Sáng nay - 22/10, Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP. HCM bắt đầu mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Hứa Thị Phấn, nguyên cố vấn cao cấp Hội đồng Quản trị (HĐQT) Ngân hàng TMCP Đại Tín - TrustBank, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Phú Mỹ cùng 10 đồng phạm tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Hội đồng Xét xử (HĐXX) thông báo bị cáo Hứa Thị Phấn có đơn xin vắng mặt. 

10 bị cáo còn lại đều có mặt gồm bị cáo Bùi Thị Kim Loan, nguyên kế toán Công ty Phú Mỹ; bị cáo Lâm Kim Dũng, nguyên Giám đốc Công ty Địa ốc Lam Giang; bị cáo Hoàng Văn Toàn, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín; bị cáo Trần Sơn Nam, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Đại Tín; bị cáo Ngô Thị Ngân, nguyên thủ quỹ chính Ngân hàng Đại Tín - Chi nhánh Sài Gòn và Chi nhánh Lam Giang; bị cáo Ngô Nguyễn Đoan Trang, nguyên Phó Tổng Giám đốc phụ trách nguồn vốn Ngân hàng Đại Tín; bị cáo Nguyễn Kim Thanh, Phó Phòng đầu tư Ngân hàng Đại Tín; bị cáo Lâm Hứa Quỳnh Trinh, nguyên Phó Phụ trách Phòng Ngân quỹ Ngân hàng Đại Tín - Chi nhánh Sài Gòn; bị cáo Vũ Thị Như Thảo, nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Đại Tín - Chi nhánh Sài Gòn; bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Tuyết, nguyên là nhân viên kế toán Ngân hàng Đại Tín - Chi nhánh Sài Gòn.

Trong số 17 bị cáo không kháng cáo được tòa triệu tập, các bị cáo tới tòa gồm bị cáo Ngô Kim Huệ, Phó Tổng Giám đốc Đại Tín, là cháu gọi bị cáo Hứa Thị Phấn là bà; Nguyễn Vĩnh Mậu, nguyên là Phó Chủ tịch Đại Tín; Lâm Hồng Trinh, nguyên là thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Đại Tín… 

Vắng mặt có bị cáo Hứa Thị Bích Hạnh, nguyên là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phú Mỹ, nguyên Phó Phòng Kế toán tổng hợp Ngân hàng Đại Tín, là cháu gọi bà Phấn là cô ruột.

Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam - CB là nguyên đơn dân sự đồng thời là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Bị triệu tập đến tòa có bị án Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Ngân hàng VNCB (trước đây là Trustbank, sau này là CB), Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh và bị án Phan Thành Mai, nguyên Tổng Giám đốc VNCB.

Sau phần thủ tục, các bị cáo có kháng cáo cũng như không kháng cáo, các luật sư, người đại diện cho người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đều không có ý kiến gì.

Ngoài ra, nhiều tổ chức được tòa triệu tập gồm Tập đoàn Thiên Thanh, Ngân hàng Agribank, Ngân hàng An Bình, Ngân hàng Kiên Long,... 

Theo bản án sơ thẩm ngày 31/5/2018, bà Hứa Thị Phấn lợi dụng việc nắm giữ 84,92% vốn điều lệ của TrustBank đã điều hành, chi phối, thâu tóm toàn bộ HĐQT. 

Bà Phấn đã lũng đoạn mọi hoạt động đầu tư, hoạt động tín dụng, hoạt động thu chi tiền mặt nhằm thực hiện hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái thông qua việc nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch từ khoảng 154 tỷ đồng lên đến 1.260 tỷ đồng để bán cho TrustBank. Bà Phấn đã chiếm đoạt của ngân hàng hơn 1.105 tỷ đồng; hạch toán thu - chi khống, cấn trừ để gây thiệt hại cho TrustBank hơn 5.256 tỷ đồng.

Hành vi của bị cáo Phấn và các bị cáo trong vụ án là nguyên nhân dẫn đến TrustBank bị Ngân hàng Nhà nước xếp loại ngân hàng loại D (loại yếu kém), lỗ lũy kế hơn 6.000 tỷ đồng. 

Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự đổ vỡ của Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB, tiền thân là TrustBank, sau này là CB), khi nhóm cổ đông Phạm Công Danh tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của TrustBank từ bị cáo Phấn.

Về trách nhiệm dân sự, HĐXX nhận định toàn bộ số tiền thiệt hại tại TrustBank đều do bị cáo Phấn sử dụng hết nên tuyên buộc bị cáo bồi thường 16.791 tỷ đồng, bao gồm 6.362 tỷ đồng tiền gốc và hơn 10.000 tỷ đồng lãi phát sinh cho CB.

Về mối quan hệ giữa CB và Công ty Phương Trang, toà tuyên buộc Công ty Phương Trang có trách nhiệm thanh toán khoản nợ gốc mà Công ty Phương Trang thực nhận là hơn 3.936 tỷ đồng cùng lãi phát sinh đến thời điểm khởi tố vụ án với tổng số tiền là hơn 6.400 tỷ đồng cho CB.

Phiên tòa dự kiến diễn ra từ ngày 22 - 31/10 do Thẩm phán cao cấp Phan Thanh Tùng làm chủ tọa.

Nghiêm Lan