Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hàng trăm người ăn nước nhiễm bẩn

Thứ ba, 22/01/2013 - 20:45

(Thanh tra)- Vì phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm mà 8 trẻ em trong làng phải đi cấp cứu tại bệnh viện, trong đó 1 trẻ đã bị tử vong. Nguyên nhân ban đầu được cán bộ y tế xác định do người dân ăn uống nguồn nước bị ô nhiễm nặng.

Nơi 500 người dân lấy nước sử dụng hàng ngày. Ảnh: Thanh Chương

Chưa bao giờ người dân làng Kon H’Drầm, xã Đắk T’re, huyện Kon Rẫy lại hoang mang như những ngày qua, khi hàng loạt trẻ em bị mắc bệnh tiêu chảy, mất nước dẫn đến kiệt lả. 8 trẻ em phải nhập viện, trong đó bé gái Y Let (18 tháng tuổi, con chị Y Ngân) sau khi được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum đã bị tử vong.

Cứ lấy nước “giọt” về là… uống

Người Xê Đăng làng Kon H’Drầm đã bao đời nay chọn một thung lũng nhỏ, quanh năm có nước để lấy nước sinh hoạt hàng ngày. Già làng A El kể: Cho dù hạn hán đến mấy nhưng tại đây nước không bao giờ khô cạn, nước cứ từ mạch nguồn chảy suốt quanh năm. Người dân trong làng thỏa sức lấy nước tắm giặt, ăn uống, ngày có lễ hội tổ chức uống rượu ghè cũng đi lấy nước này về chế rượu uống, có ai đau ốm hề hấn gì đâu. Thế mà nay, tụi trẻ con ăn uống vào lại đau bụng và còn có đứa chết nữa…

Vừa bị mất con, người mẹ trẻ Y Ngân vẫn chưa hết bàng hoàng, cho biết: Trước ngày cháu đau bụng mình chỉ cho con ăn mấy miếng dưa hấu thôi, có ăn gì khác đâu.

Theo chị Y Ngân, không riêng gì gia đình mà tất cả mọi người trong làng khi lấy nước từ “giọt” nước về, đựng trong chai nhựa rồi ai khát nước thì cứ lấy uống cho thỏa cơn khát chứ có đun nấu gì đâu!

Bà Trần Thị Năng, Phó Trạm trưởng Trạm y tế xã Đắk T’re, cho biết: Mỗi lần họp thôn, cán bộ y tế đều xuống tuyên truyền về vệ sinh môi trường, đề nghị bà con phải ăn chín, uống sôi, không nên lấy nước này về là uống, mà không đun nấu… Mỗi lần như vậy, trưởng thôn đều đứng ra cam kết thực hiện, nhưng chỉ hứa cho qua chuyện mà thôi.

Nguồn nước ô nhiễm


Theo chân chị Trần Thị Sáu, cán bộ Trạm Y tế, chúng tôi đi thăm “giọt” mà hàng ngày khoảng 500 người dân của 82 hộ gia đình sử dụng. Tại đây được xây dựng một bể chứa nước sơ sài, cáu bẩn. Nguồn nước được lấy cách “giọt” nước này khoảng vài trăm mét.

Chị Y Ngưn và con trai A Kis vừa thoát chết sau khi uống nước giọt. Ảnh: Thanh Chương


Chị Y Ngưn (người có đứa con trai 1 tuổi thoát chết, sau khi được điều trị tại bệnh viện) nói: Từ “giọt” nước này đến nơi dẫn nước về hàng ngày gia súc, gia cầm, trâu bò… thả rông phóng uế, rồi chảy xuống chỗ nước “giọt”, chưa kể phía trên toàn rẫy khoai mì, lúa… hàng ngày bà con sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, vỏ bao, chai lọ vứt bỏ lại đó, nên nguồn nước này đang bị ô nhiễm nặng.

Già làng A El cũng cho biết: Tại các cụm dân cư đều được Nhà nước đầu tư xây dựng giếng nước sạch, thế nhưng hầu hết số giếng này đều bị bỏ hoang, mọi người thấy phải múc nước sâu hàng chục mét nên ngại đó thôi, mà đều đi lấy nước “giọt” về để ăn uống, vì họ thấy tiện lợi ít phải mất công sức.

Theo ông Trần Minh Quang, Chủ tịch UBND xã Đắk T’re: Sau khi hàng loạt trẻ mắc bệnh tiêu chảy cấp, ngành Y tế Kon Tum đã triển khai các biện pháp xử lý ổ bệnh, không để tiếp tục lây lan trong cộng đồng. Sau nhiều ngày điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tất cả trẻ em mắc bệnh đã được xuất viện. “Xã sẽ tiếp tục tuyên truyền người dân ăn uống phải đun nấu, khắc phục sửa chữa số giếng đã được đầu tư để người dân sử dụng an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất việc người dân lấy nước giọt này ăn uống” - ông Quang nhấn mạnh.


Thanh Chương

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm