Chiều 12/8, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP đã chủ trì phiên họp trực tuyến với các quận, huyện.

Lịch trình đi lại, khám chữa bệnh của BN 867 rất phức tạp

Liên quan đến BN ở Hải Dương khám bệnh ở Hà Nội mới phát hiện dương tính với Sars-CoV-2 (BN 867), huyện Thanh Trì cho biết, ngay khi nhận được thông tin, các lực lượng chức năng của huyện đã thức trắng đêm để truy vết các trường hợp liên quan.

Kết quả đã xác minh 14 trường hợp F1, tất cả các trường hợp này đã được đưa đi cách ly. Đồng thời, đưa đi cách ly 1 trường hợp nghi ngờ.

Đến nay, đã có kết quả 14/15 trường hợp âm tính. Huyện cũng tiếp tục điều tra 8 trường hợp F2 và các trường hợp tiếp xúc gần…

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thông tin thêm, lịch trình đi lại, khám chữa bệnh của BN rất phức tạp, khó xác định thời điểm lây nhiễm.

Về BN 867, TS Trần Đắc Phu, chuyên gia của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 Quốc gia cho rằng, cần làm rõ xem BN này bị lây nhiễm ở Hải Dương hay Hà Nội vì trường hợp này rất đáng lo ngại.

Ông Trần Đắc Phu cũng cảnh báo, Hà Nội cần tập trung phòng, chống dịch trong các cơ sở y tế, trung tâm dưỡng lão.

Về việc liên tiếp có các ca bệnh mới liên quan đến bệnh viện, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, các cơ sở y tế cần thực hiện nghiêm túc hơn quy trình phòng chống dịch.

Ông Hiền dẫn chứng “như BN 867 khi đi khám được chẩn đoán viêm phổi rồi cấp thuốc cho về là rất nguy hiểm”…

Thiếu vật tư xét nghiệm nhanh người từ Đà Nẵng về

Tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cũng cho biết, đến nay, TP rà soát có 99.874 người về từ Đà Nẵng (từ 15/7 có 76.922 người).

Từ chiều 8/8, TP đã triển khai lấy mẫu xét nghiệm PCR cho những người từ Đà Nẵng về trong thời gian từ 15-29/7 gửi tới các đơn vị của Bộ Y tế xét nghiệm.

Đến 15 giờ ngày 12/8, đã lấy được 16.242 mẫu, đã có kết quả 11.039 mẫu âm tính.

Phó Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh, việc xét nghiệm thực hiện càng nhanh càng tốt, song, công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về mặt vật tư que lấy mẫu và ống môi trường.

Hiện nay, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương mới cung cấp cho Hà Nội khoảng 10.000 ống/ngày, do đó, công tác xét nghiệm phải làm theo thứ tự ưu tiên.

Mặc dù Hà Nội được Bộ Y tế (giao cho các bệnh viện: Nhiệt đới Trung ương, Nhi Trung ương, Bạch Mai…) hỗ trợ xét nghiệm, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ. 

Phó Giám đốc phụ trách CDC Hà Nội Trương Quang Việt cũng cho biết, TP đang gặp khó khăn trong số lượng vật tư y tế để làm xét nghiệm. Hiện, TP vẫn có hơn 60.000 người chưa được xét nghiệm, trong đó có những người đã quá 14 ngày kể từ thời gian từ Đà Nẵng về.

Trước tình hình đó, CDC Hà Nội đề xuất, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về việc ưu tiên sản xuất vật tư để Hà Nội kịp thời gian chống dịch. “Việc này buộc phải làm nhanh và xong trong đầu tuần sau” - ông Việt nói.

Tiếp tục đóng cửa karaoke, quán bar, vũ trường

Về việc tuyên truyền để người dân tự giác đeo khẩu trang ở nơi công cộng, các quận, huyện báo cáo đến nay cơ bản người dân đã thực hiện biện pháp bảo vệ quan trọng này và cũng nhắc nhở, xử phạt nhiều trường hợp.

Liên quan đến việc này, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho biết, vẫn có người dân chưa đeo khẩu trang trên đường.

Đáng lo ngại là có những ca bệnh không xác định được nguồn lây nhiễm. “Hà Nội có thể sẽ còn ca mắc mới trong cộng đồng. Chiều hướng dịch bệnh sẽ tăng lên nếu không có biện pháp mạnh mẽ” - ông Quý nói.

Từ nhận định đó, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu, các đơn vị tiếp tục quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch của Trung ương và TP, không lơ là, chủ quan, đảm bảo kiểm soát có hiệu quả không để dịch bệnh lây lan song hành với thực hiện mục tiêu kép.

Các đơn vị cũng cần tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp: Tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; đeo khẩu trang khi ra ngoài, không tập trung đông người; tiếp tục dừng tổ chức lễ hội; dừng hoạt động karaoke, quán bar, vũ trường; đảm bảo phòng dịch ở các cơ sở y tế.

Ông Quý đề nghị, Công an TP Hà Nội chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, phát hiện xử lý các trường hợp nhập cảnh trái phép, các trường hợp thông tin không đúng sự thật, không khai báo y tế, khai báo không trung thực; vi phạm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

Đối với các quận, huyện phải cùng Sở Y tế tổ chức duy trì hoạt động tổ giám sát cộng đồng làm sao hoạt động hiệu quả…

Hải Hà