Dư luận về vụ nữ trưởng phòng ở Tỉnh ủy Đắk Lắk “đánh tráo nhân thân”, sử dụng bằng cấp 3 của chị gái để vào làm việc ở cơ quan Nhà nước và thăng tiến vẫn còn chưa lắng xuống thì mới đây báo chí tiếp tục phanh phui vụ việc Trưởng phòng cảnh sát kinh tế Lai Châu bị phát hiện dùng bằng giả. Đáng nói hơn, đây lại là trường hợp từng được quy hoạch vào vị trí Phó Giám đốc Công an tỉnh. 

Đây chỉ là 2 vụ việc được báo chí đưa tin liên tục trong thời gian qua bởi các nhân vật đều đang làm việc ở những cơ quan lớn. Trong khi tại nhiều địa phương, cấp xã, huyện thời gian qua, rất nhiều trường hợp bị phát hiện sử dụng bằng cấp giả cũng đã được “điểm báo”: Nữ chủ tịch xã Đắk Sin (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) bị cách hết tất cả chức vụ vì sử dụng bằng cấp 3 giả; Nữ hiệu trưởng trường mầm non Lơ Ku, huyện Kbang) ở Gia Lai bị cách chức vì sử dụng bằng cấp 3 giả để học lấy bằng trung cấp lý luận chính trị; hay 6 nhân viên dùng bằng giả để lọt vào ngành y tế ở Đắk Lắk…

dung bang gia de thang tien cung la mot dang tham nhung hinh 1
PGS-TS Lê Quý Đức

Bình luận về thực tế này, PGS - TS Lê Quý Đức - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho biết, đây là thực trạng rất xấu đã và đang xảy ra trong xã hội khiến dư luận không khỏi bức xúc. Từ góc độ của người nghiên cứu về văn hóa, PGS-TS Lê Quý Đức cho rằng, tham nhũng về kinh tế chính là cái gốc dẫn đến tham nhũng quyền lực, rồi tham nhũng cả tinh thần. Sử dụng bằng cấp giả cũng chính là một dạng tham nhũng về tinh thần. 

Qua những vụ việc như thế đã cho thấy mặt tiêu cực trong đời sống xã hội: vì sao người ta phải chạy đua để ngồi bằng được vào những “chiếc ghế”, để rồi có người phải làm những việc khuất tất, lừa dối mới thắng nổi trong “cuộc đua” ấy. Thực tế chỉ có thể là: có quyền mới có lợi ích kinh tế. Hay người ta buộc phải chạy theo những tiêu cực ấy khi mà họ đang sống trong một xã hội “sính” bằng cấp, cử nhân thôi chưa đủ, mà phải thạc sĩ, tiến sĩ, hay phó giáo sư, giáo sư.

“Theo tôi, đây là một vấn đề trong công tác tổ chức của ta. Tại sao lại cứ phải coi trọng bằng cấp như thế, đúng là cần phải có bằng cấp nhưng người sở hữu tấm bằng ấy phải là người học thực sự, được đào tạo thực sự. Nhật Bản là nước phát triển ra sao ai cũng biết, nhưng chính khách của họ không phải ai cũng có bằng giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đâu. Có lẽ, không có bộ máy tổ chức nào như ở ta có số lượng cán bộ có bằng cấp cao nhiều đến vậy. Đó là khởi nguồn của câu chuyện bằng giả, một lãnh đạo có tới 4, 5 bằng. Đâu nhất thiết lãnh đạo cứ phải có nhiều bằng cấp? năng lực thực chất mới là vấn đề quan trọng. Chưa kể liệu đi liền với tấm bằng ấy là năng lực, chuyên môn thực sự hay không, có đầy đủ tri thức không hay chỉ là “bằng thật mà kiến thức giả” để đáp ứng một tiêu chuẩn nào đó”, vị cựu cán bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu quan điểm.

Nói thêm về trường hợp của vị trưởng phòng cảnh sát kinh tế Lai Châu, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển cho rằng, đã xác định trở thành cán bộ công an đòi hỏi anh ta phải trong sạch, công tâm hơn những người khác, chưa kể dứt khoát anh ta còn là một đảng viên, càng đòi hỏi anh ta phải là người có đạo đức, văn minh, thế mà lại che giấu việc dùng bằng cấp giả để tiến thân thì thật đáng khinh bỉ, thiếu liêm sỉ.

Qua theo dõi một loạt vụ việc sử dụng bằng giả để tiến thân thời gian qua, có thể thấy một điểm chung đó là sau khi phát hiện, xác minh, xem xét vụ việc, đa phần biện pháp xử lý chủ yếu là cho thôi việc, cách tất cả các chức vụ. Trường hợp nặng nhất là khai trừ Đảng. Đây là những hình thức xử lý đối với các sai phạm về hành chính. Tuy nhiên, việc sử dụng bằng cấp giả là hành vi đánh lừa cơ quan, tổ chức, liệu việc xử lý bằng các biện pháp hành chính đã đủ chưa, có đủ sức răn đe hay không?

dung bang gia de thang tien cung la mot dang tham nhung hinh 2
GS Nguyễn Minh Thuyết

Chia sẻ về vấn đề này, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, cựu đại biểu Quốc hội, cho rằng, xử lý bằng các biện pháp xử lý hành chính là đúng luật. Đối với một cán bộ công chức nhà nước, bị đuổi việc là mức xử lý rất nặng. Mà theo ông, vấn đề quan trọng nhất là phải tìm ra để xử lý thật mạnh những đối tượng sản xuất bằng giả. Ông cho biết, bản thân ông đã từng được nhận được tin nhắn “mời” làm bằng giả, nhưng ông chưa thấy đường dây nóng nào để tiếp nhận phản ánh của dư luận xã hội về những thông tin như thế.

Còn theo ông Lê Quý Đức, việc xử lý hành chính chỉ là giải pháp bước đầu. Nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, cho rằng, cần xử lý thật nghiêm khắc đối với hành vi này, thậm chí có thể xử lý bằng hình sự, xử lý cả về mặt dư luận xã hội. Nếu luật chưa quy định thì có thể bổ sung bởi những hành vi đó đúng là lừa đảo, nó có thể dẫn tới tình trạng lãnh đạo mà không có năng lực có thể làm hại tới lợi ích xã hội. 

Việc cần phải truy đến gốc là cần thiết. Cái gốc ở đây theo ông không chỉ là nơi sản xuất, làm ra những giấy tờ giả, mà còn chính là việc xử lý những người làm công tác tổ chức, công tác quy hoạch vì lý do gì đã “lấp liếm” đi những hành vi sai trái, dung túng, thậm chí bỏ qua những hành vi lừa dối.

Dư luận có lý do để nghĩ rằng, anh lừa dối được bằng cấp anh cũng có thể lừa dối được nhiều việc khác; ở cấp thấp mà anh đã có những việc làm khuất tất vậy khi ở những vị trí cao hơn anh có thể sẽ có những việc làm nghiêm trọng hơn thế. Chúng ta đang nói nhiều đến việc xây dựng văn hóa, nhân cách con người. Không thể cho phép những người có tầm ảnh hưởng ở một phạm vi nhất định mà lại có những hành vi có thể tạo ra những tiền lệ xấu trong xã hội./.

Theo Hà Thanh/VOV.VN