Có thể nói, thời gian qua, câu chuyện “sân sau” được nhắc đến nhiều và gây bức xúc trong dư luận. Vì vậy, với việc ban hành Luật PCTN năm 2018 và Nghị định 59 được kỳ vọng sẽ góp phần nhận diện và từng bước ngăn chặn tình trạng này, đặc biệt là thông qua các quy định về xử lý vi phạm các quy định về quy tắc ứng xử và kiểm soát xung đột lợi ích đối với người có chức vụ, quyền hạn. 

“Căn cứ vào các quy định này giúp chúng ta từng bước ngăn chặn các tình huống “nhập nhằng” giữa lợi ích cá nhân và lợi ích công, “cắt đứt” mối liên hệ giữa “sân trước” và “sân sau””, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Thanh tra Chính phủ), thành viên Ban soạn thảo Nghị định 59 cho biết.

Bố trí người thân làm quản lý nhân sự, kế toán có thể bị cách chức

Theo quy định của Luật PCTN, người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội phải thực hiện quy tắc ứng xử, bao gồm các chuẩn mực xử sự là những việc phải làm hoặc không được làm phù hợp với pháp luật và đặc thù nghề nghiệp nhằm bảo đảm liêm chính, trách nhiệm, đạo đức công vụ.

Nếu có hành vi vi phạm quy tắc ứng xử mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì kỷ luật với hình thức khiển trách với người lần đầu có hành vi nhũng nhiễu trong giải quyết công việc; sử dụng trái phép thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đã bị kỷ luật khiển trách mà vẫn tái phạm thì bị cảnh cáo. 

Nghị định 59 quy định, người có chức vụ, quyền hạn tư vấn cho DN, tổ chức, cá nhân khác trong nước và nước ngoài về công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết thì bị kỷ luật cảnh cáo. Nếu liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác thì bị cách chức hoặc buộc thôi việc. 

Hình thức kỷ luật cách chức hoặc buộc thôi cũng được áp dụng đối với người có chức vụ, quyền hạn thành lập, tham gia quản lý, điều hành DN tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH), công ty cổ phần (CP), công ty hợp danh, hợp tác xã (HTX), trừ trường hợp luật có quy định khác.

Với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị lần đầu có hành vi bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó thì bị cảnh cáo. Trường hợp đã bị xử lý bằng hình thức này mà vẫn tái phạm thì người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu bị cách chức.

Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước góp vốn vào DN hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước cũng sẽ bị cách chức.

Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và người giữ chức danh, chức vụ quản lý khác trong DN nhà nước có hành vi ký kết hợp đồng với DN thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột; cho phép DN thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của DN mình; bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong DN hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho DN mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử lý khiển trách với vi phạm lần đầu, nếu tái phạm thì bị cảnh cáo.

Biết có tham nhũng không báo cáo, cán bộ có thể bị cảnh cáo

Một vấn đề nữa, Nghị định 59 đã quy định rõ 9 trường hợp xung đột lợi ích và các hình thức xử lý vi phạm. “Xung đột lợi ích là tình huống mà trong đó lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn hoặc người thân thích của họ tác động hoặc sẽ tác động không đúng đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ”, Luật PCTN nêu rõ.

Theo đó, người thực hiện công vụ, nhiệm vụ nếu biết hoặc buộc phải biết về tình huống xung đột lợi ích của mình mà không báo cáo thì bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển khách nếu vi phạm lần đầu. Nhưng hành vi vi phạm lần đầu mà gây hậu quả nghiêm trọng thì bị kỷ luật cảnh cáo. 

Với người có thẩm quyền nếu biết hoặc buộc phải biết có xung đột lợi ích mà không áp dụng các biện pháp kiểm soát xung đột lợi ích theo quy định của Luật PCTN thì bị xử lý kỷ luật khiển trách với vi phạm lần đầu. Kỷ luật cảnh cáo nếu đã bị xử lý khiển trách về hành vi đó mà tiếp tục tái phạm hoặc có hành vi vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả nghiêm trọng.

Cũng theo Nghị định 59, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi phát hiện hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi mình công tác mà không báo cáo với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đó thì bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách; nếu tiếp tục tái phạm thì bị kỷ luật cảnh cáo. Trường hợp cán bộ có hành vi vi phạm này lần đầu nhưng để xảy ra vụ việc tham nhũng nghiêm trọng thì bị kỷ luật cảnh cáo.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi nhận được báo cáo về hành vi tham nhũng nhưng không xử lý thì bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách nếu vi phạm lần đầu. Nhưng, vi phạm lần đầu mà để xảy ra vụ việc tham nhũng nghiêm trọng thì người đứng đầu bị kỷ luật cảnh cáo. Nếu đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo về hành vi đó mà tiếp tục tái phạm hoặc có hành vi vi phạm lần đầu nhưng để xảy ra vụ việc tham nhũng rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì người đứng đầu bị cách chức.

Với hành vi khác vi phạm pháp luật về PCTN trong DN nhà nước và các tổ chức, đơn vị khác do Nhà nước thành lập, đầu tư cơ sở vật chất, cấp phát toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động, do Nhà nước trực tiếp quản lý hoặc tham gia quản lý nhằm phục vụ nhu cầu phát triển chung, thiết yếu của Nhà nước và xã hội được thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước và pháp luật khác có liên quan.

Bên cạnh quy định chi tiết về xử phạt hành vi vi phạm khác về PCTN, nghị định này còn quy chi tiết về trách nhiệm giải trình; tiêu chí đánh giá công tác PCTN; tặng quà và nhận quà tặng; kiểm soát xung đột lợi ích; vị trí công tác phải chuyển đổi và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương.

Nghị định cũng quy định trình tự, thủ tục, thời hạn tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác; việc hưởng lương, phụ cấp, quyền, lợi ích hợp pháp khác và việc bồi thường, khôi phục lại quyền, lợi ích hợp pháp của người có chức vụ, quyền hạn sau khi cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng; áp dụng các biện pháp PCTN trong DN, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; thanh tra việc thực hiện pháp luật về PCTN đối với DN, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước.

Để Luật PCTN đi vào cuộc sống, Nghị định 59 còn quy định các biện pháp thi hành, gồm: Thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành DN tư nhân, công ty TNHH, công ty CP, công ty hợp danh, HTX thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý; cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức; chế độ thông tin, báo cáo về PCTN; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

Nghị định 59 có 11 chương, 89 điều, kèm theo nghị định có danh mục vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi.


Thảo Nguyên