Đây là sự cố nguy hiểm, xuất hiện trong mùa mưa lũ năm nay đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn đến tính mạng, tài sản và tuyến đê sông Mã, đoạn qua xã Hoằng Đại, TP Thanh Hóa.

Sự cố xảy ra là do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung Trung Bộ nối với cơn bão số 4 nên từ ngày 28/9 đến 4/10 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có mưa to và rất to, gây nên một đợt lũ lớn trên một số con sông địa bàn tỉnh.

Trong thời gian mưa lũ này đã xảy ra sự cố sụt lún mái đê phái sông Mã đoạn từ Km 49+950 - Km 50+950 đê tả sông Mã, xã địa phận xã Hoằng Đại, TP Thanh Hóa với tổng chiều dài khoảng 1.000m. Vị trí sụt lún sâu đoạn từ Km 49+950 - Km50+010 dài khoảng 60m xảy ra ngày 1/10/2022;  đoạn từ Km 50+200 - Km +280 dài 80m xảy ra ngày 4/10/2022. Điểm sụt lún sâu nhất 1,3m, sát chân đê là mương tiêu.

Ngay sau khi phát hiện sự cố, có nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân và tuyến đê, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã giao Chi cục Thủy lợi phối hợp với UBND TP Thanh Hóa huy động lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ để khắc phục kịp thời sự cố nêu trên. Đồng thời, cắm biển cảnh báo và phân luồng giao thông ngăn cấm xe ô tô tại chạy trên đường đê đoạn xảy ra sự cố; thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố, phương án phòng chống lụt bão, đảm bảo an toàn cho tuyến đê trong mùa mưa lũ năm 2022.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cho biết: Để đảm bảo ổn định, an toàn lâu dài cho tuyến đê tả sông Mã, xã Hoằng Đại, TP Thanh Hóa, bảo vệ tính mạng, tài sản trực tiếp cho 5 xã giáp đê vùng tả ngạn sông Mã với dân số khoảng 29.000 người gồm Hoằng Đại, Hoằng Trạch, Hoằng Tân, Hoằng Châu, Hoằng Phong. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh cho chủ trương cần có biện pháp công trình gia cố chân kè lát mái đê phía sông, tránh tình trạng đáng tiếc có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Được biết, mặt cắt, cao trình vị trí đê xảy ra sự cố mặt đê rộng 6m, được cứng hóa bê tông năm 2018; cao trình đỉnh đê +5.90 (thiếu 0,15cm so với cao trình đê thiết kế theo quy hoạch phòng chống lũ). Cao trình chân đê phía đồng +1,9m, cao trình chân đê phía sông + 2,67m. Mực nước lũ lịch sử là 4,98m năm 2007.

Văn Thanh