Sao không truy đến cùng trách nhiệm

Tuy nhiên, không vì thế mà Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm cho làm rõ các góc khuất của sai phạm. Thế nên, công dân cho rằng có dấu hiệu bao che sai phạm.

Thứ nhất, trong các nội dung mà cử tri tố cáo, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm “bỏ qua” một nội dung rất quan trọng là dấu hiệu thông thầu với bằng chứng rất rõ nét là khi phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật là cát vàng nhưng khi chào thầu thì lại là cát đen mà vẫn trúng thầu và thanh quyết toán “êm ru”; không có sửa đổi hồ sơ mời thầu.

Thứ hai, chất lượng bê tông các tấm đan kém khiến sắt trơ ra cũng bị bỏ qua không xem xét trong khi trên thực tế những đầu sắt như chông chồi lên trên mặt tấm đan hoặc sắt gỉ sét nổ bung dưới bụng các tấm đan.

Cả hai nội dung trên đều được ghi rõ trên biên bản làm việc với Thanh tra nhưng lại dễ dàng bị bỏ qua.

Thứ ba, trong Kết luận 93/KL-UBND, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm cho rằng Công ty Cổ phần Đầu tư, thương mại tổng hợp và kinh doanh bất động sản đã đục khe thoát nước giữa các tấm đan, trát lại hố ga và các đoạn rãnh chưa đạt yêu cầu theo chỉ đạo trước đây của UBND huyện Từ Liêm là không đúng.

Cuối cùng, về hạng mục thiếu cổ rãnh, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm cho rằng, qua xác minh cho thấy, tại hồ sơ thiết kế được phê duyệt, phần rãnh thoát nước có cổ rãnh bằng bê tông với khối lượng 42,509m3 bê tông và 60,78m2 ván khuôn.

Kiểm tra thực tế nhà thầu thi công có thi công cổ rãnh thoát nước nhưng đã tự ý thay đổi biện pháp thi công mà không báo cáo xin ý kiến của chủ đầu tư: Không lắp ván khuôn để đổ bê tông cổ rãnh mà đổ tràn bê tông mặt đường phần cổ rãnh phía trên với khối lượng 30,072m3 bê tông và xây gạch phần cổ rãnh phía dưới (xây theo thành rãnh thoát nước) với khối lượng xây 12,437m3. Giá trị chênh lệch giữa đổ bê tông toàn bộ cổ rãnh và xây gạch một phần cổ rãnh là 18.673.000 (giá trị bê tông và ván khuôn 33.816.000 - giá trị gạch 15.143.000), song chủ đầu tư dự án và nhà thầu thi công vẫn lập hồ sơ thanh quyết toán theo hồ sơ thiết kế là chưa đúng quy định.

Việc lập luận này của Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm chưa đúng với thiết kế bởi chiều dày của bê tông đường là 25cm trong khi đó độ dày của bê tông cổ rãnh chỉ là 20cm.

Nếu lập luận như Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm đưa ra tại Kết luận 93/KL-UBND thì lộ ra 2 nội dung sai phạm nữa là: (i) Chiều cao của rãnh bị thiếu hụt so với thiết kế nếu một phần chiều dày của đế gạch của rãnh xây được tính vào phần cổ rãnh phía dưới và (ii) lớp bê tông phía trên của đường được tính vào phần cổ rãnh phía trên sẽ dẫn đến thiếu khối lượng bê tông mặt đường và chiều dày mặt đường mỏng hơn thiết kế.

Ngoài ra, việc không đổ cổ rãnh đúng kỹ thuật còn làm toàn bộ bê tông của mặt đường bít vào tấm đan không có khe hở 2 phân mỗi bên như thiết kế dẫn đến khó thoát nước và cực kỳ khó cậy tấm đan lên để thu dọn rác và bùn dưới đáy rãnh.

Trên thực tế, nhiều người dân đã phải thuê máy đục công nghiệp về phá mặt đường để cậy tấm đan lên. Đúng ra phải thi công lại toàn bộ hệ thống tấm đan và cổ rãnh. Như vậy, nếu cho rằng có thi công cổ rãnh thì tại sao Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm lại bỏ sót sai phạm về độ dày của mặt đường và hụt chiều cao của rãnh theo thiết kế?

Ngoài ra, với tư cách là người đại diện quản ngân sách Nhà nước tại địa phương nhưng khi kết luận để thu hồi tiền sai về cho ngân sách Nhà nước thì từ Chủ tịch huyện Từ Liêm Lê Văn Thư đến Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Đỗ Mạnh Tuấn đều “quên” chi phí nhân công cấu thành trong các hạng mục thi công mà đơn vị thi công đã ăn bớt trong các hạng mục khi thi công không đúng thiết kế hoặc thậm chí không hề thi công gì. Tại sao không truy rõ nhằm thu hồi về cho ngân sách mà chỉ tính đến mỗi khối lượng vật tư là một biểu hiện nương nhẹ và sợ làm “đau” đơn vị thi công? Đặc biệt, hồ sơ bị làm sai với thực tế tại nhiều hạng mục nhưng không truy đến cùng trách nhiệm của ai là người khởi tạo chủ mưu và ai là người liên quan đến các hồ sơ có các hạng mục sai thực tế như vậy?

Đó là biểu hiện, công dân cho rằng, rất rõ ràng cho việc bao che sai phạm.

Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm đang “soạn lại bổn cũ”?

Công dân băn khoăn: Ông Đỗ Mạnh Tuấn, Chủ tịch quận Bắc Từ Liêm  và bà Hoàng Thị Thủy - Chánh Thanh tra quận Bắc Từ Liêm thực sự là “vị cứu tinh” của ông Nguyễn Ngọc Nam - nguyên Chủ tịch UBND phường Thụy Phương?

Tháng 5/2015, công dân có đơn tố cáo ông Nguyễn Ngọc Nam với một loạt sai phạm.

Chánh Thanh tra Hoàng Thị Thủy là người đại diện cho UBND quận làm việc với người tố cáo. Các nội dung tố cáo được ghi rõ ràng, rành mạch bằng văn làm việc.

Ngày 15/5/2015, trong biên bản làm việc giữa bà Thủy và người tố cáo có ghi rõ: “2.4.Giáp trục đường 123 tổ dân phố Đông Sen, HTX Hải Phong đã xây dựng một số ki ốt trên đất nông nghiệp để cho thuê và trong khuôn viên HTX Hải Phong đã cho một số công ty thuê, xây dựng công trình trái phép”.

Ngày 10/12/2015, UBND quận Bắc Từ Liêm đã ban hành Kết luận số 82/KL-UBND, trong đó nội dung trên đã chuyển thành “tố cáo ông Nguyễn Ngọc Nam để HTX Hải Phong xây dựng ki ốt ven đường 123 trên đất nông nghiệp để cho thuê và cho thuê nhà xưởng, kho bãi trái phép”.

Như vậy, kết luận đã bỏ hẳn nội dung “xây dựng công trình trái phép” trong khuôn viên trụ sở HTX Hải Phong rồi đưa vào một nội dung mà công dân không tố cáo là “cho thuê nhà xưởng, kho bãi trái phép” theo kiểu tự tưởng tượng.

Biên bản mà các công dân làm việc với bà Hoàng Thị Thủy năm 2015 và 2018

Ngay sau khi Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm ban hành Kết luận số 82/KL-UBND ngày 10/12/2015 (sau đây gọi tắt là Kết luận 82), người tố cáo đã có văn bản phản hồi đồng thời gửi kèm Biên bản làm việc ngày 15/5/2015 với Thanh tra quận Bắc Từ Liêm.

Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm chỉ đạo cho Văn phòng và Thanh tra quận đồng loạt ký văn bản gửi người tố cáo nêu rõ UBND quận giữ nguyên quan điểm trong Kết luận số 82 mặc dù trước đó người tố cáo đã cung cấp đầy đủ hình ảnh chụp để chứng minh những sai phạm rõ ràng tại khuôn viên HTX Hải Phong về hàng loạt công trình xây dựng trái phép, không phép.

Đó là hành vi cố tình bao che cho sai phạm nhằm “tiếp sức” cho người sai phạm là ông Nguyễn Ngọc Nam tiếp tục được cơ cấu vào cấp ủy và ứng cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Sự lộ liễu này còn thể hiện rõ sau khi ban hành Kết luận 82, theo quy định, trong vòng 4 tháng phải tiến hành xử lý kỷ luật cán bộ nhưng thực tế Chủ tịch quận Bắc Từ Liêm không làm để ông Nguyễn Ngọc Nam tiếp tục được cơ cấu ứng cử và bầu vào vị trí Phó Bí thư Thường trực phường Thụy Phương.

Hai năm sau, khi sai phạm của ông Nguyễn Ngọc Nam được Chủ tịch UBND TP xem xét để ra kết luận, ngay lập tức, ông Đỗ Mạnh Tuấn ban hành Kết luận số 60/KL-UBND ngày 25/5/2017 thừa nhận nội dung “xây dựng công trình trái phép” trong khuôn viên HTX Hải Phong mà công dân tố cáo từ 2 năm trước là có cơ sở, trong đó có trách nhiệm của ông Nguyễn Ngọc Nam.

Tuy nhiên, trả lời công dân về vấn đề kỷ luật cán bộ, ông Tuấn cho biết, đã hết thời hiệu 2 năm để tiến hành xử lý kỷ luật ông Nguyễn Ngọc Nam theo quy định của Nghị định 34/2011/NĐ-CP.

Lãnh đạo quận Bắc Từ Liêm đã thay đổi nội dung tố cáo của công dân, tưởng tượng ra nội dung tố cáo không có, “ngâm” hồ sơ tố cáo suốt 2 năm ở lần giải quyết trước rồi lại phớt lờ nhiều nội dung tố cáo quan trọng của công dân trong kết luận lần này liệu chỉ nhằm mục đích giúp ông Nguyễn Ngọc Nam lẩn trốn pháp luật hay ẩn giấu đằng sau nó là một nhóm lợi nào đó hay một thủ đoạn nào đó cần phải che giấu? Chúng tôi sẽ làm rõ trong các bài viết tiếp theo.

Bài 3: Kiểm điểm rút kinh nghiệm chỉ tăng độ “trơ lì” trong các sai phạm sau?