Sáng nay, tại Đại học Văn hoá Hà Nội diễn ra buổi giao lưu và toạ đàm với tên gọi: "Xứ - thơ Trần Lê Khánh".

 Nhà thơ Trần Lê Khánh sinh năm 1971. Hiện sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh. 

Trần Lê Khánh sinh ra tại Kim Bôi, Hòa Binh, tốt nghiệp Đại học Kinh tế TPHCM, và có bằng CFA, bằng cấp về phân tích tài chính quốc tế do Viện CFA, Mỹ cấp năm 2004. Trước kia, nghề nghiệp chính là chuyên gia phân tích đầu tư cho các định chế tài chính trong nước và quốc tế.

                                                          

Toàn cảnh buổi tọa đàm

 

Trần Lê Khánh vốn chỉ là người yêu văn chương, không tỏ ra có năng khiếu sáng tác. Kể từ năm 2015 trở đi thì Trần Lê Khánh tập trung vào việc làm thơ và tham gia vào các hoạt động văn chương nghệ thuật.

 Trần Lê Khánh chú trọng vào thơ lục bát và thơ ngắn. Tập thơ: "Lục Bát Múa" trọn bộ là 756 cặp thơ lục bát hai câu, mỗi cặp được xem như một bài thơ ngắn và được kết với nhau thành một trường ca. Về thơ ngắn, tới nay, Trần Lê Khánh đã làm hàng trăm bài thơ ngắn khác nhau và đã được chọn lọc để xuất bản.

 Các tập thơ đã xuất bản (NXB Hội Nhà văn Việt Nam) bao gồm: Lục Bát Múa (2016), Dòng Sông Không Vội (2017), Ngày Như Chiếc Lá (2018), Lục Bát Múa trọn bộ (2018), Giọt Nắng Tràn Ly (2019) và dự kiến sẽ xuất bản trong năm 2020 tập thơ Xứ. 

Ngoài ra, một tuyển tập thơ với tên gọi là “Sự Bắt Đầu của Nước” đã được dịch sang tiếng Anh và dự định in ấn và xuất bản tại Mỹ trong thời gian sắp tới.

 Có thể nói, Trần Lê Khánh khá có duyên với thể thơ lục bát truyền thống. Và anh biết tạo ra sự khác biệt bằng mỗi bài 2 câu độc lập trong một tập thơ liên hoàn như bản trường ca.

Trong bài “Múa cùng lục bát”, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đã viết: “Lục bát còn là tình. Câu lục bát trông như đôi tình nhân: Nàng cao thước sáu còn chàng cao thước tám. Yêu vận: Họ ôm nhau nơi eo lưng mà dạo chơi. Lục bát có thể cười, lục bát có thể khóc. Có thể lả lướt thướt tha. Có thể khúc kha khúc khuỷu. Có thể bình lặng mặt hồ. Có thể sóng cuồng giông tố. Có thể tỉnh tỉnh, có thể điên điên. Có thể nằm dài. Có thể nhảy múa. Trần Lê Khánh mê lục bát và muốn nó nhảy múa. Trông như một điệu luân vũ là lục bát của Khánh”.

                                                             

Nhà thơ Trần Lê Khánh

 

Xuất thân từ nhà kinh tế học rồi gắn vào nghiệp thơ ca, nhiều người đặt câu hỏi với Trần Lê Khánh, anh thích mọi người gọi mình với danh xưng gì, một nhà thơ giỏi hay một người làm kinh tế tốt?

