Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ tư, 04/01/2012 - 20:06
(Thanh tra)- Trải qua 20 năm xây dựng và trưởng thành, Báo Thanh tra từ ngày đầu thành lập đến nay đã trở thành cái tên có sức nặng trong lòng bạn đọc. Để có được ngày hôm nay, không thể không kể đến công lao của những người tiên phong“mở đường”. Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Thanh tra, nhà báo Đặng Thu Viện là một người như vậy“người mở đường” 20 năm trước.
Nhà báo Đặng Thu Viện - Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Thanh tra
Những ngày đầu gian khó
So cả về tuổi đời và tuổi nghề, tôi chỉ đứng vào bậc con cháu, nên trong câu chuyện, tôi gọi Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Thanh tra là cô. Cuộc trò chuyện của chúng tôi diễn ra trong đợt gió mùa đầu tiên tràn về Hà Nội. Trong căn nhà nhỏ tại Khu tập thể cán bộ thanh tra, cô vừa pha cho tôi cốc trà nóng, vừa kể cho tôi nghe về chuyến đi dài cả tháng trời ở Điện Biên Phủ. Cô bảo, tiếng là về hưu, nhưng cho đến giờ chưa một ngày nào cô ngừng làm việc. Phải chăng vì thế, cô vẫn giữ được phong độ của một nhà báo nhiều kinh nghiệm, một Tổng Biên tập sắc sảo và kiên định.
Cô cho biết, ban đầu, cơ quan Thanh tra Nhà nước (nay là Thanh tra Chính phủ) chỉ có ấn phẩm Tạp chí Thanh tra. Ở cương vị là Tổng Biên tập của Tạp chí, cô nhận thấy ấn phẩm này phát triển rất tốt. Nhưng, quá trình phát triển của ngành Thanh tra ngày càng có nhiều đòi hỏi lớn hơn về nhu cầu thông tin, về tính thời sự của thông tin. Bên cạnh đó, đúng thời điểm này, cuộc đấu tranh về chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước bắt đầu có những yêu cầu hết sức cấp bách và trọng trách được giao cho ngành Thanh tra. Chính từ đó, ý tưởng về một tờ báo của ngành Thanh tra, cơ quan ngôn luận của Thanh tra Nhà nước, tiếng nói của ngành Thanh tra và là diễn đàn của mỗi cán bộ, thanh tra viên đã được cô ấp ủ, nung nấu. Và rồi, tâm huyết của cô đã được lãnh đạo Thanh tra Nhà nước trân trọng, ủng hộ để “thai nghén” và ra đời tờ báo đầu tiên của ngành - Báo Thanh tra vào ngày 5/1/1992.
“Thai nghén” rồi “ra đời” là những công việc khó khăn, vất vả, nhưng nuôi dưỡng và phát triển còn khó gấp nhiều lần. Cô tâm sự, tờ báo được tách ra từ ấn phẩm Tạp chí Thanh tra khi đó chỉ vẻn vẹn có 5 người, trong khi công việc thì bề bộn và hầu như anh, chị em chưa hề tiếp xúc với hoạt động báo chí chuyên nghiệp. Trong 2, 3 năm đầu tiên, hầu như không ngày làm việc nào Tổng Biên tập Đặng Thu Viện kết thúc trước 8 giờ tối. Lúc đó, vì chưa tìm được người thay thế, cô đồng thời phải kiêm nhiệm cả chức danh Tổng Biên tập Tạp chí Thanh tra. Công việc thì nhiều mà sức người thì có hạn. Nhắc lại giai đoạn này, cô nói: “Bây giờ nghĩ lại vẫn không hiểu sao lúc đó mình lại khỏe thế, lấy đâu ra nhiều sức lực đến thế!”.
Hơn 1 tháng trước khi số báo đầu tiên ra mắt, 5 con người trở thành 5 cỗ máy được vận hành hết công suất. Từ thuê họa sỹ vẽ măng séc, chuẩn bị nội dung bài vở, đến xây dựng các chuyên mục, chuyên trang… của tờ báo. “Thời điểm đó cũng là lúc tôi cảm thấy căng thẳng nhất, bởi tờ báo còn chưa có giấy phép chính thức mà chỉ là một quyết định xuất bản “tạm” trong 3 tháng. Quả thực, với bộ máy ít ỏi đó, nhiều người tỏ ý e ngại về việc tờ báo có thể “sống sót” nên mới chỉ để tôi thử làm. Nhưng chính vì chỉ được làm thử, nên tôi và các anh, chị em càng xác định phải cố gắng hết sức mình để tờ báo có thể tạo được dấu ấn với bạn bè trong làng báo, với đồng chí, đồng nghiệp trong cơ quan”, cô Viện nhớ lại. Và thế là, với tâm huyết của người cầm bút, với lòng yêu mến sâu đậm với ngành, “những người mở đường” đã mang Báo Thanh tra đến với dòng chảy của đời sống.
