Trưởng đoàn chậm ban hành kết luận, không giao thanh tra cuộc mới

Tại hội nghị, TTCP khái quát, năm 2018 và quý I/2019, cơ quan này và Thanh tra bộ, ngành đã bám sát chương trình kế hoạch thanh tra theo định hướng chương trình thanh tra; triển khai nhiều cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

“TTCP và Thanh tra bộ, ngành đã tích cực đổi mới phương pháp, cách thức tiến hành thanh tra, xử lý sau thanh tra nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra; tập trung ban hành kết luận các cuộc thanh tra; chất lượng các kết luận thanh tra được nâng lên”, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tổng hợp Lê Hồng Lĩnh cho biết.

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy, một số cuộc thanh ra còn chậm ban hành kết luận. Nguyên nhân là do năng lực Trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra chưa tương xứng với nhiệm vụ, chưa xác định được trọng tâm để xây dựng kế hoạch khi tiến hành thanh tra. Quy định về thời hạn ban hành kết luận thanh tra theo luật chưa phù hợp với thực tiễn…

Năm 2019, TTCP sẽ thực hiện 14 cuộc thanh tra, trong đó có thanh tra việc thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước tại Bộ Giao thông Vận tải; thanh tra thực hiện nhiệm vụ quản lý công sản, nhà đất tại Bộ Tài chính; thanh tra chuyên đề diện rộng về sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế, đấu thầu thuốc chữa bệnh.

Đặc biệt, sẽ tăng cường thanh tra công tác quản lý Nhà nước, nhất là các ngành, lĩnh vực, địa phương có dấu hiệu vi phạm, dư luận xã hội phản ánh tiêu cực, tham nhũng, phát sinh đơn thư khiếu nại tố cáo; chú trọng thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm…

Theo ông Lĩnh, để bảo đảm triển khai thực hiện hiệu quả, kịp thời ban hành, công khai kết luận thanh tra theo quy định, trong năm 2019, TTCP chỉ báo cáo xin ý kiến Thủ tướng những nội dung cần thiết, có tính chất phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, những nội dung ảnh hưởng lớn đến xã hội, lợi ích quốc gia và uy tín của cán bộ cấp cao.

Cùng với đó, Trưởng đoàn thanh tra nào chậm ban hành kết luận thanh tra thì không giao thực hiện các cuộc thanh tra năm 2019. Khi xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra cần bám sát vào nội dung thanh tra, tránh dàn trải; đổi mới cơ chế giám sát…

Tại hội nghị, đồng ý với báo cáo của TTCP, đại diện thanh tra các bộ, ngành đã tập trung thảo luận để tăng cường công tác phối hợp khi lấy ý kiến dự thảo kết luận thanh tra; xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra; xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Phó Tổng Thanh tra Bùi Ngọc Lam nhận định, vừa qua, Thanh tra các Bộ: Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch Đầu tư thường phải đối mặt với sự chồng chéo, trùng lắp với kế hoạch kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước. Để xử lý vấn đề này, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, chủ động nắm tình hình và bám sát kế hoạch.

“Đã có quy định rồi, chúng ta có thể sử dụng kết quả của nhau. Ngay TTCP khi thanh tra thấy kết luận của kiểm toán, thanh tra các bộ, ngành đã rõ rồi thì lấy ngay kết luận đó để đưa vào. Điều này vừa xử lý được chồng chéo, vừa bảo đảm được hiệu quả”, Phó Tổng Thanh tra gợi ý.

Hội nghị giao ban TTCP với thanh tra các bộ, ngành. Ảnh: HG

 

Tránh bỏ sót vi phạm, đánh giá đúng thành tích

Bày tỏ “rất suy nghĩ về vấn đề này”, theo Tổng Thanh tra Lê Minh Khái, việc xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán là vấn đề khó. Cho nên, thời gian tới sẽ có nhiều cuộc trao đổi để tiếp tục làm rõ. Trước mắt, quan điểm của lãnh đạo TTCP là các cuộc thanh tra phải thực hiện đúng mục tiêu, đúng chỉ đạo của Thủ tướng, Trung ương, không để chồng chéo về “nội dung và đối tượng”.

