Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Để doanh nghiệp nông nghiệp bớt khổ

Thứ ba, 06/12/2016 - 06:22

(Thanh tra)- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường vừa chủ trì đối thoại với nhiều doanh nghiệp (DN) nông nghiệp và càng thấm thía khi được nghe kể về lắm nỗi nhiêu khê.

Đối thoại với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: nhandan.com.vn

Họ kêu, với DN nông nghiệp, đất đai là tư liệu sản xuất quan trọng nhất. Ấy vậy mà hiện nay, hầu hết các địa phương đều ưu tiên đất cho phát triển công nghiệp nếu đồng thời có DN nông nghiệp cùng vào. Cái lý để các địa phương chọn công nghiệp là DN công nghiệp nộp ngân sách cho địa phương cao hơn nhiều so với DN nông nghiệp nếu cùng thuê một diện tích. Bởi một sản phẩm điện tử bé bằng nửa bàn tay có giá bán bằng cả tấn rau sạch!

DN nông nghiệp muốn chuyển một diện tích đất trồng lúa sang trồng cây ăn quả nhiều khi phải làm thủ tục xin lên tận Chính phủ. Trong khi, từ diện tích cây ăn quả muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang xây dựng khu công nghiệp thì chỉ cần lãnh đạo tỉnh, thậm chí huyện “gật” là xong.

Có những DN lo lắng, phải mất nhiều năm hạt điều, cà phê, hồ tiêu Việt Nam mới xuất khẩu ổn định được vào các thị trường lớn. Nay đứng trước nguy cơ không đủ hàng đáp ứng của họ, bởi nông dân nhiều nơi đã chặt các vườn điều, cà phê để trồng cây khác. Nông dân cứ chạy theo phong trào, rơi vào vòng xoáy luẩn quẩn. Lại có ý kiến, chất lượng nông sản Việt đang có vấn đề nóng, bởi đối tác mua cho rằng nhà nông sử dụng phân bón kém chất lượng, từ đó họ lấy cớ nâng cao “hàng rào kỹ thuật”, tăng cường kiểm tra làm khó cho hàng Việt.

Ngoài ra, vốn và công nghệ đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp cũng đang gặp khó bởi đầu tư vào nông nghiệp rủi ro cao hơn các lĩnh vực khác. Nhìn ra nước ngoài, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Trung Quốc hỗ trợ nông nghiệp 20%, Nhật Bản và Hàn Quốc trên 50%, còn Việt Nam ở mức 7%.

Vậy bức tranh toàn cảnh về DN nông nghiệp Việt Nam đến bao giờ sẽ có sự khởi sắc? Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận: “Chính sách nhiều mà vẫn ít người đầu tư vào nông nghiệp thì chứng tỏ vẫn tắc”.

Bộ trưởng rất chia sẻ khó khăn đối với các DN nông nghiệp và hứa sẽ tổ chức thêm nhiều đối thoại theo từng ngành hàng, từng chuyên đề để tháo gỡ, vừa có tính hệ thống vừa cụ thể.

Trước mắt, trong tháng này, Bộ NN&PTNT sẽ làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ về các chính sách giúp DN tiếp cận khoa học nông nghiệp công nghệ cao và phát triển công nghệ chế biến. Nhóm DN khó tiếp cận vốn sẽ được bố trí làm việc với hệ thống ngân hàng. Bản thân Bộ trưởng sẽ làm việc với công sứ Nhật Bản về mở cửa thị trường cho một số nông sản Việt, theo đó một số DN sẽ được mời tham gia. Khó khăn, khúc mắc của các DN nông nghiệp Việt là rất lớn.

Trên đây là những giải pháp được ghi nhận nhưng nếu chỉ dừng lại ở các giải pháp đó thì vẫn chưa đủ, bởi nhiều DN phàn nàn, chúng ta hô hào liên kết nông dân với DN, DN với các viện nghiên cứu, DN với chính DN nhưng nhiều năm qua các liên kết này hoạt động chưa hiệu quả. Đây cũng là vấn đề nhức nhối! Rất mong Bộ trưởng có được giải pháp tích cực và hữu hiệu để DN nông nghiệp bớt khổ.

Thế Lữ

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cao Bằng: 125 đơn vị nợ bảo hiểm gần 11 tỷ đồng

Cao Bằng: 125 đơn vị nợ bảo hiểm gần 11 tỷ đồng

(Thanh tra) - Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Cao Bằng, tính đến hết tháng 11/2024, toàn tỉnh có 125 đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền trên 10,909 tỷ đồng.

Trung Hà

15:05 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm