Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bám biển giữ chủ quyền

Thứ bảy, 06/10/2012 - 10:15

(Thanh tra) - Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn về giá cả nhiên liệu, đầu ra sản phẩm và cả những tai nạn rủi ro trên biển… nhưng được sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước và cộng đồng, bà con ngư dân vẫn vững tin vươn khơi bám biển.

Quyết tâm bám biển giữ chủ quyền tổ quốc

Đã vào mùa mưa bão, nhưng không khí tại các xưởng đóng tàu thuyền ven biển tỉnh Quảng Ngãi vẫn sôi động. Người tranh thủ đưa tàu lên bờ sửa chữa, người tất bật hoàn thiện con tàu công suất lớn chuẩn bị hạ thủy.

Trong niềm vui hạ thủy con tàu mới, công suất 420 CV, trị giá 1,2 tỷ đồng do Quỹ “Tấm lưới nghĩa tình” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hỗ trợ, lão ngư Trần Phương, Bình Châu, Bình Sơn bộc bạch, Nay có tàu mới thì tiếp tục vươn khơi. Ông Phương vừa được hỗ trợ 500 triệu đóng mới con tàu này.

Ngoài gia đình ông Trần Phương, hàng trăm trường hợp khác cũng đã được Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi và các tổ chức, cá nhân khác giúp đỡ hàng tỷ đồng để cải hoán, đóng mới tàu thuyền.

Sau hơn một năm thành lập, Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi đã nhận được hơn 5 tỷ đồng từ các tổ chức, các nhân đóng góp. Từ số tiền này, Quỹ đã hỗ trợ ngư dân đóng mới 4 tàu cá với trên 1,7 tỷ đồng. Ngư dân thuộc diện chính sách, hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn... được Quỹ hỗ trợ không hoàn lại.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi Phan Huy Hoàng cho biết, nguồn Quỹ còn eo hẹp, nên mức hỗ trợ vẫn còn thấp. Ban đầu ra đời, quỹ giới hạn hỗ trợ là các tàu đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và DK1. Quảng Ngãi hiện có trên 5.700 tàu thuyền với tổng công suất gần 700.000 CV. Thời gian tới, Quỹ sẽ tiếp tục huy động thêm từ nhiều nguồn đóng góp, đồng thời nghiên cứu mở rộng thêm đối tượng hỗ trợ cho ngư dân thiệt hại vì thiên tai, hoặc bị nước ngoài bắt giữ trái phép.

Tại Quảng Nam, nhằm hỗ trợ ngư dân bám biển xa, HĐND tỉnh cũng vừa thông qua Nghị quyết thành lập Quỹ hỗ trợ ngư dân. Quỹ có vốn điều lệ là 15 tỷ đồng, sang năm 2013 là 25 tỷ đồng và sau mỗi năm bổ sung thêm 1 tỷ.

Đối tượng được Quỹ hỗ trợ là ngư dân có nhu cầu đóng mới, cải hoán tàu cá có công suất máy từ 90 mã lực trở lên để hoạt động tại các vùng biển xa. Quỹ hỗ trợ ngư dân sẽ thực hiện hỗ trợ thêm cho ngư dân và gia đình của họ khi gặp rủi ro để có điều kiện ổn định đời sống, vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất.

Hiện, tỉnh Quảng Nam có trên 4.200 chiếc thuyền với tổng công suất gần 156.000 mã lực; hơn 25.000 lao động, mỗi năm khai thác hơn 60.000 tấn hải sản.

Trong khi đó, để giúp ngư dân ra khơi, bám biển, Bến Tre cũng triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, cho vay vốn cải hoán tàu thuyền, trang bị ngư cụ, hỗ trợ nhiên liệu. Đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã kết hợp với Trung tâm Kiểm soát tần số vô tuyến điện Khu vực 2 TP. Hồ Chí Minh cấp phép sử dụng tần số, thiết bị thu, phát sóng vô tuyến điện trong khai thác thủy sản cho hơn 300 tàu cá.  
 
Các ngành hữu quan thường xuyên cập nhật thông tin diễn biến thời tiết, hướng dẫn tàu đánh bắt vào nơi trú ẩn an toàn. Để đảm bảo về chất lượng và chi phí phát sinh, tỉnh đã vận động ngư dân thành lập lập các tổ, đội liên kết đánh bắt hải sản để giảm chi phí cho mỗi chuyến ra khơi; tiến hành thành lập các nghiệp đoàn nghề cá… Đặc biệt là các tàu dịch vụ hậu cần thủy sản để hỗ trợ tìm kiếm ngư trường, vận chuyển vật liệu từ đất liền ra biển hỗ trợ các đội tàu; vận chuyển thủy sản từ biển ra đất liền.

Bến Tre hiện có hơn 5.000 tàu đánh cá, trong đó có 40% tàu có công suất trên 90 sức ngựa tập trung ở 2 huyện  Ba Tri và Bình Đại. Mỗi năm, đoàn tàu đánh cá của địa phương này đạt sản lượng trên 250.000 tấn thủy sản, giải quyết việc làm cho 14.000 lao động.

Còn tại Đà Nẵng UBND TP cũng vừa quyết định hỗ trợ kinh phí cho ngư dân đóng mới tàu khai thác hải sản và tàu dịch vụ khai thác xa bờ, có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên, tùy công suất, mỗi tàu đóng mới được hỗ trợ 500 - 800 triệu đồng, 100% lệ phí đăng kiểm.

Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ là chủ tàu có hộ khẩu thường trú tại TP. Đà Nẵng và cam kết hoạt động ít nhất 2 năm kể từ khi nhận tiền hỗ trợ lần đầu.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Đà Nẵng Hồ Phó cho biết, hiện nay, đội tàu đánh bắt xa bờ của thành phố giảm mạnh, bởi vậy chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển.

Một cách làm khác ghi nhận từ Khánh Hòa,  các hộ nuôi trồng hải sản tại huyện đảo Trường Sa sẽ được hỗ trợ 50% tiền giống, 100% chi phí lồng, bè. Ngoài hỗ trợ về tiền giống, lồng, bè, các sản phẩm do các hộ dân nuôi trồng còn được bao tiêu trọn gói.

Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Khánh Hòa sẽ là đầu mối  tiếp nhận phương án ngư dân và đề suất kinh phí hỗ trợ. Ngoài ra, theo Trưởng phòng Khai thác, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa Võ Khắc Én, người dân khi muốn nuôi trồng hải sản ngoài huyện đảo Trường Sa còn được hướng dẫn kỹ thuật, từ nghiên cứu con nước đến cách thả con giống theo mùa vụ…

Được biết, vùng biển Trường Sa hiện có gần 70 giống, loài hải sản có giá trị kinh tế cao như: cá ngừ, cá mú, cá hồng, có nhiều bãi ngầm san hô diện tích lớn, môi trường nước trong sạch, kín gió thích hợp cho việc nuôi trồng hải sản. Hiện Công ty Hải sản Trường Sa đã nuôi thành công các loài cá có giá trị xuất khẩu cao như cá chim, cá chẽm...

Có thể thấy, do đặc thù của từng địa phương có khác nhau, nhưng tiếp sức ngư dân vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền tổ quốc đang là ý tưởng chung. Chương trình đã và đang nhận được sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước và cả cộng đồng. Sự tiếp sức này sẽ tiếp thêm sức mạnh cho bà con ngư dân vững tin vượt sóng.

   
Tiên Vy

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm