Nguyên Phó Tổng Thanh tra cho biết, lịch sử ra đời và phát triển của ngành Thanh tra luôn gắn với sự quan tâm lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội. “Bản thân sự ra đời của ngành cũng thể hiện điều đó”, nguyên Phó Tổng Thanh tra nhấn mạnh.

Ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Ban Thanh tra. Các ông Bùi Bằng Đoàn và Cù Huy Cận được đề nghị vào lãnh đạo Ban. Lúc này, Ban Thanh tra Đặc biệt được hình thành về mặt tổ chức với những trọng trách to lớn. Nhiệm vụ của Ban Thanh tra Đặc biệt là thường xuyên nghiên cứu và giải quyết các đơn, thư khiếu nại (KN) và phản ánh của các tầng lớp nhân dân từ khắp các địa phương gửi lên Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Song song với việc thành lập Ban Thanh tra Đặc biệt, những tháng cuối năm 1945, đầu năm 1946, Chính phủ đã chỉ đạo thành lập Ban Thanh tra ở một số Bộ như: Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Canh nông... và Ban Thanh tra các xứ Bắc Bộ và Nam Bộ. Tuỳ theo điều kiện từng nơi, tổ chức và nhiệm vụ của Thanh tra các xứ cũng có sự khác biệt.

Thời gian này, dù rất bận, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn rất quan tâm đến công tác thanh tra. Người đã nhiều lần đến dự hội nghị công tác thanh tra ở miền Bắc và có những huấn thị, chỉ đạo cụ thể đối với ngành Thanh tra.

Người tiếp theo quan tâm đến ngành Thanh tra là bác Phạm Văn Đồng, với tư cách là Thủ tướng Chính phủ, bác đã có những chỉ đạo quyết liệt đối với công tác thanh tra giải quyết KN, tố cáo (TC). Cụ thể, năm 1984, bác Phạm Văn Đồng đã chỉ đạo biên soạn và ký ban hành Nghị quyết số 26 về việc tăng cường tổ chức hoạt động thanh tra. Trong những lần tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, mặc dù rất bận, nhưng đây là Nghị quyết quan trọng nên bác Phạm Văn Đồng đã trực tiếp có mặt triển khai công tác thực hiện Nghị quyết.

Tiếp theo, các thế hệ cán bộ lãnh đạo sau này đều thể hiện sự quan tâm đến ngành Thanh tra. Những năm gần đây, những người lãnh đạo cao nhất đều đến thăm và làm việc với ngành Thanh tra và có những đánh giá quan trọng về vai trò của cơ quan Thanh tra, những đóng góp của cơ quan Thanh tra, đồng thời giao nhiệm vụ cho cơ quan Thanh tra trong việc thực hiện nhiệm vụ trọng yếu phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Trong nhiệm kỳ vừa qua, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đều đến thăm và có những chỉ đạo quan trọng với ngành.

Như vậy có thể thấy, ngành Thanh tra từ khi được thành lập cho đến nay đã luôn được Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm chăm lo xây dựng lực lượng, công tác cán bộ cũng như về chế độ chính sách. Điều đó tạo nên sự thu hút không hề nhỏ đội ngũ cán bộ với tâm huyết cống hiến cho ngành.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội thường xuyên quan tâm, xem xét những kiến nghị đề xuất của cơ quan Thanh tra. Có thể điểm lại điển hình là vụ án tham nhũng đầu tiên mang tính răn đe cao thể hiện tính giáo dục sâu là vụ án Trần Dụ Châu hay những đề xuất của Ban Thanh tra Đặc biệt đều được các đồng chí lãnh đạo quan tâm. Nói chung, ở thời kỳ này, những kiến nghị của ngành Thanh tra được xem xét kịp thời và có biện pháp xử lý ngay.

Sau này, T.Ư bố trí bác Phó Thủ tướng Nguyễn Văn Chính (hay còn gọi là Chính Cần), Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra của Chính phủ. Có sự quan tâm trong việc bố trí cán bộ, có chỉ đạo và những chỉ đạo này đã phục vụ sát sườn cho công tác quản lý thời kỳ đó, đặc biệt là giai đoạn 1985 - 1986. Lúc này, ngành Thanh tra đã triển khai các cuộc thanh tra về phân phối lưu thông, sử dụng vật tư, thực hiện chính sách trong nông nghiệp, trong đó tập trung chỉ đạo những lĩnh vực trọng tâm trọng điểm vừa phát hiện xử lý sai phạm vừa chấn chỉnh cơ chế quản lý. Khi đó, Trưởng đoàn thanh tra thường là Thứ trưởng hoặc cấp ủy viên.

