Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

30 năm chưa được hưởng chế độ vợ liệt sĩ

Thứ năm, 20/01/2011 - 00:14

(Thanh tra)- Cưới vợ tháng 11/1976, về ở rể được gần 1 năm (tháng 6/1977), ông Bùi Văn Cường, xóm Um, xã Yên Thượng, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, lên đường nhập ngũ. Ngày 17/2/1979, ông Cường hy sinh ở chiến trường Tây Nam. Vợ liệt sĩ Bùi Văn Cường - bà Bùi Thị Tượn ở vậy thờ chồng, nuôi bố mẹ già. Nhưng, hơn 30 năm qua, bà Tượn chưa được hưởng chế độ vợ liệt sĩ. Nguyên nhân chỉ vì trong giấy báo tử không ghi… tên vợ.

Bà Bùi Thị Tượn (người bên trái) và bà Bùi Thị Ánh đang bày tỏ nỗi niềm với PV Báo Thanh tra

Chỉ tại giấy báo tử
Gặp PV Báo Thanh tra, bà Tượn cho biết, trên "giấy báo tử" không công nhận bà là vợ liệt sỹ Bùi Văn Cường. Vì thế, 30 năm nay, bà Tượn không được hưởng chế độ của người vợ liệt sỹ. Chưa hết, theo bà Tượn, trong giấy báo tử liệt sỹ của chồng bà cũng ghi sai tháng, năm nhập ngũ. Cụ thể: Liệt sỹ Bùi Văn Cường nhập ngũ ngày 24/6/1977, nhưng trong Giấy báo tử số 01A - BT3 ngày 31/3/1979 lại ghi nhập ngũ tháng 10/1976. Như vậy, nếu căn cứ vào giấy này thì liệt sỹ Cường đi bộ đội trước 1 năm, lúc đó ông Cường chưa có vợ là đúng. Phần ghi họ, tên vợ liệt sỹ vì thế được bỏ trống.

Bà Bùi Thị Tượn đã nhiều lần làm đơn đề nghị được công nhận là vợ liệt sỹ gửi các cơ quan chức năng của huyện Kỳ Sơn (trước đây) và huyện Cao Phong (hiện nay). Trong đơn có xác nhận của UBND xã, họ hàng, Hội Cựu chiến binh công nhận bà Bùi Thị Tượn là vợ của liệt sỹ Bùi Văn Cường. Thế nhưng, bà Tượn được trả lời rất ngắn gọn: "Không đủ căn cứ để xác nhận là vợ liệt sỹ. Vì, trong giấy báo tử không ghi tên vợ".

Trao đổi với PV Báo Thanh tra, anh Nam, cán bộ theo dõi công tác chế độ chính sách, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Cao Phong cho biết: Phòng đã nhận được đơn của bà Bùi Thị Tượn, nhưng đối chiếu với hồ sơ của liệt sỹ Bùi Văn Cường, cụ thể là giấy báo tử, không ghi tên vợ mà chỉ ghi tên bố đẻ. Vì vậy, không thể xét công nhận bà Tượn là vợ của liệt sỹ Cường.

Bà Tượn là vợ liệt sỹ Cường
Ông Bùi Văn Khự, nguyên Chủ tịch UBND xã Yên Thượng (1966 - 1987) đã khẳng định như vậy. Ông Khự cho biết: Vợ chồng ông bà Bùi Văn Tiến, bà Bùi Thị Miễn (bố mẹ liệt sỹ Cường) sinh được 7 người con, liệt sỹ Cường là con thứ hai. Bà Bùi Thị Tượn có 4 chị em gái. Bà Tượn là con thứ hai. Hai nhà cùng ở xóm Um. Vào những năm 70 của thế kỷ trước, đời sống kinh tế của nhân dân xã Yên Thượng rất nghèo, đói. Xã ở trên núi cao, không có đường giao thông. Năm ông Bùi Văn Cường 18 tuổi, bà Tượn cũng 18 tuổi, hai gia đình đi lại và đồng ý làm thông gia với nhau. Vì vợ chồng ông Tiến đông con trai, gia đình bên bà Tượn chỉ có con gái nên ông Tiến cho con trai (liệt sỹ Cường) đi ở rể.

Đầu tháng 11/1976, hai gia đình tổ chức đám cưới cho ông Cường và bà Tượn. Trước khi cưới khoảng 5 - 6 ngày, bà Ánh (dì ruột liệt sỹ Cường và là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã) đã dẫn ông Cường và bà Tượn ra UBND xã làm thủ tục đăng ký kết hôn. Thời điểm đó, UBND xã chưa có văn phòng làm việc mà làm việc tại nhà ông Bùi Văn Linh, xóm Bãi Xím. Đi đăng ký kết hôn về, ông Cường đưa giấy đăng ký cho bố cất vào ống nứa để lên mái nhà (người dân tộc, thường để giấy tờ quan trọng vào ống nứa hoặc ống bương).

