Bản làng rộn tiếng hát

Sinh ra và lớn lên ở vùng núi trung du phía Bắc, được thừa hưởng và ngấm sâu vào máu sự tinh túy, đặc sắc của làn điệu Sình ca từ bố ông - cụ Sầm Văn - người hát Sình ca nổi tiếng khắp vùng và cũng là “thầy cúng” cao tay đã được cấp sắc nên từ nhỏ Sầm Văn Dừn đã có cơ hội được tiếp cận và thực hiện các nghi lễ của dân tộc.

Khi ở tuổi 20, chàng trai Sầm Văn Dừn đã thực hiện được các nghi lễ hàng ngày của dân tộc Cao Lan như: Lễ đặt tên con, lễ đặt pháp danh, lễ cúng mụ, lễ mừng cơm mới…

Trong những năm tháng chống Mỹ, cứu nước, mặc dù làm kế toán Hợp tác xã Đại Phú, nhưng ông vẫn không ngừng học hỏi nâng cao hiểu biết về phong tục tập quán, ma chay, cưới hỏi, đời sống sinh hoạt của dân tộc mình.

Một trong những “đặc sản” được coi là “báu vật” của người Cao Lan đó chính là làn điệu Sình ca ngọt ngào, mê đắm lòng người đã được nghệ nhân Sầm Văn Dừn dầy công sưu tầm và “truyền lửa” cho thế hệ mai sau.

Nói về lịch sử của Sình ca ông kể: Không ai biết Sình ca có từ bao giờ, chỉ biết rằng Sình ca là loại hình xướng ca truyền thống của đồng bào dân tộc Cao Lan được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Nét độc đáo của Sình ca khác với hát Then, hát Cọi của dân tộc Tày hay hát Páo dung của dân tộc Dao là chỉ hát xướng, không có nhạc.

“Triết lý trong Sình ca vô cùng sâu sắc, với những câu hát ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước, hát về con người, vũ trụ… Khi đã biết và yêu Sình ca thì con người sẽ luôn biết giữ đạo đức, biết kính trên nhường dưới, sống chan hòa và yêu thương giúp đỡ lẫn nhau…”, nghệ nhân Sầm Văn Dừn say sưa giới thiệu.

Trước vòng xoay của cơ chế thị trường, “báu vật” của dân tộc Cao Lan dần bị mai một. Lo lắng cho "số phận" của Sình ca, ông Dừn đã đi đến từng nhà vận động mọi người cho con em tham gia lớp học hát Sình ca do ông làm thầy giáo.

Nghệ nhân Sầm Văn Dừn “truyền lửa” những làn điệu Sình ca cho các thế hệ người Cao Lan. Ảnh: Hải Hà

 

Với tâm huyết và nỗ lực không mệt mỏi, chỉ trong thời gian ngắn, phong trào hát Sình ca được người dân hưởng ứng nhiệt tình lan rộng sang những người cao tuổi, phụ nữ và thanh niên...  Đến nay, đội văn nghệ của ông Dừn đã có 4 thế hệ diễn viên với gần 80 anh chị em con cháu biết hát, múa các bài hát dân tộc. Bản làng dần rộn ràng những lời hát âm thanh vui nhộn của Sình ca, xua đi cái nghèo, xua đi hủ tục lạc hậu, các tệ nạn xã hội cũng theo đó giảm dần.

Không chỉ giới hạn trong mỗi bản làng của người Cao Lan, làn điệu Sình ca còn được đội văn nghệ của ông Dừn ngân vang, bay xa tới các hội thi, hội diễn văn nghệ từ địa phương tới toàn quốc, phục vụ nhiều sự kiện chính trị lớn của đất nước.

Những tiết mục đặc sắc, mang đậm âm hưởng của dân ca Cao Lan đã đạt các giải cao trong các kỳ hội diễn của huyện, tỉnh và Trung ương. Năm 2002, tác phẩm “Khai đèn” của ông đoạt Huy chương Vàng khi tham gia biểu diễn tại Quảng Ninh. Năm 2004, với tác phẩm múa hát “Khai lộ” do ông dàn dựng, đội văn nghệ thôn Mãn Hóa đã giành Huy chương Vàng khi tham gia liên hoan văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc…

Đưa Sình ca trở thành di sản văn hóa

Thành công từ các tiết mục văn nghệ đã giúp ông có được sự ảnh hưởng lớn trong cộng đồng đồng bào dân tộc Cao Lan, ông được người dân yêu mến bầu là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhiều bài hát Sình ca do ông viết lời mới cũng đã được một số nhà trường đưa vào dạy ngoại khóa cho học sinh dân tộc Cao Lan.

Những ngày cuối năm 2017, nghệ nhân Sầm Văn Dừn về Thủ đô nhận Bằng khen của Thủ tướng. Ảnh: Hải Hà

 

Tâm huyết của nghệ nhân Sầm Văn Dừn còn được ghi dấu bằng gìn giữ hơn 200 đầu sách cổ và 8 tập sách hát Sình ca về văn hóa Cao Lan, có các nhạc cụ như: Trống sành, Pí lè, Chũm chọe, Sóc nhạc…

“Những bộ sách cổ được viết bởi chữ Nho, có những bộ quý có từ hơn 500 năm trước được khắc bằng gỗ quý. Những cuốn sách mô tả về nguồn gốc loài người, sự tích, ca dao, tục ngữ, hò vè, truyện kể về những vị thần có trong tín ngưỡng đồng bào, quá trình di cư định cư đấu tranh với tự nhiên và xã hội của người Cao Lan, xuất xứ tên gọi đồi núi, xứ đồng và đặc biệt là các nghi lễ quan trọng trong vòng đời của người Cao Lan” - nghệ nhân Sầm Văn Dừn hồ hởi giới thiệu.

Với tài sản vô giá lưu giữ được, ông đã đóng góp nhiều bản dịch bài hát Sình ca cho Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tuyên Quang làm tư liệu góp phần đưa Sình ca của dân tộc Cao Lan trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Trong không khí sum họp đón Tết cổ truyền, trong mỗi căn nhà của người dân tộc Cao Lan, những làn điệu Sình ca ngọt ngào, tha thiết, làm say đắm lòng người lại được cất lên:

Tháng Chạp là tháng hết mùa đông

Một năm điểm lại biết bao công

Xuân thu tứ quý mười hai tiết

Khởi động mấy đâu năm tháng cùng

Với mỗi người Cao Lan đây là món ăn tinh thần vô giá, là cái hồn văn hóa tinh hoa của cha ông để lại và nghệ nhân Sầm Văn Dừn vẫn ngày đêm "truyền lửa" những làn điệu Sình ca cho thế hệ mai sau...

Với những đóng góp cho Sình ca, nghệ nhân Sầm Văn Dừn vinh dự được nhận nhiều kỷ niệm chương của bộ, ban, ngành; Bằng khen của tỉnh, của Trung ương. Năm 2010, ông đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Năm 2016, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đã công nhận ông là nghệ nhân văn hóa dân gian.

Những ngày cuối năm 2017, nghệ nhân Sầm Văn Dừn về Thủ đô nhận Bằng khen của Thủ tướng vì đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.


Hải Hà