Thép Việt - Trung: Bán quặng siêu rẻ ồ ạt và lợi nhuận mong manh

Mới đây, do số nợ ngân sách lớn, phát sinh trong thời gian dài, việc tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của bộ phận đại diện vốn của Tổng Công ty Thép Việt Nam (VnSteel) tại VTM cần có thêm thời gian để thực hiện, VnSteel đã phải xin lùi báo cáo nợ ngân sách Nhà nước tại VTM.

VTM là liên doanh giữa VnSteel, Công ty Khoáng sản Lào Cai và Tập đoàn Gang thép Côn Minh (Trung Quốc), là 1 trong 12 dự án thua lỗ "nghìn tỷ" của ngành Công thương. Tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án là gần 337,52 triệu USD (tương đương khoảng 6.000 tỷ đồng), trong đó, nhà máy gang thép chiếm gần 307 triệu USD, mỏ sắt Quý Xa và hạng mục thành phần là 30 triệu USD.

Song sau gần một thập kỷ khai thác quặng sắt, tháng 6/2014, nhà máy này chạy thử và chỉ sau 6 tháng hoạt động, tháng 12/2014, đã lỗ 91 tỷ đồng. Năm 2015 và năm 2016, do phải bán phôi thép theo giá thị trường ở mức thấp hơn giá thành, dẫn đến lỗ lũy kế đến hết năm tài chính 2016 lên tới 1.077 tỷ đồng.

Báo cáo trước Quốc hội vào tháng 10/2018, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, dự án đã hoạt động hiệu quả hơn và bắt đầu có lãi (doanh thu 8 tháng 2018 đạt 5.377 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 527,24 tỷ đồng), do đó, Bộ này đang kiến nghị Chính phủ đưa dự án ra khỏi danh sách 12 dự án đại thua lỗ.

Tại báo cáo của VTM cũng nêu rõ: “Năm 2017, Công ty triển khai hoạt động trong bối cảnh tình hình tài chính đặc biệt khó khăn, lỗ lũy kế lớn, nguồn vốn lưu động thiếu hụt khiến công ty gặp rất nhiều hạn chế trong việc chuẩn bị nguyên nhiên liệu phục vụ sản xuất. Giá phôi thép bán trên thị trường 6 tháng đầu năm vẫn ở mức thấp hơn giá thành trong khi giá nguyên nhiên liệu đầu vào luôn biến động ở mức cao và không ổn định, khiến Công ty gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ vào sự nỗ lực cố gắng, đoàn kết đồng lòng của Ban điều hành và tập thể người lao động đã quyết tâm thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trên toàn bộ các lĩnh vực từ quản trị con người, quản lý vật tư nguyên vật liệu đầu vào, cải tiến công nghệ kỹ thuật, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm... nên Công ty đã hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2017 và đã có lợi nhuận”. 

Nói vậy nhưng không thấy công ty đề cập rằng lợi nhuận nhờ cách gì, sản phẩm gì, song nhìn vào số liệu, có thể hiểu lợi nhuận đến từ nguồn chính là bán quặng thô với mức độ lớn và được hưởng chế độ “đặc thù” hơn so với thép Thái Nguyên.

Hoạt động khai thác quặng tại mỏ Quý Xa (Lào Cai)

 

Vẫn theo bản báo cáo của VTM, Công ty đã tổ chức triển khai khai thác mỏ Quý Xa đạt 100% công suất thiết kế. Kết quả riêng trong 6 tháng, sản lượng quặng sắt ước đạt 1.357.710 tấn và lợi nhuận ước đạt 642,35 tỷ đồng.

Ông Trịnh Khôi Nguyên, Phó Tổng Giám đốc VnSteel, trong lần trả lời báo chí gần đây cho biết, việc để mất cân đối tài chính trong quá trình thực hiện (1.900 tỷ đồng) là một trong những nguyên nhân chính khiến dự án “chìm sâu” vào nợ nần. 

Ông Nguyên cho biết dự báo Nhà máy thép Việt - Trung sẽ cắt lỗ. Dù đã hoạt động có lãi và tình hình nhà máy cũng tốt dần lên, nhưng dường như sự khởi sắc đó chưa mang lại tín hiệu bền vững. Bởi nhiều chuyên gia nhận định do giá phôi hiện nay đang có dấu hiệu đi xuống cùng với chính sách thắt chặt nhập khẩu phế liệu khiến việc tiêu thụ sản phẩm và nhập khẩu nguyên liệu của nhà máy sẽ gặp khó khăn. Nếu các đối tác như Trung Quốc áp dụng các biện pháp thuế tự vệ, chống bán phá giá thì sản phẩm phôi của nhà máy sẽ mất rất lớn lợi thế cạnh tranh về giá so với cùng sản phẩm trên thị trường…

Một nguyên nhân nữa khiến việc lãi của Nhà máy Thép Việt - Trung được nhận định “mong manh” bởi cơ cấu tài chính vẫn chưa ổn định vì chi phí vẫn rất lớn và phần lớn vốn chủ sở hữu đều vay từ ngân hàng nên khoản lãi phải trả cũng không hề nhỏ. 

Mặc dù vẫn đang “chìm” trong nợ nần song ông Trịnh Khôi Nguyên lại cho biết VnSteel vẫn đang đề xuất Bộ Công Thương trình Chính phủ cho rút khỏi “danh sách đen” 12 dự án thua lỗ. Song song đó, VnSteel còn đang đề nghị tiếp tục đầu tư cho nhà máy khoảng 1.000 tỷ đồng để xây dựng dây chuyền cán thép thành phẩm...

Thép Việt Trung được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác mỏ sắt Quý Xa với công suất khai thác 3 triệu tấn/năm. Theo UBND tỉnh Lào Cai, sau khi cung cấp quặng sắt là nguyên liệu cho Nhà máy Gang thép Lào Cai, khối lượng quặng sắt làm nguyên liệu cho nhà máy còn thừa so với công suất khai thác 2,3 triệu tấn. Đơn vị này cũng đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ cho phép doanh nghiệp được xuất khẩu và tiêu thụ trong nội địa khoảng 2,3 triệu tấn quặng sắt/năm.

Một sự thật đáng lo ngại khác là việc bán quặng của Công ty Việt Trung hiện được dư luận phản ánh là chưa thực hiện nghĩa vụ đóng thuế tài nguyên. Nếu áp dụng chặt chẽ và truy thu nguồn thuế này, các bản báo cáo lại càng không thể đẹp và lạc quan như hiện nay…

Khai thác quặng tại mỏ sắt Tiến Bộ (Thái Nguyên)

 

Cần sớm thanh tra làm rõ và chỉ đạo dừng ngay việc bán quặng

Theo Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), trong 4 tháng đầu năm 2018, lượng quặng và khoáng sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc chiếm gần 80% tổng lượng mặt hàng này bán ra thế giới. Giá bán sang Trung Quốc hiện ở mức rất rẻ. Nếu so với giá bình quân quặng mà Việt Nam ra thị trường thế giới, giá quặng xuất sang Trung Quốc có giá rẻ hơn một nửa. Còn nếu so với giá xuất khẩu quặng mà Việt Nam xuất sang một số thị trường khác, giá số quặng và khoáng sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc rẻ gấp 5 lần.

Cụ thể, lượng quặng, khoáng sản xuất khẩu sang Trung Quốc 4 tháng qua đạt gần 1,2 triệu tấn, kim ngạch hơn 29 triệu USD; giá xuất khẩu trung bình 560.000 đồng/tấn.

Như vậy, giá trị xuất khẩu của quặng Việt Nam sang Trung Quốc rẻ hơn so với giá trung bình của quặng, khoáng sản xuất khẩu ra các thị trường gần 1 nửa.

Phân xưởng nấu gang của thép Việt Trung

 

Bên cạnh 80% lượng quặng, khoáng sản xuất vào Trung Quốc, số còn lại hơn 333.000 tấn quặng, khoáng sản được xuất sang các thị trường khác có giá khá cao đạt gần 2,5 triệu đồng/tấn. Gấp gần 5 lần so với giá bán quặng và khoáng sản cho Trung Quốc.

Hiện, rất nhiều loại khoáng sản ở Việt Nam bị Chính phủ cấm bán ra nước ngoài, trong đó có những loại quặng sắt, nhôm và titan... vì đây là những loại quặng, khoáng sản khan hiếm, được bảo vệ để phục vụ cho sản xuất trong nước. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, có một số doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu khoáng sản bằng cách chế biến theo chiều sâu, có giá trị gia tăng cao hơn so với xuất khẩu quặng, khoáng sản tiền chế, thô sơ.

Mặc dù việc xuất khẩu bị kiểm soát ngặt nghèo, song với mức giá trung bình xuất khẩu quặng vào Trung Quốc với giá xuất bán trung bình ra các nước và khu vực còn lại, rõ ràng có sự chênh lệch giá bán rất lớn. Điều này dấy lên lo ngại các doanh nghiệp được cấp phép chế biến sâu về sản phẩm quặng, khoáng sản đã xuất khẩu các loại quặng tiền chế, thô chứ không gia công, chế biến, gây thất thoát tài nguyên và trục lợi chính sách.

Từ thực tế bán quặng ồ ạt với số lượng lớn để cầm cự như ở thép Thái Nguyên và Thép Việt Trung - sự thật về bức tranh khởi sắc, “xin ra khỏi 12 đại dự án thua lỗ” của hai đơn vị trên còn tiềm ẩn nhiều vấn đề rất đáng lo ngại. Đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương cần sớm chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, rà soát việc xuất khẩu quặng tại 2 dự án trên, dừng ngay việc bán cả “máu quặng” để tồn tại, không để thất thoát tài nguyên và tài sản của Nhà nước.

Minh Anh