội QLTT số 11 vừa đưa cho tôi xem vừa nói.
Khủng khiếp hơn khi mở những gói bim bim này ra, chúng tôi đều không khỏi bàng hoàng bởi thứ mùi ôi thiu của nó. Thứ mùi khiến người ta thấy nôn nao, khó chịu. Chưa kể, toàn bộ thực phẩm đó được chế biến bằng dầu mỡ không đảm bảo, có thứ đã cháy xém. Ông Phan Thanh Phong, Đội trưởng Đội QLTT số 2 cho biết: "Đa số thực phẩm này được đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh, chủ yếu bán cho học sinh quanh các trường học". Đến lúc này thì quả thật chúng tôi đều giật mình, bởi những thứ đồ ăn này biết đâu chính con em mình cũng là nạn nhân? Biết là độc hại, biết là không có nguồn gốc, nhưng sao thực phẩm dành cho trẻ em vẫn tiêu thụ được. Có thể thấy rõ những thực phẩm này có giá thành rẻ, hấp dẫn bằng màu mè, bằng hình ảnh và trẻ em thì có phải em nào cũng biết nó là thực phẩm độc hại, không nguồn gốc đâu?
Vì sao chưa ngăn chặn được?
Đến nay, chưa ai thống kê được trên thị trường có bao nhiêu loại thực phẩm nhập lậu đang tồn tại. Bất cứ mặt hàng nào trong nước có và thị trường cần là nó lập tức xuất hiện. Chị Nguyễn Phương Nga, giáo viên mầm non bức xúc: "Lâu nay, một bộ phận người tiêu dùng sử dụng thực phẩm độc hại không nhãn mác mà không biết". Thực phẩm nhập lậu có sử dụng chất phụ gia gây nguy hại tới sức khoẻ của người tiêu dùng hay không, hoặc gây hại ở mức độ nào là lo lắng của nhiều người tiêu dùng rất muốn được giải đáp. Hiện tại chưa có câu trả lời cho những lo lắng này.
Một cán bộ của Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội thừa nhận, có nhiều loại hoá chất tồn dư trên rau, củ nhập lậu mới mà thiết bị của mình chưa tìm ra được. Đây là một hạn chế và cũng cần phải nói rằng cơ quan chức năng không thể lấy từng mẫu thực phẩm trôi nổi, không nguồn gốc để kiểm tra, phân tích và đưa kết quả lên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết. Điều đó có nghĩa, hàng ngày một bộ phận người tiêu dùng vẫn sử dụng thực phẩm không nguồn gốc vào cơ thể.
Thực phẩm là mặt hàng "nhạy cảm" vì nó liên quan đến sức khoẻ, tính mạng của con người nên nó có những quy định hết sức khắt khe. Đặc biệt với những mặt hàng do nước ngoài sản xuất đều phải được Bộ Y tế kiểm định, được Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm cấp giấy đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm thì nó mới được bán trên thị trường. Nhưng thực phẩm nhập lậu thì chẳng có tờ giấy "thông hành" nào cả, bằng nhiều con đường nó vẫn "chễm chệ" có mặt trong chợ, quán ăn, nhà hàng, thậm chí trong cả bữa cơm gia đình. Mức độ độc hại của thực phẩm nhập lậu đến đâu thì chưa ai kiểm chứng được.
Theo ông Lưu Bách Chiến thì quy định với hàng hoá, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không công bố tiêu chuẩn là bị tịch thu, tiêu huỷ chứ không mang mẫu đi kiểm nghiệm. Khi bị bắt giữ, thực phẩm nhập lậu được các lực lượng chức năng nhận định là hàng do nước ngoài sản xuất bằng chữ viết trên vỏ bao bì và tạm đặt tên cho sản phẩm, chứ chẳng ai biết sản phẩm đó tên là gì.
Ngẫm lại mới thấy, nhiều nước trên thế giới họ rất khắt khe trong việc bảo vệ người tiêu dùng bằng việc kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm lưu hành trong nước. Vẫn biết rằng, mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng việc thực phẩm nhập lậu trôi nổi trên thị trường hiện nay là điều đáng quan ngại cho sức khoẻ, tính mạng của người tiêu dùng. Vì sao chưa ngăn chặn được? Theo lý giải của nhiều cơ quan chức năng thì hiện nay biện pháp ngăn chặn vẫn trong vòng: kiểm tra, tịch thu, tiêu huỷ, lực lượng mỏng, thủ đoạn buôn lậu lại ngày một tinh vi, bắt giữ không xuể…Thậm chí mỗi năm tổ chức một vài đợt kiểm tra liên ngành nhưng giống như việc "cưỡi ngựa xem hoa", có khi một cơ sở kinh doanh, một nhà hàng chế biến thực phẩm phải 10 năm sau cũng chưa quay lại được.
Thế nên, một số cuộc kiểm tra vẫn nặng tính hình thức, chưa giải quyết được vấn đề sống còn liên quan đến sức khoẻ người tiêu dùng hàng ngày, hàng giờ. Và hơn ai hết là khuyến cáo người tiêu dùng phải nêu cao cảnh giác, hãy là người tiêu dùng thông thái để phân biệt, lựa chọn nguồn thực phẩm an toàn.
Ông Phan Thanh Phong, Đội phó Đội Quản lý thị trường số 11, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội: Đối với thực phẩm thì nhãn mác là yếu tố rất quan trọng. Qua nhãn mác người tiêu dùng có thể biết được nhà sản xuất, đơn vị nhập khẩu, hạn sử dụng, tên gọi của sản phẩm, đặc biệt là các thành phần cấu tạo nên sản phẩm. Nhưng với thực phẩm nhập lậu thì tất cả điều này không có. Do đó người tiêu dùng không thể biết thực phẩm đó tên gọi là gì, công bố chất lượng ra sao và đặc biệt nó không được cơ quan y tế của Việt Nam kiểm định. Theo Nghị định 06/2008/NĐ-CP thì đối với hàng hoá, vật phẩm không có hoá đơn, nguồn gốc gây hại cho con người thì buộc phải tiêu huỷ. Nguy hại là ở chỗ thực phẩm đó không được đưa đi kiểm nghiệm nên không biết nó có sử dụng chất bảo quản, phụ gia, hoá chất nằm trong danh mục cấm sử dụng hay không? Khi sử dụng thực phẩm đó sẽ ảnh hưởng gì tới sức khoẻ con người…? Do vậy, khi mua hàng, người tiêu dùng phải có cảm quan, xem xét xác suất một vài mặt hàng cùng loại định mua để có sự so sánh. Đặc biệt, không nên mua và sử dụng hàng hoá là thực phẩm không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng để bảo đảm sức khoẻ. Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục phó Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế: Giáp Tết là thời điểm nhu cầu tiêu dùng thực phẩm trong nước tăng gấp gần chục lần so với ngày thường. Nếu không kiểm soát tốt thị trường thì rất có thể thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ lén lút ra thị trường. Để ngăn chặn thực phẩm nhập lậu thì trước tiên là phải ngăn chặn từ các khu vực biên giới, sau đó là kiểm soát trong nội địa. Cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với các cơ quan chức năng thành lập 12 đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra vệ sinh thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán từ ngày 25/12 đến 25/2 tại các tỉnh, thành phố trọng điểm và cửa khẩu. Việc kiểm tra sẽ được thực hiện quyết liệt và nghiêm túc, đặc biệt tập trung vào các mặt hàng không công bố tiêu chuẩn chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu... (PV) |
(CAND)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.
Bùi Bình
20:22 13/12/2024(Thanh tra) - Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra chiều 13/12, các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII đã chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Sỹ Nghiêm để làm rõ tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Văn Thanh
20:09 13/12/2024Trung Hà
19:50 13/12/2024Thái Hải
19:48 13/12/2024Phương Anh
19:32 13/12/2024Thái Hải
19:16 13/12/2024Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình
Văn Thanh
Bùi Bình
Văn Thanh
Trần Kiên
Trung Hà
Thái Hải
Bùi Bình
Phương Anh