Ở rể được gần 1một năm, tháng 6/1977, ông Bùi Văn Cường lên đường nhập ngũ. Đợt nhập ngũ đó xã Yên Thượng có 15 thanh niên lên đường. Ông Bùi Văn Khự khẳng định: "Tôi là người trực tiếp hướng dẫn chị Tượn, anh Cường làm thủ tục đăng ký kết hôn và thay mặt UBND xã trao giấy kết hôn cho đôi vợ chồng trẻ. Đám cưới có cán bộ xã, Hội Phụ nữ xã, xóm, đoàn thanh niên đến dự. Thật khó hiểu tại sao trong giấy báo tử của liệt sỹ Bùi Văn Cường họ lại không ghi tên vợ là chị Bùi Thị Tượn".

Ông Bùi Ngọc Bình, người bạn đồng niên, đồng ngũ với liệt sỹ Bùi Văn Cường ngậm ngùi nói: "Anh Cường lấy vợ, về ở rể nhà chị Tượn gần 1 năm, cả xóm, cả xã ai mà không biết. Không hiểu vì sao khi làm giấy báo tử họ lại sơ xuất đến thế. Có điều, các cơ quan có trách nhiệm ở huyện, tỉnh sao không về địa phương xác minh để bảo đảm quyền lợi cho chị Tượn". Ông Bình bức xúc, nói tiếp: "Nếu cứ làm đúng như trong giấy báo tử thì ở xã Yên Thượng không có ai là Bùi Văn Cường nhập ngũ tháng 10/1976. Còn anh Cường, chồng chị Tượn nhập ngũ tháng 6/1977, cái anh Bùi Văn Cường nào đấy nhập ngũ tháng 10/1976, thì đúng là chưa có vợ. Vậy đấy".

Bà Bùi Thị Ánh vừa nắm tay cháu dâu vừa nói: "Nhận được tin chồng hy sinh ở chiến trường giữa ngày hội ném còn đầu xuân, cháu Tượn ngất lịm đi, chị em phụ nữ phải đưa cháu về nhà động viên, chăm sóc. Trong nhà chỉ có bố mẹ già và các em còn nhỏ. Thương hai cháu lắm. Ăn ở với nhau gần một năm trời mà chưa có con. Cháu Tượn ở vậy thờ chồng, nuôi bố mẹ và các em. Khi bố mẹ khuất núi, các em đi lấy chồng, cháu ở vậy đến bây giờ. Gia cảnh nghèo túng, chính quyền xã, xóm, bà con họ mạc vừa làm cho cháu ngôi nhà "Đại đoàn kết". Là vợ liệt sỹ đấy mà đã hơn 30 năm nay không được công nhận là vợ liệt sỹ. Họ mạc làm đơn, chính quyền xã giúp đỡ xác nhận, nhưng Phòng LĐ-TB&XH huyện trả lời là không đủ căn cứ để công nhận là vợ liệt sỹ. Cán bộ chỉ căn cứ vào giấy báo tử chứ không căn cứ vào thực tế. "Giá như cán bộ huyện về xã gặp gia đình, gặp những người làm cán bộ xã thời đấy để xác minh thì cháu tôi không phải chịu thiệt thòi suốt 30 năm như thế này", bà Ánh nói.

Trao đổi với PV, ông Bùi Minh An, Bí thư Đảng ủy và ông Bùi Quang Cảnh, Chủ tịch UBND xã Yên Thượng đều cho rằng: "Việc đòi hỏi của chị Tượn là chính đáng. Nếu các cơ quan chức năng chỉ căn cứ vào giấy báo tử mà quyết thì có lẽ đến lúc chết, chị Tượn cũng không được hưởng quyền lợi của người đã có chồng hy sinh vì đất nước, vì dân. Chúng tôi mong rằng, Phòng LĐ-TB&XH huyện Cao Phong tạo mọi điều kiện, kiểm tra, xác minh thực tế tại địa phương để sớm đem lại quyền lợi cho chị Tượn".

Thiết nghĩ, việc xác minh để khẳng định bà Bùi Thị Tượn là vợ liệt sỹ Bùi Văn Cường không khó khăn, phức tạp. Vậy mà 30 năm qua, cái "không khó khăn" ấy lại mãi là cái không thể.

Hồng Bài

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.

Vũ Linh

19:35 14/12/2024
Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm