Nghĩ rằng, với một tác phẩm sôi động, hào khí, đi vào lòng người, nhất là với những người làm công tác trong ngành Thanh tra thì tác giả phải là người vui nhộn và đầy chất nghệ sỹ. Nhưng không! Anh là người chuẩn mực, nghiêm túc, ít nói và hơi "khô". Mới gặp anh, người ta cảm thấy khó gần, nhưng "bắt" chuyện rồi, lại thấy anh là người có duyên, rất thân tình, cởi mở.

Nói về quá trình thai nghén và sinh nở "đứa con tinh thần" - Đường thanh tra ta đi, anh Chanh kể: Hôm đó, sau buổi sơ kết công tác quý I/2005, đồng chí Chánh Thanh tra vỗ vai tôi, nói: "Anh chuẩn bị bài phát biểu cảm tưởng thay mặt anh em đọc trong lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của Ngành nhé. Ngắn gọn nhưng phải xúc tích, đủ ý. Không cần đưa số liệu nhiều đâu". 

Mấy ngày liền, nghĩ, viết không được. Viết xong đọc lại, thấy như bản báo cáo thành tích. Một hôm, sau bữa cơm tối, pha ấm trà, đốt điếu thuốc, ngồi nhâm nhi xem lại mấy quyển sổ nhật ký công tác thanh tra. Tôi có thói quen, sau mỗi cuộc thanh tra đều ghi lại vào sổ để ghi nhớ, vì mỗi cuộc thanh tra là một bài học kinh nghiệm.      

Trong thời gian 15 năm (1991 - 2005) làm công tác thanh tra, tôi đã trực tiếp tham gia hàng trăm cuộc thanh tra trên đủ các lĩnh vực, nhưng nhiều nhất là thanh tra về lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản và các chương trình, dự án lớn. Thực tế, không phải cuộc thanh tra nào cũng xuôi chèo mát mái. Nhiều cuộc thanh tra đã gần về đến đích, lại bị "phanh". Và, có cuộc thanh tra vừa triển khai đã bị "nhắc", thậm chí phía bị thanh tra còn đặt vấn đề "bồi dưỡng", ngỏ ý "xin". Trong hoàn cảnh đấy, nếu người cán bộ Thanh tra không có bản lĩnh vững vàng, không có cái tâm trong sáng, không vì sự công bằng của xã hội, vì quyền lợi chính đáng của công dân thì không thể hoàn thành nhiệm vụ. Và, sẽ không còn là cái gương soi trong sáng như lời Bác Hồ kính yêu đã dạy.

Vì vậy, ngay trang đầu những cuốn sổ công tác, tôi đều ghi đậm nét dòng chữ "Là cán bộ Thanh tra: Ý chí phải kiên cường - luôn giữ vững kỷ cương - gian khó quyết không lùi bước". Hôm đó tôi đọc, nghĩ nhiều rồi lấy bút viết ra tờ giấy:

"Gian khó không lui - Ý chí kiên cường/Người Thanh tra - giữ vững kỷ cương". Tôi thấy câu cú rất vần, hay, đọc nghe có chút thơ. "Viết cảm tưởng của mình về ngành Thanh tra bằng thơ" - tôi nghĩ. Mừng quá. Tôi nói như hét lên: "Thơ. Đúng, làm một bài thơ về ngành Thanh tra". Vợ, con tôi đang ở trong nhà, tưởng chồng bị làm sao chạy ùa vào phòng. Nghe tôi nói ý tưởng, vợ tôi cười rũ rượi, cầm tay thằng con đặt lên trán tôi, nói: "Xem bố có làm sao không con".

