Theo truyền thuyết, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) là nơi dừng chân cuối cùng của Thánh Gióng trước khi về trời, nên mùng 6 tháng Giêng hằng năm, dân làng mở hội linh đình tại khu di tích đền Sóc thờ Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương.

Lễ hội nhằm tưởng nhớ và ngợi ca người anh hùng Thánh Gióng đánh thắng giặc Ân dưới thời Vua Hùng Vương dựng nước, đem lại thái bình cho đất nước. Tục truyền rằng, sau khi đánh tan quân giặc, Ngài phi ngựa tới chân núi Sóc, cởi bỏ giáp trụ rồi cưỡi ngựa sắt bay về trời. Lễ hội đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hàng vạn du khách tham dự khai hội Đền Gióng

 

Quần thể khu di tích đền Sóc, thuộc thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, bao gồm 6 công trình: Đền Hạ (đền Trình), chùa Đại Bi, đền Mẫu, đền Thượng (đền Sóc), tượng đài Thánh Gióng và nhà bia. Trong đó, đền Thượng là nơi thờ Thánh Gióng và tổ chức lễ hội, với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: Lễ mộc dục, lễ rước, lễ dâng hương, lễ hóa voi và ngựa… 

Hội Gióng đền Sóc Sơn là lễ hội lớn hàng năm, với sự tham gia của nhiều làng lân cận trong vùng và được người dân chuẩn bị chu đáo từ sớm. 

Nghi lễ quan trọng nhất là phần dâng hoa tre, dâng trầu cau… lên đền thờ Thánh Gióng. Sau khi rước hoa tre và trầu cau lên đền Thượng, hai lễ vật sẽ được rước xuống đền Hạ và đền Mẫu. Từ năm 2018, để tránh tình trạng xô đẩy, tranh lộc phản cảm, lễ hội đã bỏ nghi lễ tất lộc.

Ngay sau lễ khai hội, lộc hoa tre đã được đưa vào hậu cung. Người dân vào làm lễ có nhu cầu sẽ xin cành lộc mang về.

Lễ rước ngựa

 

Ông Nguyễn Nam Nho, Giám đốc Trung tâm quản lý Khu di tích đền Sóc cho biết: “Năm nay, ban tổ chức lễ hội chuẩn bị đủ lộc hoa tre để phát đến tận tay người dân và du khách tham gia lễ hội có nhu cầu. Việc phát lộc hoa tre được người dân và du khách thập phương ủng hộ, đánh giá cao, góp phần tạo sự văn minh cho lễ hội”.

Theo ông Nho, năm nay, ban tổ chức lễ hội vẫn duy trì các trò chơi như: Vật, cờ tướng, bóng chuyền… để người dân và du khách vừa dự lễ, vừa vui hội.

Nổi bật trong lễ hội là màn rước kiệu Tướng bà của thôn Yên Tàng. Đoàn rước kiệu Tướng bà có đầy đủ các thành phần gồm: Các cụ cao tuổi, cán bộ đoàn thể trong thôn và 12 thanh niên trên 18 tuổi khiêng kiệu.

"Tướng bà" được chọn phải là một bé gái từ 9 đến 12 tuổi, gương mặt sáng sủa, ưa nhìn, phẩm chất đạo đức tốt, trong gia đình gương mẫu. Năm nay, người được chọn là em Nguyễn Hà Vi (9 tuổi).

Lễ rước kiệu Tướng bà

 

Theo quan niệm của người dân Sóc Sơn, gia đình nào có con cháu được chọn làm Tướng bà là niềm vinh hạnh của cả dòng tộc. Trước khi diễn ra lễ hội, những người được lựa chọn làm Tướng bà được học và làm quen với các nghi thức đi đứng, chào hỏi cũng như một số nguyên tắc của lễ rước.

Theo Ban tổ chức, lễ hội năm nay dự kiến thu hút khoảng 120.000 du khách thập phương đến dâng hương và hòa mình vào bầu không khí lễ hội. Năm nay, lễ hội đền Gióng không còn cảnh chen lấn, xô đẩy cướp hoa tre như nhiều năm trước. 

Như Ca