Trong số 7 cơ quan báo chí đang hoạt động trên địa bàn được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động báo chí, Nghệ An giữ nguyên 3 cơ quan báo chí gồm: Báo Nghệ An (cơ quan chủ quản là Tỉnh ủy Nghệ An), Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An (cơ quan chủ quản là UBND tỉnh Nghệ An), Tạp chí Sông Lam (cơ quan chủ quản là Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Nghệ An); 4 cơ quan báo chí thuộc diện phải sắp xếp, gồm: Báo Công an Nghệ An (cơ quan chủ quản là Công an tỉnh Nghệ An), Báo Lao động Nghệ An (cơ quan chủ quản là Liên đoàn Lao động tỉnh), Tạp chí Văn hóa (cơ quan chủ quản là Sở Văn hóa và Thể thao), Tạp chí Khoa học và Công nghệ (cơ quan chủ quản là Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An).

3 cơ quan báo chí thuộc diện giữ nguyên, không phải sắp xếp sẽ tiến hành hoạt động theo quy định của Luật Báo chí và các quyết định có liên quan, gắn với việc tiếp nhận nhân sự từ các cơ quan báo chí thuộc diện phải sắp xếp khi có quyết định sáp nhập của cơ quan có thẩm quyền; xây dựng lộ trình tự chủ về tài chính theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh; nâng cao chất lượng nội dung và hình thức, mở rộng phạm vi phục vụ, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của nhân dân.

4 cơ quan báo chí thuộc diện phải sắp xếp cũng được xác định rõ mô hình hoạt động trong đề án. Theo đó, Báo Công an Nghệ An sẽ thực hiện theo Quyết định 362 của Thủ tướng do Bộ Công an quyết định. Giải thể Báo Lao động Nghệ An, đề nghị thu hồi giấy phép hoạt động báo chí, sáp nhập vào Báo Nghệ An để tiếp tục hoạt động, theo hướng mở chuyên trang “Lao động và Công đoàn” trên Báo Nghệ An. Giải thể Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nghệ An, đề nghị thu hồi giấy phép hoạt động báo chí trước 30/6/2020; chuyển thành đặc san thuộc Sở Khoa học và Công nghệ, do Trung tâm Khoa học Công Nghệ và Tin học - thuộc Sở tiếp tục đảm nhiệm nhiệm vụ xuất bản. Giải thể Tạp chí Văn hóa Nghệ An, đề nghị thu hồi giấy phép hoạt động báo chí, sáp nhập vào Tạp chí Sông Lam để tiếp tục hoạt động, theo hướng  thêm chuyên san “Văn hóa Nghệ An” một số/tháng. Phương án hoạt động mới bắt đầu từ quý 3/2020.

Phát biểu tại cuộc họp thông qua đề án vào chiều 24/3, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, việc sắp xếp các cơ quan báo chí toàn quốc nói chung và Nghệ An nói riêng là chủ trương lớn, phù hợp nhằm gắn với đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí; nâng cao chất lượng thông tin, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ tuyên truyền chính trị, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu về thông tin của nhân dân.

Sau sắp xếp, tiến hành xây dựng các cơ quan báo chí của tỉnh thực sự là nòng cốt trong việc cung cấp thông tin, có vai trò định hướng dư luận xã hội và đảm bảo nhiệm vụ thông tin của tỉnh.

Nghệ An là một trong những trung tâm báo chí sôi động của cả nước, đứng sau TP Hồ CHí Minh và Hà Nội. Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, hiện toàn tỉnh, ngoài 7 cơ quan báo chí tỉnh còn có 34 cơ quan báo chí Trung ương, ngành đặt văn phòng đại diện và 27 cơ quan báo chí có phóng viên thường trú được chấp thuận hoạt động trên địa bàn tỉnh. 

CTV Đức Anh