Có ý tưởng, tôi bắt đầu "làm thơ". Viết, xóa, rồi lại viết. Viết ngày, viết đêm. Cứ như thế, cả tập giấy A4 xẹp dần. Đúng 10 ngày thì bài thơ "Đường thanh tra chúng ta đi" ra đời, nhưng không được "mẹ tròn con vuông" như ý. Tôi dành thời gian gọt, dũa lại từng câu, từng chữ cho gọn mà đủ ý. Thứ nhất là từ "Người" trong câu: Người thanh tra - giữ vững kỷ cương", có nên thay bằng từ "nghề thanh tra". Mình nghĩ, thanh tra cũng là một nghề. Sao không nói là "nghề thanh tra" mà chỉ nói "người thanh tra". Đặt bút xuống, nâng bút lên rất nhiều lần, cuối tôi quyết định dùng từ "nghề" thay từ "người". Tiếp đến là từ "vô tư" trong câu: "Nghề thanh tra - trong sáng vô tư". Từ "vô tư" không được, nhưng dùng từ nào để thay vào vị trí đó. Bí quá! Đành cứ để vậy "dùng tạm". Mình đem bài thơ cho một số nhà thơ trong Hội văn học - Nghệ thuật của tỉnh tham khảo, góp ý. Mọi người đồng tình, khen hay, tứ thơ có chất, giàu cảm xúc.

Anh bạn là giáo viên nhạc Trường Nghệ thuật Tây Bắc còn gợi ý mình chuyển thể thành bài hát. Tôi đồng ý. Hai ngày sau bài hát "Đường thanh tra ta đi" ra đời, nhưng chỉ dành cho một người hát. Đó là tác giả - Trần Ngọc Chanh.

Bài hát "Đường thanh tra ta đi"

Hôm đó là ngày 15/11/2005, còn 5 ngày nữa là đến ngày tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Thanh tra Việt Nam (23/11/2005). Đội văn nghệ Thanh tra tỉnh và Trường Nghệ thuật Tây Bắc tập ngày tập đêm, chương trình văn nghệ có đủ các thể loại, thơ, ca, múa, nhạc... nhưng chưa tìm được bài hát nào nói về ngành Thanh tra. Ban Tổ chức thở ngắn thở dài. Ngay trong bữa cơm trưa ngày hôm đó (15/11), có đông đủ giáo viên, các diễn viên của Trường Nghệ thuật Tây Bắc, tôi mạnh dạn xin phép "múa rìu qua mắt thợ", trình bày bài hát “Đường thanh tra ta đi". Hát suông không nhạc, nhưng tôi hát một cách say sưa, dồn tất cả tình cảm, lòng yêu nghề vào bài hát. Hát mà như mình đang bước vào một cuộc thanh tra. Lòng cứ phơi phới, tự hào, ngẩng cao đầu mà bước. Tôi vừa dừng lời, anh Nguyễn Thành Viên, Trưởng Đoàn nghệ thuật - Trường Nghệ thuật Tây Bắc đứng dậy ôm chầm lấy tôi, reo lên trong tiếng pháo tay vang dội cả phòng ăn. "Ông Chanh chép ngay lời bài hát đưa cho tôi. Chiều nay tốp ca nam nữ sẽ tập hát bài này" - anh Viên tuyên bố.

Sáng ngày 20/11/2005, trong chương trình văn nghệ chào mừng Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Thanh tra Việt Nam, tổ chức tại Hội trường lớn của tỉnh Hòa Bình, bài hát "Đường thanh tra ta đi" chính thức ra mắt công chúng.

Ngay sau Lễ kỷ niệm, Thanh tra tỉnh cho in thành đĩa, chuyển cho các đơn vị trong ngành Thanh tra của tỉnh. Từ đó, bài hát được phổ biến rộng rãi, Thanh tra nhiều tỉnh, thành phố cũng sử dụng bài hát này làm bài hát truyền thống, tham gia các chương trình hội diễn nghệ thuật quần chúng, hội diễn của ngành Thanh tra tại địa phương.

Anh Trần Ngọc Chanh xúc động nói: Tôi vô cùng cảm động khi nghe bài hát "Đường thanh tra ta đi" được trình diễn tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Thanh tra Việt Nam tổ chức tại Trung tâm hội nghị Quốc gia, Hà Nội.

60 phút trò chuyện với Phó Chánh Thanh tra tỉnh Hòa Bình - tác giả bài hát "Đường thanh tra ta đi" và nghe anh hát, tôi càng hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa, sức sống của bài hát. Đúng như anh Nguyễn Văn Trường, Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh Hòa Bình nói: Nghe bài hát "Đường thanh tra ta đi", người trong ngành Thanh tra cảm thấy lòng mình rạo rực, tự hào và hãnh diện. Người ngoài ngành sẽ hiểu hơn về công việc, con người làm công tác trong ngành Thanh tra...

Hồng Bài