Sau này, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của hoạt động thanh tra dần được thể hiện trong các văn kiện Đại hội Đảng, nghị quyết Đại hội, thậm chí có Nghị quyết riêng của Chính phủ hay các Chỉ thị về từng lĩnh vực như thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KN, TC và phòng, chống tham nhũng (PCTN). Tiếp đó là được thể hiện trong các văn kiện của Đảng và được thể chế hóa thành các văn bản pháp luật của Nhà nước và hình thành các Luật. Từ chỗ, ngành Thanh tra chỉ hoạt động dưới dạng Nghị định 164, Nghị định 165 đến nay đã có 5 đạo Luật (Pháp lệnh về Thanh tra năm 1990, Pháp lệnh về PCTN năm 1998, Luật KN, TC năm 1998 (sau này là Luật KN và Luật TC), Luật Thanh tra năm 2004, Luật PCTN năm 2005) đã tạo thành cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động thanh tra.

Có thể nói, tổ chức và hoạt động thanh tra cho đến thời điểm này có cơ sở chính trị pháp lý vững chắc, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tạo cơ sở chính trị pháp lý cho hoạt động, nhất là trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền, bởi không có cơ sở pháp lý, hành lang pháp lý cho hoạt động mang tính bảo vệ pháp luật thì rất khó, không phù hợp với xu thế.

Sau 70 năm xây dựng và trưởng thành, đến thời điểm này đã đầy đủ cơ sở pháp lý từ văn bản luật đến hướng dẫn nghiệp vụ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thanh tra tiếp công dân, giải quyết KN, TC và PCTN; bố trí kiện toàn kể cả về thanh tra theo cấp hành chính, ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu về đạo tạo bồi dưỡng vừa là xây dựng cơ sở của trường, chăm lo đến đội ngũ giảng viên, quan tâm đến kinh phí cho việc đào tạo bồi dưỡng, đào tạo lại trong nước, nước ngoài.

Về tài chính, ngoài kinh phí thường xuyên như các cơ quan hành chính khác, ngành Thanh tra được bổ sung thêm kinh phí hoạt động nghiệp vụ. Ví như chế độ chính sách đối với cán bộ được chú ý hơn. Đây là những yếu tố nhằm nâng cao năng lực thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và của nhân dân.

Việc quan tâm bảo đảm cơ sở pháp lý, bảo đảm cho đội ngũ cán bộ, bảo đảm điều kiện phương tiện, có chính sách đãi ngộ hợp lý thể hiện được sự quan tâm lớn của Đảng - Nhà nước với Ngành mình. Những người làm công tác thanh tra ý thức được việc này, về mong mỏi của người dân, kỳ vọng của lãnh đạo đã làm tốt công việc của mình nay phấn đấu làm tốt hơn bởi khó khăn thách thức nhiều như hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về thanh tra giải quyết KN,TC, PCTN cần tiếp tục sửa chữa, bổ sung.

Vấn đề này, Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN, Quốc hội, Chính phủ, kể cả các địa phương và người dân đều đồng tình với việc sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật về PCTN, đặc biệt phải xây dựng được Luật PCTN mới. Người dân kỳ vọng ở Luật PCTN mới khắc phục được những điểm yếu về pháp luật PCTN hiện nay, đặc biệt là phần phát hiện và xử lý. Nội dung phòng ngừa tương đối đồng bộ, đầy đủ nhưng chỉ phát huy tác dụng khi tăng cường sự phát hiện, xử lý kịp thời nghiêm minh thì ý nghĩa phòng ngừa mới lớn hơn.

Việc xây dựng Chiến lược phát triển ngành Thanh tra thời gian qua cũng nhận được sự đồng thuận cao của các cấp ngành, cơ quan lãnh đạo. Nếu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc nghiên cứu sửa đổi và hoàn thiện Luật Thanh tra, đáp ứng yêu cầu của tổ chức, hoạt động thanh tra trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Tin rằng với định hướng hiện nay được thể chế hóa, hiện thực hóa thì đóng góp của ngành Thanh tra trong thời gian tới sẽ lớn hơn nhiều, đồng thời sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đúng như câu nói “gái có công thì chồng không phụ”.

Phương Hiếu
Ghi theo lời kể của đồng chí Trần Đức Lượng
Nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