Hôm nay (13/11), tiếp tục chương trình nghị sự, QH thảo luận ở hội trường các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật; phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018…

Trao đổi với PV Báo Thanh tra, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa nhấn mạnh, đây là phiên thảo luận hết sức quan trọng để đánh giá công tác phòng, chống tội phạm, PCTN thời gian qua đã làm được cái gì, còn điều gì hạn chế. Từ đó, tìm ra biện pháp tối ưu nhất khắc phục hạn chế để năm 2019 và những năm tiếp theo thực hiện tốt hơn.

+ Thưa ông, Chính phủ nhận định “tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm”. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Phải nói rằng, công tác PCTN hết sức quan trọng được cử tri, nhân dân cả nước quan tâm. Tôi thấy, thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự chỉ đạo sâu sát của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, công tác PCTN, lãng phí đã đi vào nề nếp, đạt được kết quả rất đáng kể.

Thanh tra, kiểm tra, giám sát được tăng cường; nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng được phát hiện. Những người vi phạm đều được xử lý nghiêm túc không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người vi phạm là ai.

Cho nên, công tác PCTN thời gian qua của chúng ta được đông đảo nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp. Công tác PCTN vẫn còn những hạn chế.

+ Xin ông nói cụ thể hơn những hạn chế trong công tác này?

- Đó là, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng tuy có tiến bộ nhưng còn quá ít so với giá trị tài sản bị chiếm đoạt.

Tham nhũng, vi phạm pháp luật không chỉ len lỏi vào các cơ quan hành chính Nhà nước, doanh nghiệp mà đã len lỏi vào lực lượng vũ trang, vào các cơ quan phòng, chống tội phạm như vụ đánh bạc liên quan đến 2 tướng ngành Công an.

Tham nhũng “vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp ở địa phương vẫn xảy ra, chưa được ngăn chặn hiệu quả. Thêm nữa, trong công tác PCTN còn có tình trạng “trên nóng, dưới lạnh hay ở giữa lưng chừng”…

+ Nhắc đến vụ đánh bạc, ông nhận xét thế nào khi những người đứng đầu trong cơ quan phòng, chống tội phạm như ông Phan Văn Vĩnh (cựu Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) và Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao) lại “bảo kê” cho tội phạm?

- Có thể nói, đây là scandal của ngành Công an. Nhưng vụ việc xảy ra mang tính cục bộ, chứ không phải đại trà. Tôi nghĩ, thời gian qua, Bộ Công an đã có quyết tâm rất cao trong công tác phòng, chống tội phạm, PCTN.

Song vụ 2 tướng công an, đứng đầu 2 đơn vị thực hiện chức năng phòng, chống tội phạm lại có hành vi bao che cho tội phạm và thực hiện hành vi phạm tội là bài học kinh nghiệm lớn của lực lượng vũ trang nói chung, lực lượng công an nói riêng.

Cũng từ vụ việc này, chúng ta phải suy nghĩ để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời. Không thể nói rằng, những cán bộ trong cơ quan PCTN đều không tham nhũng, đều liêm khiết hết. Chúng ta không loại trừ trường hợp, trong cơ quan PCTN có cán bộ hư hỏng, suy thoái, biến chất.

+ Vậy theo ông, đây là giải pháp căn cơ để đẩy lùi tệ tham nhũng?

- Những vụ tham nhũng lớn tiêu hao tiền của Nhà nước rất lớn. Còn tham nhũng “vặt” lại gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp. Cho nên, tệ tham nhũng lớn hay “vặt” đều phải bài trừ cương quyết để vừa lấy lòng tin của nhân dân, vừa thu hồi được tài sản tham nhũng trả lại cho Nhà nước.

Cho nên, cả hệ thống chính trị cần phải vào cuộc với quyết tâm chính trị cao và có sự chỉ đạo quyết liệt để “trên nóng, dưới nóng”, không thể nào “trên nóng, dưới lạnh” trong công tác PCTN. Nếu không, công tác PCTN của chúng ta sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn.

Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát cán bộ thuộc quyền quản lý của mình, đặc biệt trong cơ quan có chức năng PCTN.

Nếu phát hiện có sai phạm thì phải cương quyết xử lý nghiêm, đến nơi, đến chốn, không có vùng cấm, không loại trừ bất cứ ai, từ cấp cao đến cấp thấp, từ lực lượng vũ trang cho đến bộ, ngành, doanh nghiệp, đoàn thể…  làm trong sạch đội ngũ cán bộ.

Chúng ta cũng cần phải giáo dục cho cán bộ, công chức nhận thức được trách nhiệm của mình để làm tốt hơn nữa, không gây phiền hà, nhũng nhiễu, tạo lòng tin cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp để họ quyết tâm phát triển kinh tế xã hội.

+ Xin cảm ơn ông!

Hương Giang