Đề tài được nghiên cứu xuất phát từ tầm quan trọng của công tác PCTN nói chung và PCTN trong hoạt động thanh tra nói riêng; đề tài đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm ngăn ngừa có hiệu quả hành vi tham nhũng trong hoạt động thanh tra trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Đề tài nghiên cứu vấn đề mới và cấp thiết không chỉ cho riêng tỉnh Hòa Bình

Với những chức năng nhiệm vụ, quyền hạn được giao, các cơ quan thanh tra Nhà nước là công cụ rất quan trọng và hữu hiệu trong đấu tranh PCTN. Song, nếu công chức thanh tra không giữ được phẩm chất đạo đức, không phục vụ nhân dân mà hướng tới các lợi ích bất chính, bất chấp việc vi phạm pháp luật, làm trái công vụ, trái lương tâm, đạo đức nghề nghiệp thì cũng dễ xảy ra tham nhũng. Vì vậy, có thể nói rằng tham nhũng phát sinh trong cả lĩnh vực lẽ ra không thể có tham nhũng, đó là lĩnh vực thanh tra.

Thực tiễn cho thấy, tuy đã có nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực PCTN nói chung nhưng những nghiên cứu này chưa đi sâu vào nghiên cứu vấn đề cụ thể về PCTN trong hoạt động thanh tra; những hoạt động cụ thể để PCTN trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo như thế nào thì đến nay cũng chưa có một tài liệu, nghiên cứu nào được đề cập.

Từ khi tái lập tỉnh Hòa Bình, tháng 10/1991 đến nay, qua theo dõi các hoạt động của ngành Thanh tra tỉnh Hòa Bình cho thấy, đã có việc một số công chức thanh tra khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra đã không giữ vững được phẩm chất, đạo đức và đã bị xử lý. Bên cạnh đó, một số công chức thanh tra khi thực hiện nhiệm vụ đã có những hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho đối tượng thanh tra, ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự của ngành Thanh tra.

Xuất phát từ tầm quan trọng của công tác PCTN nói chung và PCTN trong hoạt động thanh tra nói riêng, Thanh tra tỉnh Hòa Bình nghiên cứu đề tài khoa học cấp tỉnh về "PCTN trong hoạt động thanh tra trên địa bàn tỉnh Hòa Bình".

Đề tài được nghiên cứu từ năm 2018, mục tiêu chung là nêu lên thực trạng và đề ra được các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PCTN trong hoạt động thanh tra trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Đề tài được nghiên cứu trên cơ sở vận dụng các phương pháp luận duy vật biện chứng, duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh thông qua việc lựa chọn cách tiếp cận một cách hệ thống để xem xét, phân tích những nhiệm vụ nghiên cứu đã đặt ra. Đề tài còn sử dụng một số phương pháp khác: tổng hợp, nghiên cứu khái quát lý luận, điều tra xã hội học, thống kê và phân tích tài liệu, phân tích tổng kết kinh nghiệm, chuyên gia.

Nội dung nghiên cứu đề xuất nhiều giải pháp cụ thể

Đề tài đã hệ thống hóa cơ sở lý luận, làm rõ đường lối của Đảng và Nhà nước về PCTN.

Đề tài cũng đã khái quát quá trình điều tra, đánh giá thực trạng công tác PCTN trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Cụ thể, đã khảo sát 500 phiếu điều tra với 4 loại đối tượng (doanh nghiệp, các hộ kinh doanh; cán bộ, công chức, viên chức các sở, ban, ngành; cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã) về mức độ của các biểu hiện tham nhũng trong hoạt động thanh tra; tác động của các nguyên nhân dẫn đến tham nhũng trong hoạt động thanh tra; mức độ cần thiết phải thực hiện các giải pháp PCTN trong hoạt động thanh tra trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Điều tra thực trạng việc tiếp cận chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về công tác PCTN nói chung; các văn bản quy định về PCTN trong công tác thanh tra nói riêng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2012-2016.

Thu thập thông tin, tổng hợp báo cáo tình hình công tác thanh tra PCTN của các cơ quan: Thanh tra tỉnh, Thanh tra các huyện, thành phố và Thanh tra các sở, ban, ngành từ năm 2012-2016.

Điều tra thực trạng công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCTN; thực trạng công tác PCTN; mối quan hệ giữa công tác quản lý Nhà nước với PCTN và tác động của nó; kết quả đạt được và những hạn chế, bất cập trong công tác PCTN; nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm rút ra làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của công tác PCTN trong hoạt động thanh tra trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Trên cơ sở những hạn chế từ kết quả điều tra, đánh giá thực trạng, đề tài đề xuất 8 nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCTN nói chung và PCTN trong hoạt động thanh tra trên địa bàn tỉnh Hòa Bình nói riêng. 

Qua đó, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN nói chung và pháp luật về thanh tra; Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức lối sống trong đội ngũ cán bộ, công chức thanh tra; Nâng cao công tác quản lý Nhà nước về PCTN của các cấp, các ngành. Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thanh tra.

Phát huy vai trò giám sát của nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội và cơ quan thông tin đại chúng đối với hoạt động của Đoàn thanh tra; Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh đối với công chức ngành Thanh tra vi phạm những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo...

Đề tài có tính thực tiễn cao

Sản phẩm của đề tài giúp cho các cơ quan Nhà nước nói chung và ngành Thanh tra tỉnh Hòa Bình nói riêng áp dụng các giải pháp phù hợp trong công tác quản lý, điều hành và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên của địa phương, đơn vị.

Đối với các cơ quan Thanh tra, các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra trên địa bàn thì đây là căn cứ, cơ sở để tham mưu cho thủ trưởng cơ quan chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác PCTN trong hoạt động thanh tra, áp dụng các giải pháp đảm bảo quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị.

Đề tài cũng kiến nghị với Trung ương và tỉnh Hòa Bình nhiều nội dung để thực hiện các nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCTN nói chung và PCTN trong hoạt động thanh tra trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Trần Kiên