Tìm đường
Với 4 số báo đầu tiên được chuẩn bị trong vòng 1 tháng, khi xuất bản đã được bạn bè, đồng nghiệp trong ngành truyền tay nhau. Khi đó, yêu cầu về chất lượng của tờ báo lại trở thành nỗi băn khoăn của người thuyền trưởng. Đặc thù ngành Thanh tra chỉ toàn những kết luận “khô”. Làm sao để tờ báo có thể vẫn chuyển tải đầy đủ nội dung thông tin của ngành tới bạn đọc lại vừa không bị nhàm chán? Đây là câu hỏi thường trực của “người mở đường”.
“Cái khó ló cái khôn”, trong hoàn cảnh đội ngũ phóng viên còn mỏng, chưa chuyên nghiệp thì cần phải xây dựng được một đội ngũ cộng tác viên rộng khắp. “Lúc đó, tôi nhận thấy rằng chỉ có một hướng đi tốt nhất cho Báo Thanh tra là vừa làm báo, vừa đào tạo người viết báo. Đó cũng chính là lý do Báo Thanh tra mở cuộc thi viết đầu tiên” - cô Viện tâm sự. Kết quả, cuộc thi đã khẳng định cách nghĩ, cách làm của lãnh đạo báo là hoàn toàn đúng đắn. Báo Thanh tra, với sự trợ giúp đắc lực từ đội ngũ cộng tác viên là các cán bộ, chuyên gia đầu ngành Thanh tra đã có những bài viết sâu về chuyên môn, hay về nghiệp vụ báo chí và từng bước nâng cao được vị thế trong lòng bạn đọc.
Trên đà thành công của cuộc thi viết đầu tiên, năm sau, Báo Thanh tra tiếp tục mở cuộc thi viết các phóng sự, điều tra về ngành Thanh tra. Cuộc thi kết thúc với giải nhất thuộc về một đồng chí Phó Chánh Thanh tra. Nhưng điều khiến Tổng Biên tập Đặng Thu Viện xúc động hơn cả chính là sự ghi nhận của các báo bạn đối với thành công của cuộc thi. Qua cuộc thi, tờ báo đã có vị trí trong lòng bạn bè làng báo, đồng thời thay đổi cái nhìn của nhiều người về công tác thanh tra, vốn luôn bị quy chụp là khô cứng, khó khăn.
Dấu ấn từ đấu tranh chống tiêu cực
Đối với mỗi nhà báo, bài viết chính là linh hồn, là tinh thần. Vì thế, bài báo được dư luận công nhận chính là phần thưởng, là bằng khen, là tấm huy chương cao quý nhất của mỗi nhà báo.
“Một vụ oan trái ít có” - là phóng sự dài kỳ đầu tiên trên mặt trận chống tiêu cực, tham nhũng của Báo Thanh tra. Trong 2 tháng liền, các số Báo liên tục cập nhật, đăng tải các thông tin mới về vụ việc. Bài báo sau này đã được lãnh đạo Bộ Công an và dư luận trong cả nước ghi nhận. Tuy nhiên, ít ai biết được, để đi đến những thành công đó, Tổng Biên tập Đặng Thu Viện và các phóng viên điều tra đã phải chịu không ít sức ép và đòn tâm lý. Vụ việc này xảy ra vào năm 1994, khi cô Viện tiếp cận được một lá đơn thống thiết từ một nữ thiếu úy công an trẻ ở Đồng Tháp tố cáo những sai trái đang xảy ra tại cơ quan mình; đồng thời, nữ Thiếu úy này cũng phải chịu hậu quả từ việc dám đứng lên tố cáo sai phạm.
“Sau khi xin ý kiến của lãnh đạo Thanh tra Nhà nước, tôi đã quyết định cử phóng viên đi điều tra, xác minh vụ việc trên. Đây là một vụ việc rất lớn, ảnh hưởng đến nhiều người. Thế nhưng, Báo Thanh tra đã được ghi nhận ở khía cạnh dám đứng lên đấu tranh, chống tiêu cực dù bị không ít sức ép. Đây có lẽ là điều không phải tờ báo nào cũng làm được”, cô Viện chia sẻ. Kết thúc có hậu từ bài báo này chính là việc Bộ Công an đã vào cuộc, khẳng định những thông tin của Báo Thanh tra là có cơ sở; đồng thời, nhiều cán bộ bị Báo chỉ tên đã bị cách chức, kỷ luật. Lãnh đạo Bộ Công an thời đó là Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ đã có văn bản tiếp thu các ý kiến của Báo Thanh tra.
Thành công tiếp nối thành công, Báo Thanh tra sau đó tiếp tục phanh phui nhiều vụ việc tiêu cực tại Vụ Quản lý dược - Bộ Y tế được dự luận ghi nhận.
Và, tôi tin rằng, câu chuyện về “người mở đường” cho Báo Thanh tra sẽ được thế hệ đi trước truyền lại cho lớp trẻ đi sau!
Khánh Linh
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.
Vũ Linh
19:35 14/12/2024(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.
Bùi Bình
20:22 13/12/2024Văn Thanh
20:09 13/12/2024Trung Hà
19:50 13/12/2024Thái Hải
19:48 13/12/2024Phương Anh
19:32 13/12/2024Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền