Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Huyền thoại về những người anh hùng “mở đường máu” trên biển Đông

Thứ ba, 24/01/2012 - 14:15

(Thanh tra)- Một thời, họ quên mình, thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Giữa khốc liệt của chiến tranh, họ chiến đấu kiên cường, từng phút giành giật sự sống để bảo vệ “những con thuyền không số”. Trong 12 người lính, kiêm thuyền trưởng đầu tiên đưa những đội quân đi trong mưa bom, bão đạn của quân thù “mở đường máu” ra biển Đông tiếp tế lương thực, đạn dược cho đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị năm nào, nay vẫn còn 3 người sinh sống tại xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị.

Anh hùng LLVTND Lê Văn Ban (ngoài cùng, bên phải) chụp ảnh với những cựu chiến binh huyện Vĩnh Linh

Lễ truy điệu sống

Đảo Cồn Cỏ trên bản đồ được xem là hòn đảo tiền tiêu ở biển Đông. Vì thế, để giữ vị trí quan trọng này, hơn 40 năm trước, rất nhiều người lính đã ngã xuống trong quá trình tiếp đạn dược, lương thực cho bộ đội bảo vệ đảo. Vào tháng 4/1965, 12 thuyền viên ở bờ sông Bến Hải và huyện Vĩnh Linh của Quảng Trị nhận được lệnh của cấp trên phải đưa gấp lương thực, súng đạn ra tiếp tế cho đảo. Vào một đêm tháng 4/1965, chàng thanh niên Trương Song nhận lệnh lên đường nhập ngũ tại Khu đội huyện Vĩnh Linh. Trước chuyến “mở đường máu” ra đảo, Sở chỉ huy Trung đoàn 270 đã làm lễ truy điệu sống cho 12 thuyền viên. Trong số đó, hiện 3 người vẫn còn sống, đó là ông Trương Song, Võ Văn Phương và Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Lê Văn Ban (trú cùng xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh). Trong buổi lễ, ai cũng nhìn cờ Tổ quốc, hùng dũng tuyên thệ: "Là người lính Cụ Hồ, chúng tôi nguyện thề sẽ quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Bởi, duy nhất một điều, Cồn Cỏ khi đó là trái tim, còn người dân Vĩnh Linh là mạch máu. Nếu “mạch máu” ngừng chảy thì “tim” sẽ ngừng đập” ông Song nói. Sau lễ truy điệu sống, cứ nửa đêm, họ lại vào vai những ngư dân làng chài đánh cá, thu giấu lương thực, súng đạn phía dưới lưới, kéo buồm ra khơi. Gần một tháng trôi qua, có 12 chuyến vận chuyển thành công, đến chuyến thứ 13 đoàn gặp chuyện chẳng lành.

"Đó là, sau khi đoàn đã chở hàng hóa, súng đạn ra đảo an toàn ngày 29/5/1965, đến 21 giờ hôm sau quay vào bờ, đoàn bị tàu địch phát hiện. Chúng bắn pháo sáng dò tìm và nổ súng về hướng đoàn thuyền hơn 1 giờ đồng hồ, đồng thời kêu gọi chúng tôi đầu hàng. Nhiều người bị thương, có người nhảy xuống biển do thuyền lật, mất phao. Những người còn lại quyết chống trả bằng pháo 20 ly, 12 ly 7. Sau 5 lần bắn phá, toàn bộ 80 thuyền viên đi trên 12 thuyền đều bị địch đánh chìm. Sau này mới biết, có 50 người mất tích, 24 người bị địch bắt ngay sau đó và 6 người vào được bờ".

Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Văn Ban thời còn trẻ


Vượt cửa tử

Chuyện xảy ra cách đây gần 50 năm, nhưng với ông Phương cứ như mới hôm qua. Ngày 5/6/ 1965, sau khi được đơn vị củng cố 2 thuyền để chở lương thực lên đường, cách đảo khoảng 7km thì biển xuất hiện gió lốc. Lúc này, lệnh của trung đội trưởng cứ đi tiếp, bởi quay vào cũng nguy hiểm không kém, đành chống trả tàu giặc. Cuối cùng, 1 chiếc thuyền của ta bị chìm, chỉ 1 chiếc vào được đảo. Chiếc thuyền bị chìm có 13 thuyền viên, trong đó có một nữ duy nhất là bà Lê Lô (ở thôn Vĩnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh). Sau 3 ngày 3 đêm lênh đênh trên đảo, 13 thuyền viên bám phao tre, bơi quây quần bên nhau. Đến đêm thứ 4, đoàn bị rẽ chia mỗi người mỗi ngả.

“Qua ngày thứ 6, sức tôi gần như suy kiệt, nhiều lúc bám phao tre không nổi. Đang trôi trên biển, tui (tôi) gặp đồng chí Xô (trú Vĩnh Thái, Vĩnh Linh). Lúc này, đồng chí Xô cho biết phao tre của anh bị vào nước nên rất khó cầm cự trên biển. Sống chết có nhau, tôi bảo đồng chí Xô vứt cái phao tre đó và qua bám cái phao tre cùng với mình. Suốt 7 ngày trên biển, chúng tôi còn phải chịu sự đau đớn tột cùng vì cá mập tấn công. Sức cùng lực kiệt, đồng chí Xô không chịu nổi, đành buông tay và vĩnh viễn nằm lại biển khơi”, ông Phương nhớ lại.

