Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Gian nan cái chữ vùng biên

Thứ ba, 22/05/2012 - 09:41

(Thanh tra)- Nằm heo hút, cheo leo ở cực Tây tỉnh Sơn La, nơi giáp ranh giữa 2 nước Việt - Lào, huyện Sốp Cộp đã nghèo, thì xã Mường Lạn lại nằm ở vị trí xa nhất. Và, có lẽ cũng là xã nghèo nhất trong 8 xã của huyện. Vậy mà tại đây, cả trăm con em người Mông, người Lào, người Thái… vẫn trèo đèo, lội suối hàng chục km để xuống trường trung tâm mong học được cái chữ.

Chờ cơm!

Lấy những con cá khô bé bằng ngón tay út hấp trong nồi cơm đang định mang ra ăn, thấy người lạ, đám trẻ bật chạy núp sau những cột nhà mốc thếch, nứt nẻ. Rồi chẳng biết chạy đi đâu, chúng đành rón rén quay lại với nồi cơm đang dở. Bữa trưa của những đứa trẻ người Mông chúng tôi gặp ở xã vùng cao Mường Lạn bị ngắt quãng rồi lại ríu rít quanh bếp lửa hồng là như vậy.

Nhìn lũ trẻ tay chân dính đầy đất cát, quần áo lấm lem trong bữa ăn đạm bạc, mới thấy trẻ ở thành phố sao mà sướng thế. Chúng tôi bắt chuyện với em Hạng Thị Dung, có vẻ chị cả nhất trong đám học trò đang xúm xít quanh nồi cơm dính than, tro đen nhẻm. Qua lời kể, tôi được biết, Dung mới 12 tuổi, học lớp 5, nhà ở bản Nậm Lạn, sát biên giới Việt - Lào, cách trường trung tâm xã Mường Lạn 25km. Mỗi sớm thứ sáu, Dung lại dắt em trai Hạng A Chua về bản, vừa thăm ông bà, thăm mẹ, vừa lấy gạo, lấy muối cho cả tuần học tiếp theo.

Chưa hết, vì là con lớn trong gia đình, Dung còn tranh thủ cùng mẹ lên nương được buổi cuối tuần. Rồi đến trưa chủ nhật, hai chị em, mỗi đứa gùi trên lưng một “con lợn” gạo về trường.

Hơn trăm đứa trẻ ở đây là hơn trăm hoàn cảnh khó khăn khác nhau, nhưng đứa nào cũng đi bộ từ trường về nhà và ngược lại.

Cô Tòng Thị Quyên, Hiệu phó Trường Tiểu học Mường Lạn nói: “Ở các bản đã có những điểm trường nhưng các gia đình đều muốn con em xuống trung tâm học, vì cho rằng ở đây chất lượng dạy và học tốt hơn. Các anh nhìn thấy bây giờ còn đỡ, chứ vào mùa mưa, trường lại phải mở các phòng học để học sinh vào trú tạm. Tạnh mưa thì lại cho các cháu về lại gian nhà này để ở…”.

Đợt rét đầu năm nay, ở Mường Lạn nhiệt độ xuống còn 20C, tất cả học sinh được nghỉ. Các cháu nhà ở quanh cụm xã thì còn được về, còn lại đám trẻ con ở xa, cứ loanh quanh như gà con lạc mẹ (nói đến đây cô Quyên không cầm nổi nước mắt)... Đứa thì đi kiếm củi để đem vào “nhà” đốt lửa sưởi, đứa chạy ra ruộng mong mót được tí rau tập tàng chưa chết cháy đen vì sương muối để cải thiện bữa ăn. Thế nhưng, khi sương tan, nắng hửng, trời ấm lên là chúng lại tiếp tục lên lớp.

Trước giờ lên lớp của học sinh Trường Tiểu học Mường Lạn (Sơn La)

Bên cạnh gian nhà dột nát là căn nhà 4 gian mới xây khá khang trang do Bộ đội Biên phòng Đồn Mường Lạn cùng Bộ Chỉ huy Biên phòng Sơn La xây cho các cháu. “Mỗi căn phòng này có 10 cháu ở, tính ra mới có khoảng 40 cháu có chỗ ngủ đàng hoàng. Vẫn còn phân nửa số cháu ở xa vẫn hàng ngày phơi nắng phơi sương trong căn nhà dột cũ”, cô Quyên nói.    

Thế nhưng, bắt đầu từ tháng 3, các thầy cô giáo rất sợ phụ huynh đến trường. Bởi, đây là mùa phát rẫy, làm nương, họ đến để “bắt” học sinh về khiến nhiều cháu dở dang việc học hành. Nhiều hôm, lớp cứ vắng teo vì chúng theo bố mẹ lên nương.

Tôi hỏi cháu đứng gần tôi nhất (nhà cách trường khoảng 20 cây số) rằng cháu có thích đi học không? Mắt cháu sáng lên “thích”! “Tại sao”? “Đến trường đến lớp có bạn bè, lại đỡ phải đi nương vất vả”!

Cũng nhân việc trò chuyện với bọn trẻ mà chúng tôi được biết, chúng cõng gạo xuống trường, mấy bữa đầu có thể có thêm ít rau xanh, quả trứng, vài miếng thịt kho hoặc cá khô mặn chát. Nhưng, chỉ được một, hai hôm, bữa ăn chỉ còn mỗi cơm với… muối. Các cháu thổi cơm ăn không mãi cũng chán nên nghĩ ra “sáng kiến” là đem gạo đổi lấy mỳ tôm. Ở đây, bình thường người ta bán 1 cân gạo khoảng mười lăm, mười sáu nghìn đồng, vậy mà thấy các cháu vừa ít tuổi, lại thật thà, không ít người nổi lòng tham, có khi nhận 1 cân gạo, chỉ cho các cháu có 2 gói mì. Biết chuyện, nhà trường lại phải cử người vừa dạy văn hóa, vừa trông nom, hướng dẫn các cháu khi đi đổi gạo lấy mỳ tôm, hoặc mua bán các thứ khỏi bị thiệt.

Ở đây cũng chưa có mô hình bán trú dân nuôi như nơi khác, nên nhà trường phải kiêm luôn mảng “hậu cần” cho đám trẻ.

Khi chuẩn bị rời Mường Lạn, thật may, chúng tôi gặp Phó Chủ tịch UBND xã Giàng Pả Tủa khi anh đang xuống thăm trường. Phó Chủ tịch còn rất trẻ, lại mới tốt nghiệp cử nhân văn hóa năm 2010, trước đây cũng là học sinh của trường. Nhà anh Tủa ở bản Co Muông, cách trường 15 cây số. Từng ăn đói, mặc rét, băng núi cắt rừng đi học nên Phó Chủ tịch Tủa thương các em lắm. Bận mấy thì một, hai tuần anh cũng xuống thăm các em một lần, mà lần nào cũng có quà, dù chỉ là ít sắn, ít khoai, vài cân muối trắng hay chút hoa quả vườn nhà…

Rời xã nghèo Mường Lạn, trong tôi cứ phảng phất hình ảnh và nỗi lo toan cho lũ trẻ của anh Tủa, cô Quyên và đau đáu nỗi lòng mong một ngày nào đó, nơi đây sẽ có thêm ngôi nhà bán trú giống ngôi nhà mà bộ đội đã xây cho đám trẻ, để ngày ngày chúng có chỗ chui ra chui vào, bớt mưa bớt nắng. Và, cũng thật mong cái sự học của chị em Hạng Thi Dung nói chung, cũng như cái sự tìm chữ của các cháu học sinh nghèo nơi đây không còn bị ngắt quãng những mùa nương rẫy và bớt đói lòng trong những ngày giáp hạt.


Thái Bình

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm