Đây là chia sẻ của TS Trần Đức Lượng, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ tại Diễn đàn “DN hướng tới thực hiện hiệu quả quy định pháp luật về PCTN  trong DN, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước” do Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) phối hợp với Thanh tra Chính phủ tổ chức mới đây tại Hà Nội.

TS Trần Đức Lượng cho biết, việc đưa DN, tổ chức khu vực tư vào đối tượng điều chỉnh là một nội dung mới của Luật PCTN năm 2018. Do vậy, khi tổ chức thực hiện và thanh tra, kiểm soát việc tuân thủ các quy định về phòng ngừa tham nhũng trong DN, tổ chức chắc chắn sẽ không tránh khỏi những khó khăn nhất định.

Khó khăn đầu tiên trong PCTN theo TS Trần Đức Lượng đó là về nhận thức của DN. Không ít DN, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước hiện nay còn có những nhận thức chưa đúng đắn về vấn đề này khi “bị” Luật PCTN đưa vào đối tượng điều chỉnh.

Về thực tiễn, hiện nay ngoại trừ các DN có vốn đầu tư nước ngoài, các công ty đa quốc gia có đại diện tại Việt Nam vốn đã có bộ quy tắc ứng xử của DN và cơ chế kiểm soát nội bộ rất tốt, còn lại nhiều DN trong nước hiện nay vấn đề này vẫn còn là một khâu yếu. Nhất là khi Luật PCTN và Nghị định số 59 đã quy định trách nhiệm của DN, tổ chức trong việc cụ thể hóa các biện pháp PCTN bắt buộc về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động, kiểm soát xung đột lợi ích, trách nhiệm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong DN, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước khi để xảy ra tham nhũng tại quy chế, điều lệ thì chắc chắn đây cũng là một khó khăn, lúng túng với nhiều DN…

Do đó, để khắc phục những khó khăn trên, nguyên Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho các DN, tổ chức để dần thay đổi nhận thức, để tự thân DN thấy việc đảm bảo liêm chính, PCTN là nhu cầu của chính mình. Đồng thời, có hướng dẫn cụ thể chi tiết hơn về các biện pháp PCTN bắt buộc với DN và có biện pháp hỗ trợ DN trong tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, xây dựng cẩm nang nghiệp vụ, trong đó có hướng dẫn cụ thể về nghiệp vụ thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về PCTN đối với DN, tổ chức cho đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra tại các cơ quan thanh tra…

Về vấn đề này, ông Florian Beraneck, chuyên gia UNDP cũng cho rằng để PCTN thì tốt nhất là xây dựng một môi trường minh bạch, liêm chính nơi mà tham nhũng không có cơ hội. Có trường hợp tham nhũng xảy ra giữa các DN với nhau, như thông thầu, rửa tiền, sử dụng giấy tờ giả, lừa đảo… gây thiệt hại cho hai bên hoặc bên thứ ba, hoặc cho chính DN đó.

Nhấn mạnh quan điểm “Liêm chính trong kinh doanh còn quan trọng hơn PCTN”, ông Florian Beraneck khuyến nghị, để tăng cường hiệu quả PCTN nói chung và trong khu vực tư nói riêng, Thanh tra Chính phủ cần có hệ thống hỗ trợ DN trong phát hiện, kiểm soát tham nhũng, bảo vệ người tố cáo tham nhũng và nhấn mạnh đến vai trò của báo chí trong nâng cao nhận thức của xã hội trong phòng ngừa tham nhũng.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Hải Vương, Giám đốc Vùng Đông Bắc, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) nhấn mạnh, PCTN trước hết là nhu cầu tự thân của các DN, bởi lẽ tham nhũng gây ra chi phí rất cao cho bản thân cá nhân và DN, bên cạnh các tổn thất khác của thị trường và Nhà nước. Để cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam, ông Hoàng Hải Vương cho rằng, việc tăng cường PCTN trong khu vực DN là rất cần thiết. Việc đảm bảo liêm chính, xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng có vai trò hết sức quan trọng, góp phần hiệu quả vào việc PCTN trong khu vực tư.

Theo ông Hoàng Hải Vương, để PCTN hiệu quả trong DN thì phải thực hiện liêm chính DN. Mỗi DN cần xây dựng được cơ chế thu nhập từ cấp nhân viên tới cán bộ cấp cao. Khi xây dựng được cơ chế thu nhập hợp lý thì những người này sẽ không còn nhu cầu tham nhũng hoặc nếu có cơ hội tham nhũng, họ sẽ cân nhắc giữa cái lợi và cái mất của mình mà không thực hiện hành vi tham nhũng.

Bên cạnh đó, trong nội bộ DN, cần xây dựng và áp dụng các biện pháp PCTN mang tính khuyến nghị và bắt buộc; đánh giá sự liêm chính của người lao động; thiết lập và đảm bảo việc vận hành hiệu quả kênh báo cáo tố cáo hành vi sai phạm, tham nhũng, làm cơ sở cho việc tăng cường giám sát thực thi các chính sách liêm chính của DN.

Đặc biệt, Chính phủ phải tăng cường cải cách hơn nữa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh không cần thiết, hoàn thiện Chính phủ điện tử để tăng cường tính minh bạch. Đồng thời, cơ quan Nhà nước thiết lập “danh sách đen” những DN liên quan đến tham nhũng và công khai thông tin trong cộng đồng DN.

Phương Anh