Mất đồng đội, ông cố đánh vật với biển cả mong được sống về báo tin với gia đình ông Xô. Kỳ diệu thay, lúc sức đã kiệt thì ông được một ông lụy (cá voi) đẩy vào gần bờ. “Có lẽ đồng chí Xô đã phù hộ tui các chú ạ. Bây giờ cứ đến ngày giỗ của đồng chí ấy, tui lại làm mâm cơm, thắp nén nhang cho đồng đội”, ông Phương nghẹn ngào kể.

Hai vợ chồng ông Song hiện nay

Nói về những chuyến ra đảo sinh tử, ánh mắt Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Lê Văn Ban sáng lên rạng ngời. Hôm đó, thuyền chở lương thực ra đảo, sau khi quay vào thì gặp tàu địch, chúng bắn pháo sáng kêu gọi đầu hàng. Cùng lúc, gió mùa Đông Bắc ùa về, sóng lớn, ta vừa chống chọi với gió bão, vừa bắn trả. “Khoảng 3 giờ sáng, các thuyền viên không xác định địa điểm của thuyền ở đâu. Buộc cục chì vào sợi dây thả xuống biển, các thuyền viên xác định được nước sâu 45 sải. Lúc này, đoàn thuyền 12 chiếc chỉ còn lại 3. Sau hơn 10 ngày đêm giữa biển khơi, bộ đội ta đã nhìn thấy đất liền, vào được vùng giải phóng”, ông Ban kể. Nghỉ ngơi mới được 2 hôm, ông lại bí mật trở về đơn vị C22 đóng ở huyện Vĩnh Linh, tiếp tục làm thuyền trưởng đưa đội quân “mở đường máu” trên biển Đông, đưa hơn 60 chuyến hàng ra đảo Cồn Cỏ an toàn…

Hạnh phúc ngày về

Hàng chục lần căng buồm ra đảo, trận đánh ác liệt mà ông Song vẫn nhớ như in là trận diễn ra vào đêm cuối tháng 5/1965, khi thuyền của ông từ đảo trở về đất liền gặp địch. Hàng chục bộ đội ta đã mất tích trong trận đánh này. May mắn hơn nhiều đồng đội của mình, sau hơn 2 ngày trôi dạt trên biển, ông Song được 1 thuyền đánh cá đưa vào bờ ở xã Phú Diên (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế). Khi được đưa vào bờ, ông chưa kịp mừng thì lại bị rơi vào tay địch. Lúc này, ông phải chịu sự tra tấn, đánh đập dã man của kẻ thù trong suốt tháng trời tại các trại giam Tân Hiệp (Biên Hòa), Đà Nẵng. Nhưng sự tra tấn dã man, bác vẫn vững lòng với lời thề.

Trong khi đó ở quê nhà, bà Nguyễn Thị Lan, vợ ông mỗi lần nghe tin trong và ngoài huyện có người lính nào ở xa về, bà lại bồng con đi bộ hàng chục cây số để hỏi thăm nhưng lần nào cũng thất vọng. Một ngày cuối tháng 7/1966, tròn 1 năm khi gia đình không có tin tức về ông Song, bà Lan nghĩ chồng mình đã mất tích, nên lập bàn thờ thờ chồng. Sau 8 năm bị tra tấn, đánh đập, ông Song được trả tự do. Chiều tối 8/2/1973, trời mưa to gió lớn, ông về nhà trong sự mừng khôn tả, nước mắt hạnh phúc hòa lẫn nụ cười.

Những huân, huy trương Nhà nước và các cấp trao tặng cho bác Song trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, trong đó có thành tích tham gia “mở đường máu ra Cồn Cỏ


Cùng cảnh ngộ với bà Lan, vợ của ông Võ Văn Phương, sau nhiều tháng cùng 2 con nhỏ không nhận được tin tức của chồng cũng đã lập bàn thờ thờ chồng. Ông Phương sau chuyến gặp nạn ra đảo, rồi được “ngài” đẩy vào bờ nhưng lại rơi vào tay địch, bị giam cầm nhiều năm, chuyển hết nhà tù này đến nhà tù khác. Đến năm 1967, khi được thả tự do, ông Phương tìm về quê nhà trong niềm vui bất tận của vợ con, xóm giềng.

Chiến tranh đã đi qua mấy chục năm, ông Ban được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, ông Phương, ông Song... được Nhà nước tặng thưởng Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, hạng Nhì, Huân chương Chiến sĩ Giải phóng, kỷ niệm đảo Cồn Cỏ…, Nhưng với các ông, điều đó không quan trọng, mà điều hạnh phúc nhất, là sự xuất phát bởi tình yêu biển đảo, vì biển đảo ruột thịt của Tổ quốc thiêng liêng.


Ký sự: Nguyễn Quang Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.

Vũ Linh

19:35 14/12/2024
Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm