Nữ chủ bút tài hoa

Ngày 1/2/1918, tờ báo “Nữ giới chung” (tiếng chuông của nữ giới) xuất bản số đầu tiên ở Sài Gòn. Bà Sương Nguyệt Anh được Tổng lý báo chí Nam Kỳ mời về làm chủ bút (tương đương với chức danh tổng biên tập ngày nay) của tờ báo này.

“Nữ giới chung”, tờ báo tiếng Việt đầu tiên của phụ nữ, với “tôn chỉ, mục đích” là nâng cao dân trí, khuyến khích công - nông - thương và nhất là đề cao vai trò phụ nữ trong xã hội... Tờ báo đã nhanh chóng tập hợp được những cây bút có tư tưởng tiến bộ, đấu tranh cho quyền bình đẳng của phụ nữ và khơi dậy tinh thần dân tộc.

Xuất thân từ gia đình có truyền thống Nho giáo và tư tưởng “bài Tây” (bà là con gái của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu), nhưng Sương Nguyệt Anh lại là người tiên phong trong việc kêu gọi giải phóng nữ giới, khuyến khích nữ giới đấu tranh vì quyền bình đẳng theo những tấm gương phụ nữ tiến bộ ở châu Âu, châu Mỹ.

Trong một bài báo đăng trên tờ “Nữ giới chung”, chủ bút Sương Nguyệt Anh viết: “Kìa ta mở cặp mắt ngó ra Hoàng Hải, người Âu Mỹ làm thầy giáo cũng đàn bà, mà thầy kiện cũng đàn bà, trong tay sẵn có một nghề, không phải nương nhờ người nam tử. Ấy cái học người ta như thế, há như người mình không bệnh mà rên!”.

Cũng trên tờ báo tiến bộ này, còn có những bài thơ đề cao tinh thần quật khởi của các nữ anh hùng dân tộc như hai bà Trưng, bà Triệu… Cùng với đó là những bài báo, bài thơ phản đối chiến tranh, vận động thanh niên không đi lính cho Pháp, với lời lẽ ý nhị, kín đáo.

Chính vì đề cao tinh thần dân tộc, phản đối chính sách của chính quyền thực dân, nên “Nữ giới chung” bị mật thám Pháp liệt vào hàng “chống đối”. Tờ báo bị đóng cửa vào tháng 7/1918, sau hơn 5 tháng hoạt động. Tuy vậy, tinh thần và tầm ảnh hưởng của tờ báo này, đặc biệt là nữ chủ bút Sương Nguyệt Anh, vẫn được ghi nhận như một tấm gương hoạt động vì quyền phụ nữ.

Trong lĩnh vực thi ca, Sương Nguyệt Anh được biết đến như một “Nữ sĩ Thanh Quan của miền Nam". Thơ của bà mang khí tiết rắn rỏi nhưng cũng chứa đựng nhiều nỗi niềm sâu lắng:

“Ngọc ánh chi nài son phấn đượm
Vàng ròng há sợ mất màu phai”

Bà sáng tác nhiều thơ, nhưng không gom thành tập. Nay chỉ còn một số bài thơ được lưu truyền, như: Tức sự, Chinh Phụ thi, Thưởng bạch Mai, Vịnh ni cô…

Con đường mang tên nữ chủ bút Sương Nguyệt Anh tại quận 1, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Nhật Tường

 

Cuộc đời gian truân, bất hạnh

Sương Nguyệt Anh tên thật là Nguyễn Thị Khuê (sinh năm 1864). Bà là con gái thứ tư của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.

Được cha truyền dạy từ nhỏ nên bà giỏi cả chữ Hán lẫn chữ Nôm. Năm 1888, cha của Sương Nguyệt Anh là cụ Nguyễn Đình Chiểu mất, khi bà mới 24 tuổi. Ít lâu sau, bà lấy chồng.

Kể từ sau cái chết của cha, cuộc đời nữ sĩ Sương Nguyệt Anh liên tiếp phải gánh chịu những tai họa. Năm con gái vừa được 2 tuổi thì chồng bà qua đời. Từ đó bà thủ tiết nuôi con, thờ chồng và mở trường dạy chữ Nho cho học trò trong vùng để sinh sống. Và cũng từ đó, bà thêm trước bút hiệu Nguyệt Anh một chữ "Sương", thành "Sương Nguyệt Anh", có nghĩa là "Nguyệt Anh goá chồng".

Tháng 7/1918, khi tờ báo “Nữ giới chung” bị đóng cửa thì cũng là lúc người con gái duy nhất của chủ bút Sương Nguyệt Anh qua đời do ngã bệnh khi vừa sinh con. Khi đó, bà mới hơn 50 tuổi nhưng đã phải lần lượt để tang cho cha mẹ, cho chồng và cho con.

Thế nhưng, số phận nghiệt ngã dường như vẫn chưa chịu buông tha cho người phụ nữ tài hoa nhưng bạc phận này. Không lâu sau khi con gái qua đời, đôi mắt của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh yếu dần rồi mù lòa hẳn. Một mình nuôi cháu ngoại, bà vừa dò dẫm bốc thuốc chữa bệnh, vừa dạy học và sáng tác thơ văn.

Ngày 9/1/1922, Sương Nguyệt Anh qua đời ở tuổi 58, khép lại một cuộc đời nhân hậu, khí tiết nhưng đau thương và lận đận. Ngày nay, ở TP Hồ Chí Minh có một con đường và một trường học mang tên nữ sĩ tài hoa này.

Nhật Tường