Không ngừng trưởng thành

Cho đến nay, ngành Thanh tra Việt Nam đã trải qua 74 năm xây dựng và trưởng thành. Qua mỗi thời kỳ, tổ chức và hoạt động thanh tra lại có bước phát triển mới. Ngày 20/5/1988, Ủy ban Thanh tra Nhà nước đã ban hành Quyết định số 39/QĐ-TTr về việc sắp xếp lại bộ máy cơ quan Ủy ban Thanh tra Nhà nước, trong đó thành lập Phòng Pháp chế trực thuộc. Đây là tổ chức tiền thân của Vụ Pháp chế sau này.

Ngày 1/4/1990, Chủ tịch nước đã ký Sắc lệnh công bố Pháp lệnh Thanh tra, mở ra một thời kỳ mới cho công tác thanh tra, theo đó các cơ quan Thanh tra Nhà nước được tổ chức thành hệ thống, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được tăng cường, hoạt động thanh tra được đổi mới. Từ đây, trong bộ máy của cơ quan Thanh tra Nhà nước có thêm Vụ Tổng hợp - Pháp chế.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Đinh Văn Minh cho biết, từ năm 2003, với Nghị định số 46/2003/NĐ-CP của Chính phủ Vụ Pháp chế được coi là một trong các tổ chức quan trọng giúp Tổng Thanh tra thực hiện công tác pháp chế của Thanh tra Nhà nước và của ngành Thanh tra. Có chức năng tham mưu Tổng Thanh tra thực hiện chức năng quản lý Nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN,TC) và phòng, chống tham nhũng (PCTN).

Khi mới thành lập, Phòng Pháp chế chỉ có 4 người, do cố PGS-TS Lê Bình Vọng phụ trách, sau đó là 14 người thuộc Vụ Tổng hợp-Pháp chế. Đến nay, Vụ Pháp chế có 16 công chức, gồm 3 lãnh đạo cấp vụ và 13 công chức được biên chế vào 2 phòng chức năng là Phòng Xây dựng thể chế và Phòng Tuyên truyền, kiểm tra và thẩm định văn bản pháp luật. Tất cả công chức của vụ có trình độ cử nhân luật, trong đó có 3 tiến sĩ, 9 thạc sĩ và 5 công chức có 2 bằng đại học.

“Thời gian qua, các công chức Vụ Pháp chế đã không ngừng trưởng thành, trình độ chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm ngày càng được nâng lên, có khả năng đảm nhận và hoàn thành nhiều công việc khó khăn và phức tạp, mà trước đây phải thực hiện trong nhiều năm với nhiều người tham gia”, ông Minh cho hay.

Vụ trưởng,Vụ Pháp chế TS. Đinh Văn Minh đang tuyên  truyền phổ biến nội dung pháp  luật. Ảnh: Thái Hải.

 

Xây dựng, tham mưu, góp ý hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật

Xác định xây dựng pháp chế ngành Thanh tra ngày càng trở nên quan trọng, nên việc xây dựng thể chế của TTCP luôn luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo. Vì thế, tập thể những người làm công tác pháp chế nói chung và Vụ Pháp chế nói riêng, hàng năm đã tham mưu xây dựng kế hoạch thể chế trong năm của TTCP; đồng thời, huy động các công chức và tranh thủ sự phối hợp của các cục, vụ, đơn vị trong cơ quan và của các cơ quan có liên quan để tổ chức, triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật;

Bên cạnh đó, Vụ còn chủ động tham mưu xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình xây dựng, trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành Thanh tra.

Ông Minh cho biết, trong những năm qua, Vụ Pháp chế đã xây dựng được hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, hoạt động của ngành Thanh tra, như Luật Tiếp công dân, Luật Thanh tra, Luật KN, Luật TC, Luật PCTN… 

Vụ Pháp chế cũng chủ trì hoặc tham mưu cho lãnh đạo TTCP góp ý văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành, địa phương, phiếu xin ý kiến của thành viên Chính phủ; tích cực tham gia nghiên cứu khoa học để làm luận cứ cho việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật của TTCP...

Đặc biệt, trong năm 2018 Vụ đã giúp TTCP chủ trì xây dựng, trình Quốc hội thông qua 2 đạo luật quan trọng: Luật TC và Luật PCTN.

Năm 2019, Vụ cũng đã chủ trì xây dựng, trình Chính phủ các nghị định quan trọng trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo như: Nghị định số 32/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật TC; Nghị định số 59/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật TC. Hiện nay, Vụ đang xây dựng, trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 75/2012/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật KN.

Ngoài ra, Vụ còn phối hợp với các bộ, ngành, xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật và phối hợp với các cục, vụ, đơn vị, xây dựng các thông tư của TTCP đảm bảo các văn bản pháp luật nói chung, các văn bản pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KN,TC, PCTN nói riêng được quy định một cách thống nhất, đồng bộ, hiệu quả.

Ghi nhận những thành quả của công tác pháp chế trong thời gian qua, tại Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11/2019), Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh đánh giá: Các văn bản pháp luật do TTCP xây dựng trong thời gian qua đã thể chế hóa quan điểm của Đảng về công tác thanh tra, giải quyết KN, TC, tiếp công dân và PCTN, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra, góp phần hoàn thiện cơ chế giải quyết KN,TC, tiếp công dân một cách khách quan, dân chủ, kịp thời, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, PCTN, cũng như xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Lãnh đạo Vụ Pháp chế chủ trì hội thảo lấy ý kiến để xây dựng văn bản pháp luật. Ảnh: Thái Hải

 

Luôn chủ động trên mọi mặt công tác

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trần Văn Long cho biết thêm, bên cạnh những nhiệm vụ trên thì Vụ Pháp chế cũng rất quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KN,TC, PCTN đến các cục, vụ, đơn vị thuộc TTCP và tại các địa phương.

Theo đó, hàng năm, Vụ Pháp chế chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật, xác định cụ thể các nội dung tuyên truyền, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng.

Đặc biệt, sau khi Luật TC, Luật PCTN năm 2018 được thông qua, Vụ Pháp chế đã xây dựng tài liệu giới thiệu nội dung cơ bản và những điểm mới của các luật này, gửi Bộ Tư pháp để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp; đăng tải trên Cổng thông tin điện tử TTCP, đồng thời có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương tổ chức quán triệt sâu rộng luật tới cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.

“Có thể nói rằng, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã, đang góp phần quan trọng nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức ngành Thanh tra, cũng như của người dân, góp phần giảm thiểu tình trạng KN,TC phát sinh; nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác thanh tra”, ông Long nói.

Ngoài ra, việc theo dõi, kiểm tra thi hành pháp luật cũng được quan tâm đẩy mạnh. Các công chức của Vụ Pháp chế đã trực tiếp về các bộ, ngành, địa phương kiểm tra, theo dõi tình hình thi hành pháp luật về tiếp công dân và thực hiện kết luận thanh tra. Qua đó, đã giúp các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn thi hành pháp luật, đồng thời ghi nhận các vướng mắc, đề xuất từ cơ sở, đánh giá những ưu điểm, hạn chế trong quá trình thực hiện, nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản pháp luật, đề xuất các giải pháp để pháp luật của ngành Thanh tra được thực thi có hiệu quả.

Mặt khác, mỗi năm, Vụ Pháp chế phải trả lời, hướng dẫn hàng chục văn bản cho các cơ quan, tổ chức, giúp  tháo gỡ vướng mắc, hiểu và thực hiện đúng các quy định pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KN,TC và PCTN.

“Nhìn lại chặng đường đã qua, cho thấy công tác pháp chế ngày càng phát triển và luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo TTCP, sự cộng tác, giúp đỡ, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, các cục, vụ, đơn vị, cùng với nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của toàn thể công chức trong đơn vị, đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận, đáp ứng yêu cầu của ngành Thanh tra”, Vụ trưởng Vụ Pháp chế khẳng định.

Thái Hải