Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cấp tỉnh thiếu trách nhiệm

Thứ sáu, 07/10/2011 - 00:37

(Thanh tra)- Việc lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ (HLATĐB) giai đoạn II theo Quyết định 1856 (từ quý III/2008 - 2010) của Thủ tướng Chính phủ cơ bản đã đạt được. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nhiều hạng mục chưa đạt yêu cầu do việc vi phạm HLATĐB, đấu nối đường trái phép tiếp tục gia tăng ở một số địa phương. Trong đó, nguyên nhân do sự thiếu quyết liệt, thậm chí là thiếu trách nhiệm của các địa phương.

Thanh tra Tổng cục ĐBVN cùng các lực lượng cưỡng chế công trình vi phạm HLATĐB ở Thái Nguyên

Vi phạm phổ biến, đa dạng, phức tạp.

Khu Quản lý đường bộ II (QLĐB) cho biết, tình trạng vi phạm HLATĐB diễn ra phổ biến trên tất cả tuyến quốc lộ (thuộc Khu). Hiện, Khu có 24.468.352m2 đất sử dụng trong HLATĐB, trong đó, đất hợp pháp là gần 17.102.000m2, còn lại không hợp pháp.

Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hòa Bình, các tuyến đường do Sở được ủy thác quản lý hiện có gần 8.400 trường hợp vi phạm HLATĐB trong phạm vi 5 - 7m. Các công trình xây dựng trái phép, công trình tạm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đã được tổ công tác liên ngành phối hợp với chính quyền địa phương vận động người dân tự giải tỏa. Kết quả đã có 1.222 trường hợp tự ý tháo dỡ công trình vi phạm.

Đáng chú ý, việc đấu nối trái phép đường ngang vào các khu công nghiệp, cây xăng dầu trái phép… tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Tại Khu QLĐB VII có đến 9.886 đường ngang đấu nối trái phép, trong đó có phép và do lịch sử để lại gần 7.000 đường, trái phép là 2.970 đường. Đại diện Khu QLĐB IV cho rằng, mặc dù khu đã làm hết trách nhiệm như chỉ đạo đơn vị trực tiếp QLĐB lập biên bản, đình chỉ thi công trái phép, lập rào chắn, phối hợp với chính quyền địa phương xử lý… Tuy nhiên, số lượng đường ngang, đường nhánh và các điểm đấu nối trái phép từ khi có Nghị quyết 32 vẫn tăng lên 413 đường (325 đường trái phép).

Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) cho biết, báo cáo của 4 khu QLĐB và 32 sở GTVT thì giai đoạn II lập lại trật tự HLATĐB có hơn 440.600m2 nhà vĩnh cửu, hơn 1.333.300m2 nhà cấp bốn, hơn 378.700m2 ki ốt, gần 883.750m2 mái che và hàng nghìn mét tường xây, tường rào vi phạm. Trong đó, đã vận động người dân tự tháo dỡ một phần đáng kể công trình vi phạm. Cùng với đó, đã cưỡng chế (4 khu QLĐB và 22 sở GTVT) được gần 78.750m2 nhà vĩnh cửu, gần 203.000m2 nhà cấp 4 hàng trăm nghìn m2 ki ốt, mái che các loại, gần 1,2 triệu cây xanh, gần 155.000 tường xây, gần 48.000m tường rào thép, hàng chục nghìn biển quảng cáo công trình. Qua đó, trồng được 66.695 cột mốc giải phóng mặt bằng xác định phạm vi đất đã giải tỏa.

Đại diện Tổng cục ĐBVN đánh giá, việc lập lại trật tự HLATĐB giai đoạn II đến nay đã cơ bản đạt mục tiêu kế hoạch. Trên một số tuyến quốc lộ, HLATĐB những đoạn được giải toả thông thoáng hơn, tai nạn giao thông có chiều hướng giảm về số vụ và số người chết. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân dẫn đến tiến độ không đạt yêu cầu.

Trách nhiệm thuộc về UBND cấp tỉnh

Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân tồn tại những vi phạm và phát sinh những vi phạm mới là do ý thức của người dân không chấp hành những quy định, chỉ dẫn về HLATĐB. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc thiếu quyết liệt, thậm chí là thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng là nguyên nhân hàng đầu. Bởi, ngay cả những báo cáo, thống kê rà soát một số địa phương còn không gửi về Tổng cục ĐBVN. Đến thời điểm này, chưa có tỉnh nào lập dự toán kinh phí phải đền bù, giải tỏa HLATĐB và các công trình làm mất ATGT. Việc lập ra tổ công tác liên ngành có vai trò hết sức quan trọng trong chỉ đạo thực hiện thì cũng chỉ có 21/61 tỉnh có tổ trưởng là lãnh đạo sở GTVT. Thậm chí, nhiều nơi chính quyền địa phương đã cấp sổ đỏ trong HLATĐB và không đồng tình với việc ghi cấp sai biểu mẫu nên tạm dừng rà soát, thống kê.

Việc thực hiện giai đoạn III của Quyết định 1856, Tổng cục ĐBVN tiếp tục khẳng định trách nhiệm thuộc về UBND cấp tỉnh (đã được quy định trong điểm a, khoản 10, Điều 2 Quyết định 1856 và các văn bản pháp luật khác). Vì vậy, Tổng cục ĐBVN yêu cầu các đơn vị chưa thực hiện xong giai đoạn 2 cần khẩn trương hoàn tất; duy trì tuyên truyền pháp luật về HLATĐB bằng nhiều hình thức. Với các tỉnh đã thực hiện xong giai đoạn 2, thì khu QLĐB, Sở GTVT phối hợp ngay với chính quyền địa phương các cấp nghiệm thu công tác giải tỏa và bàn giao cho địa phương, chống tái lấn chiếm HLATGTĐB…

Do vậy, UBND cấp tỉnh phải quyết liệt vào cuộc phối hợp với đơn vị QLĐB để hoàn thành mục tiêu của giai đoạn III, đến năm 2020 phải đền bù giải tỏa toàn bộ HLATĐB. Đồng thời, lập dự án đền bù, giải tỏa, thu hồi HLATĐB và các công trình làm mất ATGT với hệ thống đường địa phương.


Bài và ảnh: Hữu Oanh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cao Bằng: 125 đơn vị nợ bảo hiểm gần 11 tỷ đồng

Cao Bằng: 125 đơn vị nợ bảo hiểm gần 11 tỷ đồng

(Thanh tra) - Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Cao Bằng, tính đến hết tháng 11/2024, toàn tỉnh có 125 đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền trên 10,909 tỷ đồng.

Trung Hà

15:05 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm