Theo kết quả kiểm phiếu thu thập ý kiến dân cư về việc điều chỉnh 1,45ha đất Công viên Cầu Giấy để làm bãi đỗ xe ngầm kết hợp dịch thương mại vừa được UBND phường Dịch Vọng công bố: Tổng số phiếu thu được là 1.983 phiếu. Trong đó, 1.163/1.983 phiếu đồng thuận về mục tiêu quy hoạch hợp lý; 1.150/1.983 phiếu đồng thuận với phương án điều chỉnh quy hoạch; 1.147/1.983 phiếu đồng thuận với quy hoạch tổng mặt bằng - phương án kiến trúc của dự án. 28/32 tổ chức đồng thuận về dự án.

Số còn lại khoảng 800 phiếu là không đồng thuận hoặc ghi chưa rõ địa chỉ, không hợp lệ…

Vị trí khu đất "vàng" của Công viên Cầu Giấy trước nguy cơ bị "xẻ thịt"

Kết quả này được cho là bất ngờ khi đa số phiếu ủng hộ dự án? Bởi trên thực tế, hiện vẫn có hàng nghìn người dân trong khu vực có đơn kiến nghị gửi tới các cơ quan chức năng bày tỏ chính kiến không lấy đất công viên làm bãi xe, cũng như hoài nghi về tính khách quan của công tác tiến hành thu thập lấy ý kiến?

Phần đa những ý kiến phản đối việc “xẻ thịt” Công viên Cầu Giấy làm bãi xe đến từ những hộ dân sinh sống tiếp giáp liền kề với khu đất mà UBND TP Hà Nội giao Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Tây Hồ làm chủ đầu tư nghiên cứu.

Nói cách khác, những hộ dân này nằm trong vùng ảnh hưởng của dự án và chịu tác động trực tiếp về ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn nếu dự án đi vào triển khai xây dựng trên thực tế với 3 tầng hầm (2 tầng hầm để xe, 1 tầng hầm làm trung tâm thương mại) và 1 khối công trình nổi cao 9 mét phía trên phần đất công viên.

Theo một số người dân trong khu vực, kết quả kiểm phiếu nói trên chưa phản ánh đúng thực tế, ẩn chứa nhiều mâu thuẫn vẫn đang tồn tại khi còn rất nhiều ý kiến không đồng tình từ phía người dân.

Cũng theo người dân, việc tổ chức lấy ý kiến cần phải do một tổ chức độc lập, khách quan không liên quan đến lợi ích của dự án tiến hành triển khai. Đối tượng lấy ý kiến nên tập trung là người dân sống xung quanh khu vực dự án, nơi sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt hàng ngày. Việc lấy ý kiến của các tổ chức cũng cần phải xem xét tính đến khi các tổ chức đó đại diện cho ai, đồng ý đại diện cho bao nhiêu người nằm trong vùng ảnh hưởng của dự án?

Hà Nội đã có nhiều bài học về cống hóa kênh mương, lấy đất công viên làm bãi đỗ

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Đình Thám, nguyên Trưởng Bộ môn Công nghệ và Xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư là cần thiết nhưng phải làm cho đúng cách và đúng phương pháp, nếu không nó chỉ để cho đủ hồ sơ.

Về nguyên tắc, người thực hiện khảo sát phải là người ngoài cuộc, phải khảo sát, lấy ý kiến một cách ngẫu nhiên mà người ta vẫn gọi là điều tra độc lập hay khảo sát tự nhiên, như vậy mới đảm bảo tính chính xác.

Trước tỉ lệ đất công viên cây xanh tính trên đầu người dân đô thị còn thấp. Do vậy, hơn ai hết những người dân trong vùng ảnh hưởng của dự án bãi xe Công viên Cầu Giấy không muốn “lá phổi xanh” một lần nữa bị băm nát bởi Hà Nội đã có nhiều bài học nhãn tiền về việc xây dựng bãi xe trong công viên, hay cống hóa kênh mương làm bãi xe nhưng trên thực tế đều thất bại.

Những ý kiến bày tỏ trên của người dân rất cần các sở, ngành chuyên môn và lãnh đạo UBND TP Hà Nội lắng nghe, cân nhắc trước khi tiến hành các bước tiếp theo trong việc điều chỉnh quy hoạch đất Công viên Cầu Giấy giao doanh nghiệp làm bãi đỗ xe.

Liên quan đến chủ trương xây dựng bãi đỗ xe ngầm tại Công viên Cầu Giấy, sau khi Báo Thanh tra đăng tải bài viết, cùng sự vào cuộc của các cơ quan thông tấn báo chí làm “nóng” dư luận, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã có ý kiến về vấn đề này.

Theo đó, Văn phòng Chính phủ chuyển đơn phản ánh, kiến nghị của công dân trên địa bàn phường Dịch Vọng đến UBND TP Hà Nội để kiểm tra, xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật, trả lời công dân và báo cáo kết quả giải quyết lên Thủ tướng Chính phủ.

Quang Đông