Trường đại học Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam

Chùa Vĩnh Nghiêm thuộc xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. 

Năm 1964, chùa được Nhà nước xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia. 

Đến năm 2015, chùa được Nhà nước xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.

Chùa thờ Phật và Trúc Lâm tam tổ là vua Trần Nhân Tông (1258-1308), pháp danh Điều Ngự Giác Hoàng; thiền sư Pháp Loa (1284-1330) và thiền sư Huyền Quang (1254-1334).


Tương truyền, chùa được xây dựng từ thời Lý và mở rộng vào khoảng thế kỷ 13 thời nhà Trần. 
Lịch sử phát triển của chùa gắn với sự hình thành và phát triển của thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập.

Trúc Lâm tam tổ từng trụ trì và mở trường thuyết pháp tại đây. Do đó, chùa Vĩnh Nghiêm được coi là chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm, trường đại học Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam và là Trung tâm Phật giáo thời Trần.

Danh lam đứng đầu trong thiên hạ

Chùa tọa lạc tại nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp. Trên tấm bia lục lăng khắc bằng chữ Hán vào năm Hoằng Định thứ 7 (1606) tại sân chùa còn ghi: "Chùa Vĩnh Nghiêm là một danh lam được xây dựng giữa một khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp của vùng Kinh Bắc. Nơi đây trang nghiêm rực rỡ, non cao ngàn dặm, trùng trùng điệp điệp vây quanh thành hình cái nong, chùa ở chỗ con sông sóng nước dạt dào mênh mông, quanh co uốn lượn chầu về như dải lụa bạc. Đây là một danh lam đứng đầu trong thiên hạ".



Chùa Vĩnh Nghiêm hiện có 7 khối kiến trúc chính: Cổng tam quan; Tòa tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện; Nhà Tổ đệ nhất; Gác chuông; Nhà Tổ đệ nhị; Hai dãy hành lang Đông Tây; Khu vườn tháp.

Trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo đến nay, đa số nét kiến trúc còn lại của chùa là những tác phẩm nghệ thuật của thời Lê - Nguyễn. Hiện nay, chùa còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: Hệ thống tượng Phật với quy mô bài trí chuẩn mực, các bia đá, hoành phi, câu đối, đồ thờ...

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm - Di sản Ký ức thế giới

Đặc biệt, chùa còn lưu giữ được kho mộc bản kinh phật với 3.050 bản ván khắc chữ Hán rất có giá trị nghiên cứu về Phật học, khoa học và lịch sử. Hiện nay, Mộc bản đã được UNESCO công nhận là Di sản Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.


Các mộc bản quý có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá quá trình tự chủ trong tư tưởng, văn hóa của dân tộc; giúp nghiên cứu sự phát triển về ngôn ngữ, hệ thống văn tự Việt, từ chỗ sử dụng chủ yếu chữ Hán sang coi trọng và chủ động sử dụng chữ Nôm, ngôn ngữ của người Việt ra đời từ thế kỷ XI.

Theo các nhà nghiên cứu, 3.050 tấm mộc bản bằng chữ Hán và Nôm, số ít bằng chữ Phạn được khắc từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX. Nội dung trong mộc bản là các kinh, sách do Tam tổ Trúc Lâm là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang cùng các hệ phái kế tiếp biên soạn.





Trong hệ thống mộc bản, ngoài phần kinh và giới luật là văn bản tôn giáo, có nhiều tác phẩm văn học, các tài liệu giá trị về mỹ học, y học, quá trình giao thoa văn hóa...

Những nét đặc sắc của chùa Vĩnh Nghiêm đã góp phần làm nên bề dày lịch sử văn hóa lâu đời của tỉnh Bắc Giang, bên cạnh các di tích quốc gia đặc biệt như: Chùa Bổ Đà huyện Việt Yên, địa điểm khởi nghĩa Yên Thế, di tích lịch sử chiến thắng Xương Giang…

Đến Yên Dũng, thăm chùa Vĩnh Nghiêm, ta mới thấm thía ý nghĩa câu thơ:

"Ai qua Yên Tử - Quỳnh Lâm

Vĩnh Nghiêm chưa tới thiền tâm chưa đành".

Bích Anh