Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần sự minh bạch khi tăng dịch vụ y tế

Thứ ba, 09/10/2012 - 13:50

(Thanh tra)- Khi tăng giá dịch vụ y tế (DVYT), nhiều người bệnh vẫn phải trả thêm phần chênh lệch do sử dụng dịch vụ trên máy xã hội hóa (XHH) do tư nhân liên kết với bệnh viện (BV) đầu tư. Có cách nào để bảo đảm công bằng cho người bệnh khi tăng giá DVYT?

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện Chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, sau 2 tháng triển khai thực hiện tăng giá DVYT, nhiều thông tin phản ánh về tình trạng quá tải tại các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) vẫn chưa được cải thiện.

Phân tích của các chuyên gia y tế cũng cho thấy, với số lượng bệnh nhân lớn, khoảng 2.500 bệnh nhân/ngày như tại các BV tuyến T.Ư, dù có tăng lên 50 - 60 bàn khám cũng không hạ số lượng bệnh nhân ở mỗi bàn khám xuống đúng định mức 35 người/bàn/ngày như Bộ Y tế đề ra.

Khảo sát của PV tại một số BV lớn ở Hà Nội cho thấy, hoạt động KCB tại phòng khám, siêu âm, điện tim... chưa có sự thay đổi so với khi chưa tăng DVYT. Tình trạng người bệnh chờ đợi đông đúc ngoài phòng khám, cán bộ y tế thực hiện quy trình khám bệnh không đi găng tay, mang mũ hay đeo khẩu trang vẫn phổ biến. Trong khi đó, cơ cấu giá DVYT mà các BV xây dựng đều đã tính chi tiết chi phí mũ, găng tay, khẩu trang và đương nhiên là quỹ BHYT phải chi đầy đủ số tiền đó cho BV.

Ông Lê Văn Phúc, Trưởng phòng Chế độ BHYT, Ban Thực hiện Chính sách BHYT, BHXH Việt Nam cho biết, theo kế hoạch, sau một thời gian áp dụng giá DVYT mới, ngành Y tế và BHXH sẽ tổ chức kiểm tra DVYT tại các BV, địa phương đã áp dụng giá DVYT mới để đánh giá chất lượng KCB có tương xứng với giá hay không. “Chúng tôi đang xây dựng các tiêu chí đánh giá về tổ chức triển khai việc áp dụng giá DVYT mới như: Công khai bảng giá DVYT, minh bạch các khoản thu, thực hiện DVYT đúng như định mức kỹ thuật đã xây dựng, số lượng bệnh nhân trên 1 bàn khám bệnh. Từ đó, BHXH Việt Nam có kiến nghị điều chỉnh cho hợp lý”, ông Lê Văn Phúc nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, việc các BV mở khoa dịch vụ, điều trị theo yêu cầu là hoàn toàn đúng với chủ trương XHH y tế của Nhà nước. So với giá trong Thông tư 04 được BHYT thanh toán, mức giá các DVYT thỏa thuận này được tính đúng, tính đủ (cả 7 yếu tố cấu thành giá) nên cao hơn giá được BHYT thanh toán. Trên thực tế, dù lâu nay đã được người bệnh mặc định chấp nhận, nhưng sự minh bạch của khoản thu thêm này, đặc biệt là khi phần chi trả của quỹ BHYT cho các DVYT đã điều chỉnh tăng lên, thậm chí một số dịch vụ đã tiệm cận với giá DVYT đang áp dụng, vẫn còn nhiều bất cập.

Theo quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, giá DVYT điều chỉnh lần này chỉ tính 3/7 yếu tố chi phí trực tiếp mà BV bỏ ra để thực hiện dịch vụ, 4/7 cấu phần chưa được tính vào giá DVYT đã được ngân sách Nhà nước bảo đảm. Nhưng đã là máy móc XHH, nhà đầu tư phải tính đúng, tính đủ mọi chi phí và đương nhiên là có cả lãi thu về (số tiền đầu tư trang thiết bị y tế nhiều khi lên tới cả chục tỷ đồng).

Tuy nhiên, điều đáng nói là, các thiết bị y tế được XHH lại đặt trong các BV công - nơi vẫn được Nhà nước bao cấp nhiều mặt… Chưa kể, theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ, các cơ sở y tế được quyền chủ động quyết định giá DVYT từ máy móc đầu tư theo hình thức XHH.

Ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế cho biết: “BV được phép triển khai khám dịch vụ, khám theo yêu cầu nhưng phải báo cáo Bộ Y tế duyệt mức chi phí. Toàn bộ số thu này phải tổng hợp, theo dõi hạch toán riêng, có nộp thuế…”.

Dư luận quan tâm, cấu phần giá DVYT sử dụng máy móc XHH vẫn là một thông tin “kín” mà các BV luôn được quyền quyết định và không công khai. Người bệnh chẳng có chuẩn nào để so sánh giá dịch vụ đã được “phát giá” hợp lý hay chưa? Sẽ là rất bất cập khi họ phải dốc tiền túi để chi trả thêm DVYT không hợp lý nếu cơ sở y tế cố tình lạm dụng những dịch vụ sử dụng trang thiết bị từ nguồn vốn XHH cả về định mức, cơ cấu giá cũng như tần suất sử dụng.

Với tỷ lệ gần 65% dân số có thẻ BHYT, mức chi phí từ quỹ BHYT chiếm một phần không nhỏ trong các DVYT. Hiện nay, BHXH Việt Nam đang yêu cầu các địa phương có báo cáo toàn diện về việc sử dụng máy móc XHH, hạn chế tình trạng tăng chi phí cho người bệnh, tăng chi quỹ BHYT. Rõ ràng, đã đến lúc cần có sự tham gia của BHXH Việt Nam vào việc xây dựng định mức giá, yêu cầu các BV làm rõ vấn đề này để tránh sự trục lợi quỹ BHYT, đồng thời ảnh hưởng tới quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT.


Nguyễn Nhuần

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm