Sau khi vi phạm tại địa bàn Thụy Phương, Công ty Cổ phần Đầu tư, thương mại tổng hợp và kinh doanh bất động sản lại tiếp tục trúng nhiều gói thầu trên địa bàn huyện Từ Liêm. Trong đó phải kể đến gói thầu “nổi tiếng” tại dự án ao Gồ, xã Tây Tựu (nay là phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm).

Dự án ao Gồ không chỉ bị công dân tại địa phương tố cáo mà chính Phó Chủ tịch UBND xã cũng có văn bản báo cáo sai phạm của Công ty Cổ phần đầu tư, thương mại tổng hợp và kinh doanh bất động sản.

Ông Bùi Xuân Hòa - Phó Chủ tịch UBND xã Tây Tựu ký Công văn số 18/BC - UBND về việc thi công không đúng với thiết kế tại dự án kè ao Gồ gửi Chủ tịch UBND xã vào ngày 17/1/2013.

Báo cáo này khẳng định việc “thi công không đúng với thiết kế tại dự án kè ao Gồ” nêu rõ: Quá trình tổ chức thực hiện việc thi công dự án của đơn vị thi công là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng, thương mại tổng hợp và kinh doanh bất động sản đã có nhiều vi phạm về thiết kế đã được thẩm định, phê duyệt tại dự án. Qua nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở để chấn chỉnh đơn vị thực hiện theo đúng hồ sơ thiết kế nhưng vẫn cố tình không thực hiện.

Báo cáo cũng chỉ rõ, về thi công phần móng kè: Đơn vị thi công đã không thực hiện việc đào để nạo vét phần nền đất yếu, cọc tre gia cố phần móng không đảm bảo tiêu chuẩn kích thước: Tre nhỏ độ dài chỉ đạt 1,5m đến 1,7m, thiết kế cọc tre dài 2,5m. Đơn vị thi công không đổ đá dăm và đầm chặt với độ dày 10 cm theo thiết kế; bê tông đổ móng độ dày không đảm bảo và chỉ đạt từ 35 - 45 cm so với thiết kếlà 0,5m, chiều rộng móng không đảm bảo; toàn bộ phần sắt móng không có theo thiết kế ban đầu là sắt phi 16 để ra cố móng.

Đối với phần thân kè, lan can không đổ giằng bê tông cốt thép trên và dưới con tiện; phần thường (tường - PV) kè đá hộc không đảm bảo theo kích thước. Ngoài ra, đơn vị thi công chưa thực hiện nạo vét bùn ao.

Sau một thời gian dài các công dân tố cáo những sai phạm với những chứng cứ sát thực, ngày 12/12/2013, UBND huyện Từ Liên đã công nhận việc tố cáo của công dân hoàn toàn có căn cứ.

Nội dung Kết luận số 393/KL-UBND của UBND huyện Từ Liêm nêu rõ:

Trong quá trình thi công công trình kè đá và cải tạo môi trường quanh ao Gồ, nhà thầu là Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng, thương mại tổng hợp và kinh doanh bất động sản đã thi công một số hạnh mục: Đào đất hồ móng bờ kè, xây tường kè, gia cố cọc tre và thép phi 16 móng không đúng theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt.

Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm cũng nhấn mạnh, việc thay đổi thiết kế công trình chỉ được thể hiện bằng biên bản xử lý hiện trường ngày 08/10/2012 là không thực hiện đúng theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 49/2008/NĐ-CP ngày 18/04/2008 về sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 17 của Nghị định 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng xây dựng công trình.

Công ty Cổ phần Tư vấn khảo sát thiết kế và đầu tư xây dựng Sông Hồng là nhà thầu tư vấn giám sát công trình kè đá và cải tạo môi trường xung quanh ao Gồ trong quá trình công trình đang thi công không có cán bộ giám sát thường xuyên tại công trình, không phản ánh kịp thời với chủ đầu tư về việc thay đổi chiều dài cọc tre, mật độ đóng cọc tre… là không thực hiện đúng Điều 88 Luật Xây dựng về yêu cầu giám sát thi công xây dựng.

Sai phạm là rõ ràng, nhưng dường như theo một kịch bản đã trở lên rất thông dụng, Chủ tịch huyện Từ Liêm khi đó là ông Nguyễn Văn Tứ yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm Chủ tịch UBND xã Tây Tựu và giao UBND xã Tây Tựu yêu cầu nhà thầu thi công hoàn tất các công việc tồn tại, tiếp tục thực hiện dự án theo thiết kế đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, yêu cầu này dường như không khả thi khi nhiều hạng mục nằm sâu dưới đáy hồ giờ để làm đúng thiết kế, để khắc phục thì phải lật tung toàn bộ lòng hồ, làm lại từ đầu.Thực tế yêu cầu chỉ là yêu cầu nằm trên giấy.

Thi công không đúng thiết kế đã trở thành “không mới” nhưng không hiểu sao Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng, thương mại tổng hợp và kinh doanh bất động sản với “dấu ấn” không mấy tốt đẹp vẫn cứ trúng các gói thầu trên địa bàn huyện Từ Liêm (cũ).

“Dấu ấn” xấu xí này, rất tiếc, không chỉ gắn với Thụy Phương, Tây Tựu và Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng, thương mại tổng hợp và kinh doanh bất động sản mà mới đây từ tố cáo của công dân, Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng phát hiện ra tại dự án Hồ Làng, Hồ Tuần, Hồ Tứ Phiên trên địa bàn phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm (thuộc xã Liên Mạc, huyện Từ Liêm cũ) cũng có hiện tượng lập hồ sơ không đúng thực tế thi công để rút tiền Nhà nước.

Công văn của Cơ quan Cảnh sát điều tra của Công an TP Hà Nội cho biết: Khi thi công hạng mục xây kè khu hồ Làng, thôn Đại Cát, xã Liên Mạc (nay là phường Liên Mạc) thì Công ty TNHH Xây dựng và Du lịch Tiền Phong đã không sử dụng biện pháp cừ Larsen như thiết kế mà thống nhất thay bằng biện pháp thi công khác. Để thanh toán được tiền, trong từng giai đoạn thi công, Công ty Tiền Phong đã lập khống hồ sơ biện pháp thi công dùng cừ Larsen, đề nghị Kho bạc Từ Liêm thanh toán 03 lần với tổng số tiền 2.292.587.263.

Công văn số 6863 ngày 03/11/2016 của Cơ quan Cảnh sát điều tra của Công an TP Hà Nội

Việc thanh quyết toán công trình diễn ra từ lâu nhưng đến ngày 08/6/2015, khi trả lời chất vấn đại biểu HĐND phường về vấn đề này bằng văn bản, Chủ tịch UBND phường Liên Mạc Lê Mạnh Thiết vẫn khẳng định: “Khi thanh quyết toán công trình UBND xã không thanh quyết toán phần cọc Laxen cho đơn vị thi công”.

Do không tin, công dân tiếp tục tố giác mới thu hồi được khoản tiền lớn về cho ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, ông Lê Mạnh Thiết không hề bị kỷ luật bất kỳ hình thức nào về mặt chính quyền vì hết thời hiệu xử lý.

Không một cá nhân nào bị xử lý qua vụ việc này. Còn người tố cáo cũng không nhận được bất kỳ một hình thức động viên nào dù trước đó đã bị đe dọa tinh thần, tính mạng bằng nhiều hình thức như: Đốt lều trông bưởi, vặt bưởi sắp đến mùa thu hoạch và thậm chí còn bị ném cả bom xăng tự tạo vào nhà.

Rõ ràng đang có một thủ đoạn tương đối giống nhau xảy ra tại các công trình xây dựng trên địa bàn huyện Từ Liêm cũ (nay là quận Bắc Từ Liêm). Hiện tượng này đã không còn là đơn lẻ nhưng hình thức xử lý rất thiếu hiệu quả, thậm chí còn có dấu hiệu giảm nhẹ, che chắn.

Đã đến lúc rất cần các cơ quan kiểm toán, thanh tra hữu quan tiến hành kiểm toán, thanh tra lại các công trình xây dựng có vốn ngân sách trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm. Đặc biệt, cần thiết cơ quan Công an Hà Nội phải có chuyên án tập trung tìm hiểu rõ thủ đoạn lập khống hồ sơ để rút tiền ngân sách tại các công trình xây dựng ở đây.

Đã đến lúc phải tìm ra đằng sau những kết luận tố cáo lảng tránh nội dung tố cáo, tưởng tượng ra nội dung tố cáo không có để tránh phải làm rõ những nội dung tố cáo then chốt của công dân, che chắn, giảm tránh cho sai phạm kiểu như Kết luận 93/KL-UBND của Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm thực chất đang che chắn cho cái gì ở phía sau?

Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng của Hà Nội và quận Bắc Từ Liêm để thông tin đến quý độc giả những thông tin mới nhất.

 

Nhóm PVPL