Trên cơ sở kế hoạch thanh tra, Tổng Thanh tra đề nghị, các cục, vụ của TTCP và Thanh tra các bộ, ngành triển khai bảo đảm tiến độ, chất lượng, yêu cầu, mục đích đã đặt ra. Nhất là, kế hoạch tiến hành thanh tra phải chi tiết, công khai và công bố sớm, không “ậm ừ”.

“Thanh tra phải có trọng tâm, trọng điểm, phải đánh giá, khảo sát xem có nên làm hay không, chứ không phải cưỡi ngựa xem hoa”, tư lệnh ngành Thanh tra nhấn mạnh và lưu ý, bố trí nhân lực đoàn thanh tra phải đúng sở trường, hợp lý để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ.

Về giám sát Đoàn thanh tra, theo ông Lê Minh Khái có nhiều hình thức: các thành viên trong đoàn tự giám sát lẫn nhau, Trưởng đoàn thanh tra giám sát các thành viên trong đoàn; Vụ giám sát, rồi đến lãnh đạo giám sát. Nhưng lựa chọn hình thức nào thì phải nghiên cứu hợp lý, không phải lúc nào cũng thành lập Tổ giám sát trực tiếp Đoàn thanh tra.

Một vấn đề nữa, “khi thanh tra phải tránh bỏ sót vi phạm, đồng thời phải đánh giá đúng thành tích, kết quả mà đơn vị đã làm được để động viên”, Tổng Thanh tra nói và đặt vấn đề, hiện nay nói đến thanh tra là nói đến phát hiện và xử lý vi phạm. Vậy tại sao không nghĩ là thanh tra cũng có thể tìm ra đơn vị làm tốt để công bố làm gương.

Ông Lê Minh Khái cũng đề nghị, cố gắng báo cáo, ban hành, công khai kết luận thanh tra sớm nhất vì nếu để “chậm năm này dồn sang năm khác thì rất nguy hiểm”; quan tâm hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về công tác thanh tra và một số nhiệm vụ khác.

“Quản lý, báo cáo về hoạt động thanh tra phải cố gắng làm tốt, số lượng chính xác, đánh giá tình hình cô đọng; phải nắm bắt được việc chấp hành pháp luật và thi hành công vụ trong hệ thống hành chính, tránh trường hợp sai quá khi thanh tra xử lý thì sẽ đau xót”, Tổng Thanh tra nêu và đề nghị, Thanh tra các bộ, ngành gắn công tác thanh tra với công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, trong đó cần chú ý chống "tham nhũng vặt".

Ngoài ra, lãnh đạo TTCP cũng yêu cầu, nhanh chóng nghiên cứu để hoàn thiện các quy định của pháp luật về thanh tra từ trình tự, thủ tục, đến phạm vi, thẩm quyền…

Chánh Thanh tra Bộ Y tế Đặng Văn Chính: Xử lý sau thanh tra phải đeo bám đến cùng

Ông Đặng Văn Chính, Chánh Thanh tra Bộ Y tế. Ảnh: HG

 

Hiện nay, các kiến nghị của Thanh tra Bộ Y tế đều được thực hiện và phải thực hiện. Chúng tôi có bộ phận giám sát xử lý sau thanh tra và đeo bám đến cùng, từ đó nâng hiệu lực, hiệu quả thanh tra. Để làm được điều đó, trong quá trình thanh tra phải hết sức nghiêm túc, phối hợp tốt và quan tâm đến việc phát hiện sơ hở trong quản lý Nhà nước, cũng như rất tích cực hướng dẫn thực hiện pháp luật.

Trước khi kết luận, chúng tôi trao đổi dự thảo kết luận thanh tra với đối tượng thanh tra để họ có thể giải trình, chứng minh tất cả những điều mà chưa đồng tình. Cho nên, chưa có kết luận thanh tra nào có khiếu nại, tố cáo và thực hiện rất nghiêm túc.

Thanh tra bộ xây dựng kế hoạch thanh tra cũng rất chi tiết, rất cụ thể và gửi cho đối tượng thanh tra ngay từ đầu năm. Có ý kiến băn khoăn, liệu như vậy, đơn vị biết trước sẽ chuẩn bị, giấu tài liệu… Nhưng tôi cho rằng, chúng ta thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, mong muốn các đơn vị đều thực hiện tốt, nếu đơn vị kiểm tra trước khi thanh tra để chấn chỉnh để thực hiện tốt thì đó là điều chúng ta mong muốn.

Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Trần Văn Vượng: Thí điểm giám sát điện tử

Ông Trần Văn Vượng, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính. Ảnh: HG

 

Năm nay, chúng tôi chính thức thí điểm áp dụng giám sát điện tử và nhập điện tử. Như vậy, hàng ngày, cán bộ đi đâu, làm gì đều được tích hợp thì ở trên các cục chỉ cần bấm vào là đều biết. Tuy nhiên, theo quy định, khi thanh tra phải viết vào sổ theo mẫu. Vì vậy, đề nghị TTCP đồng ý để chúng tôi tổng kết để thực hiện tốt hơn. Về phía cán bộ, chúng tôi đang xây dựng hệ thống cơ sở giữ liệu quản trị rủi ro; đồng thời kết nối với các cổng của bộ và các tổng cục để quản lý.

Một vấn đề nữa là Luật Thanh tra hiện hành có nhiều vướng mắc về thời gian, thời hạn… Hơn nữa, thực sự càng ngày càng đòi hỏi phải thanh tra hành chính như Tổng cục Thuế, Tổng Cục Hải quan thì quan trọng nhất là việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ chấp hành pháp luật của các thủ trưởng chi cục, nhưng Luật lại không quy định. Vì vậy, đề nghị sớm sửa đổi Luật Thanh tra.

Vụ trưởng Vụ I (TTCP) Lê Sỹ Bảy: Doanh nghiệp còn kêu “mật độ” thanh tra dày

Ông Lê Sỹ Bảy, Vụ trưởng Vụ I, Thanh tra Chính phủ. Ảnh: HG

 

Thời gian qua, dù Vụ I có sự phối hợp càng ngày càng tích cực và hiệu quả hơn với thanh tra các bộ, ngành như Thanh tra Bộ Xây dựng, Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải…. tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập, hạn chế cần sự quan tâm để khắc phục.

Đầu tiên là, còn có nhiều bất cập trong việc xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm, đặc biệt là sự chồng chéo. Khi chúng tôi xuống thanh tra, kiểm tra các Tập đoàn, Tổng Công ty thì thực sự họ kêu mật độ thanh tra, kiểm tra rất dày. Có những dự án năm nào cũng có thanh tra, kiểm tra, từ Kiểm toán đến Thanh tra Bộ Kế hoạch Đầu tư, Thanh tra Bộ Tài chính… tất cả đều thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ nhưng như thế thì quá nhiều. Theo tôi, khi xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm, có thể là 3 năm, 5 năm cố gắng làm sao để hạn chế không để chồng chéo.

Vụ I thường được giao tổ chức các đoàn thanh tra lớn, phức tạp. Do yêu cầu công việc đòi hỏi chuyên môn nghiệp vụ rất cao, chúng tôi thường đề nghị trưng tập, trưng dụng cán bộ thanh tra các bộ, ngành như xây dựng, tài chính, tài nguyên môi trường… Tuy nhiên, thực tế, việc cử người tham gia các đoàn thanh tra chưa thực sự hiệu quả, còn rất hạn chế. Vì vậy, thời gian tới đề nghị thanh tra các bộ, ngành quan tâm hơn để phát huy hiệu quả.


Năm 2018, TTCP đã ban hành kết luận, phát hiện vi phạm số tiền hơn 12 nghìn tỷ đồng, gần 24 nghìn héc-ta đất; chuyển cơ quan điều tra 7 vụ.

Đặc biệt, đã tập trung ban hành một số cuộc thanh tra do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng giao, dư luận xã hội quan tâm như: Thương vụ Mobifone mua AVG, cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam; cổ phần hoá cảng Quy Nhơn, khiếu nại của các công dân Thủ Thiêm…

Thanh tra các bộ, ngành địa phương đã tiến hành hơn 7 nghìn cuộc thanh tra, phát hiện sai phạm số tiền hơn 4 nghìn tỷ đồng, hơn 10 nghìn héc-ta đất, chuyển cơ quan điều tra 90 vụ, 151 đối tượng.

Đáng chú ý, việc thu hồi tài sản trong thời gian qua đã có nhiều tiến bộ. Với các cuộc thanh tra do TTCP tiến hành đã vượt mục tiêu đề ra với tỷ lệ 85% số tài sản được thu hồi.


Hương Giang