Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đừng để doanh nghiệp FDI “hắt hơi, xổ mũi” là ngân sách gặp vấn đề

Thứ ba, 24/10/2017 - 17:57

(Thanh tra)- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng ấn tượng nhưng chủ yếu nhờ vào doanh nghiệp FDI. Cần phân tích đánh giá để biết được nội tại nền kinh tế đang khỏe chỗ nào, yếu chỗ nào, tránh việc doanh nghiệp FDI “hắt hơi, xổ mũi” là ngân sách gặp vấn đề…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: TN

Sáng 24/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017, kế hoạch năm 2018.

Doanh nghiệp Việt “không được hưởng bao nhiêu FDI”

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, sau 9 tháng ước đã có khả năng đạt và vượt 13/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội Quốc hội giao là "một bất ngờ".

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, thời gian tới không được chủ quan vì quý IV vẫn cần tăng trưởng tới 7,31%. Trong khi quý III, có một số yếu tố đột biến như điện tử tăng đến 45% nhờ cho ra sản phẩm mới, công nghiệp chế biến chế tạo tăng mạnh.

Với tình hình hiện nay không phân biệt doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp tư nhân trong nước, tất cả đều là thành phần của nền kinh tế. Nhưng, cần phân tích đánh giá để biết được nội tại nền kinh tế của ta đang khỏe chỗ nào, yếu chỗ nào.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng ấn tượng nhưng chủ yếu ở khu vực FDI. Ngay trong công nghiệp chế biến chế tạo, tăng trưởng cũng nhờ vào một số sản phẩm nhất định chứ không phải tổng thể nền kinh tế. Điều này khiến sản phẩm đó hơi “yếu yếu một chút” là ảnh hưởng đến ngân sách, ảnh hưởng đến tăng trưởng.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, thu ngân sách Nhà nước năm 2017 vẫn khó khăn, trong đó thu nội địa, các khoản thu từ sản xuất kinh doanh đều đạt thấp, chứng tỏ hoạt động của các doanh nghiệp vẫn khó khăn. Tổng số nợ thuế còn rất lớn, lên tới trên 74.000 tỷ đồng.

“Có lúc Chính phủ từng đề xuất xóa bỏ nợ thuế của các doanh nghiệp đã ‘chết” lâu rồi, “chôn” lâu rồi hoặc đang “chùm chăn, chùm màn”, tức là quá “ốm, ốm nặng” hoặc sản xuất rất khó khăn nhưng Quốc hội chưa đồng ý nên còn đang treo tới trên 74.000 tỷ đồng. Đề nghị Chính phủ rà soát lại, xem khoản nào là nợ xấu hoàn toàn thì hạch toán riêng và xin chủ trương của Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội nói.

“Tôi nhớ, ngày xưa, tỉnh Hải Dương nguồn thu lớn nhất chủ yếu tập trung vào doanh nghiệp ô tô FORD. Khi "ông này" hắt hơi, sổ mũi là ngân sách tỉnh có vấn đề liền… Hay Samsung S7 năm trước bị lỗi một chút lập tức ảnh hưởng ngay đến chỉ tiêu xuất khẩu của chúng ta và nguồn thu ngân sách của tỉnh Bắc Ninh nói riêng, cả nước nói chung”, bà Ngân dẫn chứng và cho rằng, phải đa dạng hoá chứ đừng phụ thuộc vào một vài doanh nghiệp, một vài sản phẩm cụ thể.

Chia sẻ quan điểm này, ĐBQH TP Hồ Chí Minh Trương Trọng Nghĩa lo lắng khi xuất khẩu vừa qua tăng nhưng lại dựa vào những doanh nghiệp lớn, đặc biệt là doanh nghiệp FDI.

Theo đại biểu, đóng góp của doanh nghiệp Việt vào chuỗi cung ứng với doanh nghiệp FDI chỉ tính bằng lao động giá rẻ, tiền lương thấp nên thực tế “không được hưởng bao nhiêu FDI cả”. Do đó cần phải tính toán thế nào để tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, tạo ra những “sản phẩm của Việt Nam”.

Trước sự phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI lớn, ông Trần Anh Tuấn, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng, đây là "sự trục trặc của nền kinh tế".

"Giá trị gia tăng để lại cho Việt Nam thấp. Các doanh nghiệp FDI xuất khẩu, nhập khẩu nhiều nhưng thực tế đóng góp cho các nền kinh tế khác, chứ không phải Việt Nam", ông Trần Anh Tuấn nói, các doanh nghiệp FDI nhập nguyên vật liệu từ các nước có tập đoàn mẹ, điển hình là Samsung và Formosa... rồi tận dụng lợi thế lao động rẻ ở quốc gia thứ 3 như Việt Nam, sau đó xuất khẩu sản phẩm thành phẩm. Doanh nghiệp trong nước lại chưa tham gia chuỗi cung ứng, giá trị gia tăng dành cho Việt Nam rất thấp.

"Chúng ta vui vì GDP năm 2017 có thể tăng 6,7% như kế hoạch, 13/13 chỉ tiêu Quốc hội giao đạt và vượt. Nhưng phải nhìn nhận và giải quyết các trục trặc của nền kinh tế thì mới phát triển bền vững", ông cảnh báo.