 Trần Lê Khánh chia sẻ: “Thật sự tôi không nghĩ là tôi muốn mọi người biết đến tôi như là gì cả. Tôi chỉ muốn những bài thơ khi tôi viết ra có sự đồng cảm và có những tri kỷ. Qua đó mình có thể tìm thấy những mối giao cảm, tương tác. Mình có những danh xưng, mình có những tên gọi nhưng mà nó chẳng có ý nghĩa gì cả. Cái lớn nhất là cảm xúc của mình, tâm thức của mình khi mình còn ngồi viết được, còn sáng tác được thì có bao nhiêu cái danh xưng, bao nhiêu cái tên gọi thì cũng không thể nào đánh đổi được. Nó chỉ là cái công cụ giao diện của mình để tương tác với xã hội. Còn thật sự khi mình ngồi xuống thì cái chân tình, cái tâm hồn của mình quan trọng lắm. Và người làm nghệ sĩ đích thực phải gạt qua tất cả những danh xưng đó…

 Tôi là tôi thôi. Tôi nghĩ rằng là ai cũng có một cái tên nhưng mà đối với mình cái tên chỉ là cái phương tiện để xưng hô. Quan trọng là trong tâm hồn của mình, trong con người mình như thế nào để cuối cùng mình cảm nhận: À! đây là mình. Trong sách thiền hay hỏi câu “Tôi là ai?”, đó là câu hỏi muôn thuở. Câu hỏi đó để bóc mình ra.

 Tôi có nhớ sách triết học nói rằng con người có ba lớp. Lớp đầu tiên là lớp chào hỏi, xưng hô để mọi người vui vẻ với nhau. Tức là ra ngoài xã hội mình sống với cái lớp đó, giao diện đó. Lớp thứ hai là lớp bạn làm gì, ví dụ như là bác sĩ, kỹ sư, nội trợ, giáo viên, nhà thơ… Cái lớp đó gọi là lớp vai trò và vị trí mà xã hội định cho mình và mình đóng vai trò đó trong xã hội. Theo các triết gia thì hai cái lớp đó rất là vớ vẩn và con người đau khổ vì túm mình trong hai cái lớp đó. Lớp thứ 3 là lớp trong cùng, là cái lõi. Cái lõi đó là cái lõi không thể chia cắt hơn nữa, là cái lõi cá nhân (individual). Cái lớp thứ ba mới chính là chúng ta.

 Tôi cũng không nghĩ mình là một nhà kinh tế hay một nhà thơ mà tôi không là gì cả. Tôi chỉ đang trên hành trình đi tìm cái tôi của tôi thôi”.

  Nhận xét về tập thơ Xứ của Trần Lê Khánh, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết: “…thơ của Trần Lê Khánh là kết tinh của tính chính xác ngôn từ, sự độc đáo của hình ảnh, tính đa tầng của cảm xúc, độ sâu thẳm của tinh thần phương đông…. Thơ Trần Lê Khánh là sự hài hòa của sự rung cảm tột đỉnh và của những triết lý sâu sắc. Bởi thế, khi câu thơ cuối cùng của bài thơ vừa kết thúc thì nó mở ra ngay lập tức vô vàn cánh cửa cho người đọc. Mỗi bài thơ của Trần Lê Khánh luôn chứa trong nó một bài thơ khác và cứ thế mở ra và mở ra mãi.

 Tôi luôn nghĩ đến những bài thơ của Trần Lê Khánh với vẻ đẹp, sự tĩnh lặng, sự bí ẩn và chiều kích vô tận của những hạt cây. Mỗi bài thơ của Trần Lê Khánh tinh kết tựa một cái hạt cây. Đó là sự chặt chẽ của bố cục, tính chính xác của hình ảnh, phép tối giản của ngôn từ, sự nén chặt của cảm xúc…. Và luôn chứa trong đó một cái phôi mầm triết lý.  Trong mỗi ‘’hạt cây thơ’’ ấy là toàn bộ hình ảnh, vẻ đẹp và sự sống của cái cây. Sự gợi mở, sức lan tỏa và sự bùng nổ cảm xúc cùng tính đa tầng triết lý của những bài thơ ấy lại đi theo cách mở cánh của bông hoa mà vẻ đẹp và hương thơm của nó là phi biên giới…”.

