Những "viên gạch" xây nên "ngôi nhà kí ức"...

Bảo tàng Báo chí Việt Nam được xây dựng vừa là nơi bảo tồn, phát huy truyền thống của báo chí Việt Nam, vừa là nơi sinh hoạt, trao đổi nghiệp vụ của hội viên Hội Nhà báo.

Nhà báo Phan Quang, một trong những nhà báo hiến tặng hiện vật đầu tiên cho rằng: "Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ là nơi lưu giữ lịch sử báo chí Việt Nam trong hơn 100 năm qua, đồng thời là nơi kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai của nền báo chí nước nhà".

Để bảo tàng “sống”, điều quan trọng nhất là hiện vật. Vì vậy, việc xây dựng bảo tàng báo chí đòi hỏi sự góp sức của các thế hệ nhà báo và các cơ quan báo chí trong cả nước. Có thể nói, cho đến hôm nay, sau một thời gian dài nung nấu, ấp ủ, những người tham gia thực hiện nhiệm vụ này đã đi được những bước đi đầu tiên đầy khó khăn, thách thức.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam thời gian qua đã nhận được sự ủng hộ, động viên to lớn của các nhà báo, gia đình, người thân của nhiều nhà báo lão thành và các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương... Mỗi hiện vật, tư liệu nhận được, vốn dĩ là những tài sản tinh thần quý giá được gìn giữ trong các cơ quan, đơn vị, trong các bộ sưu tập cá nhân, nay chính thức được trao gửi cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Các thế hệ nhà báo, độc giả tới thăm quan những hiện vật quý được trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh: Minh Sơn

 

Sau nhiều năm, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tiếp nhận hơn 20.000 hiện vật, tư liệu quý hiếm. Những hiện vật "độc nhất vô nhị" này đã làm nên linh hồn của bảo tàng hôm nay. Đó là những tư liệu quý về số báo đầu tiên: Gia Định báo; là tờ Thanh Niên, Tiếng Dân bản gốc, hay những kỷ vật có một không hai từng là hành trang không thể thiếu của các nhà báo tác nghiệp trong chiến trường.

Đó có thể là chiếc võng bị đạn xuyên thủng, là chiếc dù hoa chiến lợi phẩm thủng lỗ chỗ sau trận bom B52 khiến nhà báo hy sinh. Hiện vật quý giá ấy nay được gia đình đem tặng cho bảo tàng...

Hay đơn giản chỉ là chiếc bút không còn mực, là cái máy ảnh không nguyên vẹn, là chiếc loa công suất lớn ở nơi bờ sông Bến Hải... và còn cả những chiếc cặp da đựng tài liệu; chiếc xe đạp từng là phương tiện tác nghiệp những năm 1964 - 1965...

Nơi đó còn có tài sản vô giá - bút tích đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh sửa bản tin của Thông tấn xã Việt Nam; là bài báo bằng tiếng Pháp của Nhà báo Nguyễn Ái Quốc viết những năm 1924 - 1925; tập một số tờ báo Nam Phong; 1.200 bài báo của Nhà báo, Nhà văn Ngô Tất Tố; thẻ đặc phái viên của Nhà báo Lộng Chương (phát hành năm 1948) hay là chiếc máy ghi âm của Đài Phát thanh Khu tự trị Việt Bắc được sử dụng từ những năm 70 của thế kỷ XX…

Chiếc máy in từ năm 1966 được trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh: Minh Sơn

 

Lịch sử báo chí Việt Nam đã vắt qua hai thế kỷ. Mỗi hiện vật, tư liệu hiện diện tại Bảo tàng ngày hôm nay đều có trong nó một phần lịch sử và mang hơi thở của quá khứ. Đâu đó, trong hơn 20.000 hiện vật, là những cây bút nhỏ bé, những trang giấy đã ngả màu thời gian nhưng ẩn chứa trong mình câu chuyện thấm đẫm mồ hôi và nước mắt, lao động và sáng tạo, thậm chí là sự sống và cái chết của một nhà báo đã cống hiến trọn đời cho nghề.

Nhà báo Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam tâm sự: Trong "ngôi nhà ký ức" này, mỗi kỷ vật đều có câu chuyện của riêng mình, có lịch sử và số phận riêng. Làm sao để khi hiện vật có mặt trên kệ trưng bày, đều tự mình “kể” một câu chuyện lịch sử nghề Báo trung thực, sống động, đặc sắc nhất; hoàn thành sứ mệnh nối thông dòng chảy lịch sử quá khứ và hiện tại. Đó là điều mà những người làm công tác bảo tàng đang ngày đêm trăn trở...

Bảo tàng Báo chí Việt Nam tiếp nhận chiếc máy ảnh của nhà báo, nhiếp ảnh gia của hãng AP Ních Út - tác giả của bức ảnh nổi tiếng "Em bé Napalm". Ảnh: Nhật Hà

 

"Tiếp lửa" cho thế hệ sau...

Những hiện vật có trong bảo tàng ngày hôm nay đã nói lên rất nhiều về quá khứ hào hùng của báo chí nước nhà. Báo chí Việt Nam ra đời từ khá sớm, nếu tính từ ngày 15/4/1865 khi tờ Gia Định báo ra mắt tại Sài Gòn thì đến nay đã trải qua hơn 150 năm với nhiều giai đoạn phát triển thăng trầm. Và, kể từ khi Nguyễn Ái Quốc ra tờ Thanh Niên (1925), đến nay, báo chí nước nhà đã trải qua 94 năm phát triển. Đây là những cột mốc lịch sử hết sức vẻ vang mà không phải nền báo chí nào cũng có.

Trong khói lửa của các cuộc kháng chiến, các nhà báo yêu nước là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, dùng ngòi bút để khơi dậy lòng yêu nước, kêu gọi lớp lớp thanh niên lên đường ra trận, đấu tranh giành độc lập, thống nhất nước nhà. Trong hòa bình, các nhà báo cũng là những chiến sĩ góp phần xứng đáng vào thành tựu phát triển chung của đất nước. Nhiều nhà báo là những tấm gương sáng, là anh hùng lao động…

Nhà báo Nguyễn Trần Thiết (90 tuổi) tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam 1 chiếc máy ảnh. Đây là phần thưởng của ông trong một cuộc thi báo chí (loạt bài điều tra vụ án gián điệp Võ Đại Tôn trên báo Quân đội Nhân dân). Ảnh: Nguyễn Dương

 

Việc sưu tầm, bảo quản, tổ chức trưng bày hiện vật báo chí của các nhà báo tiền bối không chỉ có ý nghĩa biết ơn, tiếp lửa cho các thế hệ sau mà còn là việc làm quan trọng để giáo dục lòng yêu nước, ý thức tự hào dân tộc. Những kỷ vật được hiến tặng cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ cùng kể tiếp những câu chuyện lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam cho lớp lớp thế hệ mai sau.

Kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện thú vị về Bảo tàng Báo chí, Nhà báo Trần Kim Hoa cho rằng, Bảo tàng không chỉ thuần túy là nơi lưu giữ hiện vật, tư liệu mà còn có nhiệm vụ "kể" lại theo cách của mình cho công chúng về những tờ báo, về những người đi trước trong vai trò là “thư ký của thời đại”.

Hiện vật trong bảo tàng giúp chúng ta xác tín những thành quả lao động trong quá khứ và tạo nên sự thuyết phục của thông tin. Với tôi, đằng sau mỗi hiện vật là một số phận, một câu chuyện, nó không chỉ nói về quá khứ mà còn làm nên sự thôi thúc của hiện tại và tương lai...




Một số hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh: Minh Sơn

 

Trọng Tài