Chiều ngày 16/6, tại phiên bế mạc, Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết kỳ họp 3, Quốc hội khóa XV.

Đưa sách giáo khoa vào danh mục do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật Giá

Tại nghị quyết này, Quốc hội yêu cầu, triển khai có hiệu quả, trong đó tăng cường công tác tuyên truyền về triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; đổi mới căn bản và toàn diện phương pháp dạy và học, đặc biệt môn học Lịch sử; nghiên cứu tiếp thu ý kiến cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội về môn học Lịch sử là môn học bắt buộc trong Chương trình Giáo dục cấp trung học phổ thông; kiểm soát chặt chẽ việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa.

Bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật Giá.

“Trước mắt, Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan có biện pháp hạ giá thành sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá sách giáo khoa đối với học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nghiêm túc thực hiện đúng các quy định về tài liệu tham khảo, tránh lãng phí”, Quốc hội quyết nghị.

Liên quan đến sách giáo khoa, trước khi Quốc hội biểu quyết, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, có ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc thể hiện nội dung “nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi Luật Giá theo hướng bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá” vì Luật Giá đã xác định rất rõ danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, theo quy định của Luật Giá, sách giáo khoa không phải là mặt hàng mà Nhà nước định giá. Tuy nhiên, mục tiêu điều tiết về giá sách giáo khoa theo quy định hiện hành không thực sự hiệu quả, đòi hỏi có giải pháp phù hợp nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu về an sinh xã hội và công bằng giữa các nhà xuất bản.

“Việc sửa đổi Luật Giá là vấn đề cần đặt ra”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định.

Tháo gỡ vướng mắc, bất cập để đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế

Vấn đề nữa, theo nghị quyết, Quốc hội yêu cầu tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình Phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát và tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 30 các chính sách phòng, chống dịch COVID-19 để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Quốc hội yêu cầu thực hiện ngay việc chi trả hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ y tế tham gia phòng, chống dịch.

Cạnh đó, sớm có biện pháp ổn định tổ chức bộ máy và tâm lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong ngành Y tế từ Trung ương đến địa phương trong bối cảnh có nhiều trường hợp bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân; tháo gỡ các vướng mắc, bất cập để triển khai đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị vật tư y tế.

Tại kỳ họp này, trên cơ sở đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã đồng ý bổ sung nội dung bất thường về công tác nhân sự vào chương trình kỳ họp và đã thực hiện các thủ tục theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, ban hành nghị quyết bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế đối với ông Nguyễn Thanh Long vì đã có những sai phạm nghiêm trọng trong vụ án Công ty Việt Á.

Hoàn thành dự án đường Hồ Chí Minh vào năm 2025, kéo dài thời gian xử lý nợ xấu

Quốc hội yêu cầu đến năm 2025, hoàn thành dứt điểm việc đầu tư xây dựng các đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn và Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận theo quy mô 2 làn xe bằng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã bố trí cho Bộ Giao thông Vận tải, cơ bản nối thông đường Hồ Chí Minh trên cơ sở sử dụng Quốc lộ 32 và Quốc lộ 21.

Kết thúc dự án đường Hồ Chí Minh theo quy mô 2 làn xe, hoàn thành kiểm toán, quyết toán và tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 66, báo cáo Quốc hội vào năm 2026.

Triển khai ngay công tác chuẩn bị đầu tư đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến thuộc dự án thành phần Đoan Hùng - Chợ Bến trong năm 2022 - 2023, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật.

Quốc hội cũng thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng từ ngày 15/8/2022 đến hết ngày 31/12/2023.

Chính phủ được giao nghiên cứu, đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cùng với việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng; trình Quốc hội xem xét chậm nhất tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).

Hương Giang