  Còn, nhà thơ người Mỹ Bruce Weigi viết: “…lần đầu đọc thơ Trần Lê Khánh, tôi đã cố thử liệt kê tác phẩm của anh ấy vào một trong những phân loại thơ thông thường để có thể am hiểu tốt hơn nhưng tôi đã thất bại, thơ Trần lê Khánh không thuộc một thể loại nào đã có trước đây. Thơ anh ấy không phải thể thơ lãng mạn, không phải tức cảnh sinh tình, không phải để diễn tả niềm vui nỗi buồn thường nhật, không phải thơ thiền, hoàn toàn không dính dáng gì đến chính trị, cũng không phải thơ tôn giáo, tất cả đều không phải. Và khi tôi bắt đầu giúp dịch thơ anh sang tiếng Anh, rất nhanh tôi đã nhận ra rằng thơ anh hoàn toàn phi truyền thống dù đó là truyền thống của Đông hay Tây, và hoàn toàn phi giáo điều.

 "Tuy nhiên, dù rất khó xác định thơ Khánh thuộc thể loại nào, ta lại rất dễ dàng thấy được các vẻ đẹp tầng tầng lớp lớp trong đó, và đặc biệt là cách mà kiểu thơ này dạy cho ta thưởng thức hết được các vẻ đẹp đó. Sức mạnh của trí tưởng tượng diễn đạt trong đó cộng với các ngữ cảnh kịch tính buộc người đọc bước vào thế giới suy tưởng riêng biệt tuỳ theo tâm thức của mỗi người. Cách diễn đạt trong vắt và tường tận, hiểu rõ từng thể loại thơ, đặc biệt là lục bát, thơ của Khánh càng trở nên sống động hơn nếu bạn đọc đi rồi đọc lại. Sau cùng, thơ của Khánh là tối giản và chính vì vậy nó đặc biệt, đặc biệt theo cách nó diễn đạt được nhiều nhất tất cả ý nghĩa nhân văn mà chúng ta có được…”, 

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn đánh giá: “…thi sĩ Trần Lê Khánh có thao tác làm thơ độc đáo. Anh thường tìm cách kéo hai sự vật hoặc hai hiện tượng rất xa lại gần nhau. Cứ thế, lửa đặt cạnh nước, trắng đặt cạnh đen, hiện thực đặt cạnh tưởng tượng, mặt đất đặt cạnh thiên đường… để từng sự tương tác chuyển hóa thành thơ, để từng cơn va đập chuyển hóa thành thơ. Bài thơ “Dè sẻn” vỏn vẹn hai câu, nhưng lại mở ra nhiều suy tư: “Dòng sông chỉ có một thân/ Mang theo chiều muộn bao lần hả anh”. Dòng sông trước mắt, còn chiều muộn mơ hồ, vậy mà khi dòng sông sánh đôi chiều muộn lại nảy sinh tâm trạng bâng khuâng tiếc nuối “một thân” xen lẫn ngẩn ngơ hoài niệm “bao lần”.

 "Thi sĩ Trần Lê Khánh không hứng thú với những lời thánh thót hay những câu vang vọng. Thơ anh có xu hướng cô đặc lại, như viên sỏi ném xuống mặt hồ ý thức phẳng lặng những xa vắng trùng khơi. Thơ Trần Lê Khánh thực đấy mà hư đấy, gần gũi đấy mà thăm thẳm đấy. Đọc thơ Trần Lê Khánh, không khó hình dung anh đang ngắm chiếc lá la đà cành thấp với màu xanh của bầu trời cao vọi. Thế nhưng, đọc thơ Trần Lê Khánh phải có sự giải mã để có thể tiếp cận đầy đủ giá trị thẩm mỹ mà anh gửi gắm qua từng dòng lơ lửng. Tất nhiên, Trần Lê Khánh không có mục đích đánh đố độc giả, anh chỉ tìm cách ký thác mới mẻ hơn, quyết liệt hơn những ý niệm của mình về cuộc sống, về ân nghĩa, về thị phi…”, 

Thanh Uyên