Chú trọng tới hoạt động phật sự của tỉnh Vĩnh Phúc

Theo ông Thắng, hệ thống giáo dục Phật giáo của cả nước bao gồm: Học viện Phật giáo; cao đẳng, trung cấp… có hàng ngàn tăng ni sinh theo học, tu hành. Chính họ là những nhân tố tích cực, tuyên truyền viên hiệu quả cho công tác phòng, chống đại dịch nCov.

Cuộc họp có sự tham dự của Hòa Thượng Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá, việc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam có công văn từ sớm, chỉ đạo kịp thời các cơ sở tôn giáo thực hiện nghiêm khuyến cáo của Bộ Y tế, phát khẩu trang cho khách thập phương và Phật tử, tạm dừng các lễ hội, tạm dừng các khóa tu đông người, chỉ tổ chức các lễ cầu an quy mô nhỏ… là rất tích cực.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục triển khai tuyên truyền tích cực, dài hơn hơn đến Phật tử và người dân đi lễ thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng dịch. Bộ Y tế vẫn sẽ tiếp tục cung cấp thông tin chính thống, kịp thời tới Giáo hội và các cơ quan hữu quan.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhận định, hiện việc kiểm soát dịch bệnh đang được thực hiện tốt, nhưng không vì thế mà chủ quan.

Máy đo thân nhiệt cho du khách tại Yên Tử

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, ngay sau khi có Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Giáo hội đã có văn bản gửi Ban Trị sự giáo hội các tỉnh, thành đề nghị thực hiện nghiêm túc.

Thượng toạ Thích Đức Thiện

Hàng loạt lễ hội lớn như: Yên Tử, Tam Chúc… dừng khai hội, lễ hội chùa Hương, Bái Đính giảm quy mô. Các khóa tu, lớp học ở chùa Giác Ngộ (TPHCM) hoãn tổ chức. Đặc biệt, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chỉ đạo Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc dừng mọi hoạt động, kể cả lễ giỗ Tổ - chỉ có nội bộ nhà chùa làm lễ.

Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết, số lượng người dân đi lễ rất thưa vắng do họ ý thức được việc phòng chống dịch bệnh, Giáo hội sẽ tiếp tục có văn bản khuyến cáo đến các chùa, không được chủ quan, không để điều đáng tiếc xảy ra. Chú trọng tới hoạt động Phật sự của các chùa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Việc đeo khẩu trang khi hành lễ vẫn đảm bảo niềm tin tâm linh, không có gì là bất kính.

Nhiều điểm di tích vẫn chủ quan, lơ là

Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch (VHTTDL) Ninh Thị Thu Hương cho rằng, nhiều nơi vẫn chủ quan lơ là với dịch bệnh.

"Trong thời gian qua, tôi được Bộ trưởng Bộ VHTTDL giao làm Trưởng đoàn đi kiểm tra việc thực hiện phòng chống dịch bệnh tại các Lễ hội. 

Đoàn kiểm tra đi hầu như không thông báo, đến hoàn toàn bất ngờ. Chúng tôi không chỉ đi kiểm tra các lễ hội lớn mà còn kiểm tra cả các di tích nhỏ, lễ hội rất nhỏ. Cơ bản, việc tuyên truyền phòng chống dịch bệnh đang được thực hiện tốt. Tuy nhiên, cũng có nhiều nơi còn chủ quan, lơ là.

Thời gian qua, đoàn đã đi kiểm tra ở một số chùa như Tam Chúc, Cái Bầu, tại đây, việc tuyên truyền có gián đoạn. Không có các biện pháp thực hiện phòng dịch ở Tam Chúc. Có gia đình còn mang cả trẻ con đi lễ, nhưng không hề đeo khẩu trang. Các cháu được cho nghỉ học để ở nhà phòng dịch nhưng lại được bố mẹ cho đi đến các di tích đông người. Chỉ có khoảng 50% người đi lễ đeo khẩu trang, vào chùa thì hầu hết là bỏ khẩu trang ra.

Việc tuyên truyền phòng dịch ở chùa Tam Chúc khiến cho đoàn kiểm tra thấy chưa yên tâm. Không hề có hệ thống loa hay biển báo nhắc nhở du khách. Đề nghị Giáo hội có biện pháp tuyên truyền tích cực hơn.

Một số lễ cầu an đầu năm ở Đền Mẫu (Hưng Yên), khóa lễ chỉ khoảng 20 người nhưng không ai đeo khẩu trang cả. Chùa Ba Vàng phát nilon buộc giầy cho du khách, những chiếc túi này sau đó quay vòng, cứ trao tay hết người này đến người kia như thế thì nguy cơ lây lan nCoV không nhỏ. Chính vì thế cần có những biện pháp mạnh hơn nữa để cả hệ thống chính trị vào cuộc. Bộ VHTTDL sẽ cùng các bộ ngành để kiểm soát dịch an toàn hiệu quả nhất, bà Ninh Thị Thu Hương chia sẻ.

Thượng tọa Thích Đức Thiện cũng nhấn mạnh rằng, nếu Phật tử có đi lễ chùa mà đeo khẩu trang khấn vái cũng không có gì là bất kính cả, nó vẫn vẫn đảm bảo niềm tin tâm linh. Hiện các khóa tụng kinh cũng vẫn đeo khẩu trang.  

Chùa Vĩnh Nghiêm TP HCM là cơ sở tôn giáo đầu tiên thực hiện phát khẩu trang cho người dân đi lễ. Hiện việc trang bị khẩu trang, nước rửa tay diệt khuẩn được thực hiện ở nhiều chùa trên toàn quốc.   

Sư thầy ở Yên Tử đang tuyên truyền cho du khách

Ông Vũ Chiến Thắng, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ nhận định, dịch bệnh diễn ra vào đầu năm, lại đúng vào mùa lễ hội, chính vì thế các hoạt động tâm linh tôn giáo phải quán triệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Ông Vũ Chiến Thắng yêu cầu Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục quán triệt các khuyến cáo của Bộ Y tế  và Bộ VHTTDL. Tăng cường tuyên truyền nhận thức rõ nguy hiểm, vai trò từng cá nhấn trong cộng đồng, không chỉ là trên văn bản. Trong các khóa tu, khóa lễ nên lồng nội dung tuyên truyền vào. Nên thành lập các ban thiện nguyện, Có kiểm tra, nhắc nhở phê bình, không tuyên truyền suông, tuyên truyền chung chung. Đồng thời mở chuyên mục trên các trang thông tin của Giáo hội khuyến cáo liên tục, nhắc nhở tại các cơ sở thừ tự.

Trong thời gian tới, Ban Tôn giáo Chính phủ sẽ tiếp tục làm việc với các tôn giáo khác cũng về vấn đề phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra. 

Trà Vân