Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bảo vệ thông tin người tiêu dùng trong kỷ nguyên số

Thứ sáu, 15/09/2017 - 06:24

(Thanh tra)- Thương mại điện tử đang là xu hướng phát triển của thời kỳ kinh tế số, góp phần thay đổi rõ nét không chỉ nền kinh tế mà còn tác động tới nhiều chủ thể tham gia các hoạt động tiêu dùng. Khi các giao dịch online ngày một tăng trưởng mạnh, thì vấn đề bảo vệ thông tin của người tiêu dùng cũng cần đặt lên hàng đầu.

Người tiêu dùng cần nâng cao ý thức tự bảo vệ thông tin cá nhân trước các giao dịch qua mạng. Ảnh minh họa

Thông tin dữ liệu cá nhân rao bán tràn lan trên mạng

Theo thống kê từ hoạt động của Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng - 1800.6838 của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương trong 7 tháng đầu năm 2017, Cục đã tiếp nhận hơn 30 vụ việc phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng về việc nhận được các cuộc điện thoại, tin nhắn từ mạng xã hội có nội dung cung cấp thông tin lừa đảo người tiêu dùng. Phần lớn các hoạt động liên hệ này đều chứa đựng ít nhất một vài thông tin chính xác của người tiêu dùng, ví dụ như họ tên, địa chỉ nhà, hoạt động mua bán đã từng thực hiện trong quá khứ tại một doanh nghiệp nào đó.

Những thông tin chính xác này là căn cứ quan trọng để người tiêu dùng tin tưởng vào những nội dung chào mời của các đối tượng. Và theo đó, nhiều trường hợp đã bị dẫn dụ tới việc giao nộp cho đối tượng lừa đảo một khoản tiền, từ 1 - 2 triệu đồng cho đến vài chục triệu đồng, thậm chí là hàng trăm triệu đồng. Việc liên hệ với các đối tượng lừa đảo để giải quyết các khiếu nại phát sinh thường là rất khó do các đối tượng sử dụng các thông tin liên hệ mạo danh hoặc không xác định được tính chính xác về thông tin của đối tượng.

Trên thực tế, việc mua bán dữ liệu thông tin cá nhân trên mạng Internet hiện rất dễ dàng, chỉ cần một vài thao tác gõ những cụm từ thông tin dữ liệu Data khách hàng trên mạng tìm kiếm Google thì xuất hiện vô số những lời chào mời bán dữ liệu thông tin doanh nghiệp, danh sách các khách hàng với các thông tin chi tiết kèm theo: Vị trí địa lý, điện thoại, email, chức vụ. Thậm chí là lịch sử giao dịch của người tiêu dùng trong các dịch vụ tài chính, bảo hiểm, mua bán hàng hóa... Người mua danh sách dữ liệu thường sử dụng các thông tin này để gọi điện, nhắn tin, gửi email với những mục đích đa dạng và khác nhau, trong đó có cả những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thậm chí mang tính chất lừa đảo người tiêu dùng.

Mua bán thông tin dữ liệu cá nhân là phạm pháp 

Nhiều người tiêu dùng cho biết, trong quá trình trao đổi, các đối tượng lừa đảo cung cấp chính xác thông tin về giao dịch của người tiêu dùng đã được thực hiện trước đó như thời gian mua hàng tại trung tâm điện máy; giá trị hóa đơn... Thông tin này cho thấy việc bảo mật thông tin của người tiêu dùng đã không được thực hiện theo đúng quy định pháp luật, dẫn tới việc rò rỉ thông tin, bị các đối tượng xấu lợi dụng để khai thác, lừa đảo. 

Bên cạnh đó, nhiều người tiêu dùng trong quá trình cung cấp thông tin trên mạng xã hội, sử dụng các thông tin giao dịch tài chính không ý thức được các nguy hiểm tiềm ẩn khi bên thứ ba có thể khai thác và lợi dụng các thông tin này vào mục đích lừa đảo. 

Theo luật sư Nguyễn Quang Hùng, Đoàn Luật sư Hà Nội, tại Khoản 2 Điều 6 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được ban hành từ năm 2010 đã có quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng: “Người tiêu dùng được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu”. 

Luật Dân sự cũng có những điều khoản quy định quyền đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. “Việc mua bán thông tin dữ liệu cá nhân được xem là một loại hình tội phạm, thậm chí có thể bị xử lý về hình sự”, luật sư Nguyễn Quang Hùng cho biết thêm. 

Cũng trong nhiều năm qua, Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm công nghệ cao (C50) Bộ Công an, đã từng lập nhiều chuyên án về việc mua bán thông tin cá nhân trên mạng. Tình trạng mua bán thông tin, dữ liệu cá nhân được cơ quan chức năng nhận định là một trong những loại hình tội phạm diễn ra nhiều năm nay và rất phức tạp. Theo quy định của pháp luật thì những hành vi công khai sử dụng các thông tin của cá nhân, tổ chức nhưng không được sự đồng ý của chủ sở hữu bị coi là vi phạm pháp luật. Và theo Điều 226B Bộ luật Hình sự thì những hành vi như trên sẽ bị xử phạt hành chính hoặc hình sự, tùy theo mức độ vi phạm. 

Thiết nghĩ, để phòng, tránh việc lộ và bảo mật thông tin cá nhân, người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức về giá trị và tầm quan trọng của việc bảo mật các thông tin của mình qua các giao dịch. Về phía các doanh nghiệp, cần thực hiện đúng các quy định pháp luật về bảo vệ thông tin người tiêu dùng, sử dụng hợp pháp và khai thác hiệu quả các dữ liệu thông tin để góp phần định hướng hoạt động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 

Quang Đông

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm