Theo số liệu thống kê, năm 2022, mặc dù đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng Công ty Cổ phần DAP- Vinachem đã sản xuất và cung ứng ra thị trường 186.000 tấn phân bón DAP, doanh thu đạt trên 3.300 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 379,3 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước đạt trên 100 tỷ đồng.

Nhiều năm qua, công ty đóng vai trò là trụ cột của nghành sản xuất phân bón DAP của Việt Nam. Tại những thời điểm khan hàng, sốt giá, công ty đã tập trung gia tăng sản lượng tiêu thụ tại thị trường nội địa với giá bán thấp hơn giá nhập khẩu, góp phần điều tiết và bình ổn thị trường phân bón, đây là một trong những đóng góp quan trọng cho sự phát triển ngành nông nghiệp và nền sản xuất tự chủ của đất nước trong thời gian qua.

Quá trình sản xuất, Công ty Cổ phần DAP - Vinachem có nhiều giải pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường. Thế nhưng, khó khăn vướng mắc nhiều năm nay là xử lý lượng thạch cao PG phát sinh từ sản xuất.

Theo số liệu thống kê, Nhà máy sản xuất phân bón DAP Đình Vũ  tại Khu công nghiệp Đình Vũ hàng năm phát sinh lượng bã thạch cao PG khoảng 350.000 tấn - 450.000 tấn.

Được biết, từ năm 2017, Nhà máy chế biến thạch cao PG làm phụ gia xi măng đã đi vào vận hành, đến nay đã đi vào vận hành ổn định. Tổng lượng thạch cao PG tiêu thụ đã cân bằng và lớn hơn so với lượng thải phát sinh, đạt được mục tiêu khống chế không làm tăng thêm quy mô về diện tích và chiều cao của bãi chứa thạch cao PG. Do vậy, khu vực bãi chứa còn tồn khoảng 3,5 triệu tấn thạch cao PG hiện đang được Công ty Cổ phần DAP – Vinachem tập trung tìm giải pháp xử lý.

Để tăng cường thêm giải pháp tiêu thụ thạch cao, nhằm giảm lượng tồn trữ tại bãi chứa, Công ty Cổ phần DAP- Vinachem đã hợp tác với Viện Vật liệu xây dựng, thực hiện đề tài nghiên cứu chế biến bã thải thạch cao của Công ty Cổ phần DAP-Vinachem làm vật liệu san nền.

Đến năm 2019, công tác nghiên cứu giai đoạn 1 trong phòng thí nghiệm đã hoàn thành và đã được Hội đồng khoa học nghiệm thu thông qua báo cáo kết quả của đề tài.

Để các cơ quan quản lý nhà nước có thêm cơ sở ban hành văn bản chấp thuận phương án kỹ thuật “việc sử dụng bã thạch cao PG làm vật liệu san lấp, móng đường giao thông”, từ năm 2021, công ty đã tiếp tục phối hợp với Viện Vật liệu xây dựng và một số đơn vị có lượng tồn dư thạch cao PG trong nước triển khai thực nghiệm tại hiện trường.

Hiện nay, công tác thi công tại hiện trường đã hoàn thành, đã thực hiện quy trình theo dõi đánh giá cho kết quả tốt.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh Hội thảo khoa học “Giải pháp xử lý, tiêu thụ bã thạch cao PG tại Nhà máy sản xuất phân bón DAP – Vinachem, Khu công nghiệp Đình Vũ, Hải Phòng"

Sau khi có văn bản chính thức của cơ quan quản lý nhà nước cho phép chế biến, sử dụng thạch cao PG làm vật liệu san nền, móng đường giao thông, khi đó sẽ triển khai ứng dụng cho các công trình xây dựng, san lấp mặt bằng trong khu vực Đình Vũ – Cát Hải, tiến tới mục tiêu giải phóng dần lượng thạch cao tồn trữ tại bãi chứa của công ty.

Mới đây, Vụ Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng và Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng vừa đồng chủ trì tổ chức Hội thảo khoa học “Giải pháp xử lý, tiêu thụ bã gyps (thạch cao PG-PV) tại Nhà máy sản xuất phân bón DAP – Vinachem, Khu công nghiệp Đình Vũ, Hải Phòng" tại Hải Phòng.

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần DAP –Vinachem phát biểu tại Hội thảo

Tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần DAP –Vinachem đã kiến nghị Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sớm ban hành tiêu chuẩn, hoặc văn bản chỉ dẫn, cho phép chế biến, sử dụng bã thạch cao PG làm vật liệu san nền, móng đường giao thông, đồng thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương sử dụng vật liệu có nguồn gốc từ bã thải tro, xỉ, thạch cao góp phần giải quyết lượng tồn dư theo Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 26/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, ông Nguyễn Ngọc Sơn kiến nghị các Bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu tham mưu Chính phủ đề xuất các chính sách ưu đãi về miễn giảm thuế VAT; miễn thuế xuất khẩu đối với sản phẩm chế biến từ thạch cao PG; xem xét điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu thạch cao tự nhiên để thúc đẩy việc sử dụng các sản phẩm thạch cao tái chế của các nhà máy sản xuất phân bón, hóa chất, nhiệt điện trong nước, để góp phần hiện thực hóa chủ trương phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn của Đảng và Chính phủ.

Thanh Hoa