Không có chuyện tăng trưởng dựa vào dầu thô, tín dụng

Cũng bày tỏ, vui mừng khi “dự báo cả năm 2017, chúng ta đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra”, nhưng Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Bùi Đặng Dũng (Kiên Giang) vẫn băn khoăn.

“Để tạo niềm tin khoa học cho các đại biểu Quốc hội đây là số thực chứ không phải số ảo, tôi nghĩ Chính phủ cần có báo cáo giải trình cụ thể hơn”, ông Dũng dẫn ví dụ: "Chỉ số GDP, quý I tăng 5,15%, quý II tăng 6,28%, quý III tăng 7,46%. Tính trung bình thì sao 9 tháng đầu năm, GDP cả nước tăng 6,41% được?".

“Thêm vào đó, GDP quý III tăng cao 7,46% trong khi giải ngân vốn đầu tư chậm, trái phiếu không chi được, thu của cả 3 khối doanh nghiệp đều không đạt…”, đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang băn khoăn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Ảnh: TN

Làm rõ điều này, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, tăng trưởng của Việt Nam chạy theo gia tăng dầu thô, tín dụng nên vì sao quý I, II thấp, quý III cao. Hay tại sao GDP tăng 6,7% mà ngân sách dự báo chỉ tăng 2,3%...

“Năm ngoái và năm nay, bắt đầu đối mặt với thực tiễn, công nghiệp khai khoáng liên tục giảm và giảm rất sâu, đầu tiên là dầu thô, tiếp đó là than đá”, ông Huệ cho hay, năm 2017, kế hoạch dầu thô đặt ra chỉ 13,28 triệu tấn, giảm 3 triệu tấn so với 2016. Mà mỗi 1 triệu tấn dầu thô giảm đi, GDP giảm 0,25%. Như vậy, giảm 3 triệu tấn, làm giảm GDP 0,75%.

“Chúng ta cũng không có nhiều dầu thô đâu. Lượng có, nhưng khả năng thương mại thấp, không nhiều. Hơn nữa, nếu ta khai thác như năm ngoái thì tăng trưởng sẽ tăng gần 7%... Cho nên, không có việc tăng trưởng dựa vào dầu thô”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Còn chỉ số tín dụng, 9 tháng tăng 12% “xêm xêm” như cùng kỳ năm 2016.  Nên “câu chuyện tăng trưởng dựa vào tín dụng cũng không phải”.

Trước ý kiến lo ngại, 3 tháng cuối nếu tín dụng tăng thêm 9% thì sợ lạm phát, ông Vương Đình Huệ trấn an, không lo ngại vì đây chỉ là chỉ tiêu định hướng.

“Điều hành tín dụng còn phụ thuộc khả năng hấp thụ của nền kinh tế, ta dẫn nó đi đâu thôi. Trước đây, tín dụng tăng 30 - 36% và năm 2009, cao điểm nhất là 53,9% thì giờ chỉ còn một nửa. Nhưng, tổng mức tín dụng không quan trọng bằng chất lượng tín dụng. Chỉ cần 1 công ty bất động sản vỡ nợ thì kéo theo dây truyền đỗ vỡ”, Phó Thủ tướng giải thích, vừa rồi tín dụng chủ yếu “chảy” vào công nghiệp chế tạo, nông nghiệp, hoàn toàn phù hợp với quy luật.

Cũng theo lãnh đạo Chính phủ, tính GDP không phải cộng các quý lại rồi chia bình quân. GDP mỗi quý, mỗi tháng khác nhau và tính trực tiếp của quý đó. Còn cả năm thì tính theo cả năm. Như muốn đạt tăng trưởng 6,7% thì tăng trưởng quý IV không phải 7,9% theo cách tính bình quân mà chỉ 7,31%.

Ông Vương Đình Huệ làm rõ thêm, tăng trưởng đạt được động lực nằm ở công nghiệp tăng, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng rất mạnh. Rồi dịch vụ bứt phá, tăng trưởng đồng đều ở các tỉnh, du lịch mỗi tháng thêm 1 triệu khách; xuất khẩu cao hơn nhập khẩu…

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

(Thanh tra) - Đồng hành cùng em tới trường tại bản Chiềng Ban (Tú Nang, Yên Châu, Sơn La), Công ty cổ phần ROX Key Holdings đã tài trợ tu sửa lớp học, thư viện, quyên góp sách vở, đồ dùng học tập và trao học bổng cho các em học sinh.

Thu Nga

21:26 11/12/2024
Hoà Bình còn 3.194 nhà tạm, nhà dột nát

Hoà Bình còn 3.194 nhà tạm, nhà dột nát

(Thanh tra) - Tính đến 10/12/2024, toàn tỉnh có 3.194 hộ nhà tạm, nhà dột nát có nhu cầu cấp thiết cần hỗ trợ xây dựng đảm bảo các tiêu chí; trong đó có 911 nhà sửa chữa, 1.066 nhà cần được hỗ trợ và 1.217 nhà cần xóa.

Trần Kiên

20:41 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm