Tôn giáo - nguồn lực xã hội quan trọng

Trên thực tế, với hơn 26 triệu tín đồ các tôn giáo, chiếm 27% dân số Việt Nam - tỷ lệ khá lớn trên quy mô dân số, đồng bào các tôn giáo là lực lượng sản xuất đông đảo, tham gia vào tất cả các thành phần kinh tế, đã và đang trực tiếp tạo ra của cải vật chất, không chỉ phục vụ đời sống gia đình mà còn cùng với các thành phần xã hội khác đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Kinh tế phát triển, đồng bào có đạo có điều kiện đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và nhiều công trình công cộng khác.

Bên cạnh đó, các tổ chức tôn giáo cũng đóng góp nguồn lực quan trọng, đồng hành cùng các cấp chính quyền trong công tác an sinh xã hội, giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo.

Theo báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ, chỉ riêng trong lĩnh vực y tế, hiện có trên 500 cơ sở y tế, phòng khám chữa bệnh từ thiện do các tổ chức tôn giáo thành lập dưới nhiều hình thức. Kinh phí tổ chức do tổ chức, cá nhân tôn giáo đóng góp để thực hiện các hoạt động này lên đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Các tổ chức tôn giáo cũng đã chi hàng nghìn tỷ đồng cho hoạt động của các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế, cơ sở bảo trợ xã hội và các hoạt động từ thiện nhân đạo...

Đặc biệt, trong 2 năm 2020 - 2021, khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu và tại Việt Nam, chức sắc, chức việc, đồng bào các tôn giáo ủng hộ hàng chục tỷ đồng cho Quỹ Vắc-xin, hàng trăm tỷ đồng cho Quỹ Phòng, chống Covid-19 ở Trung ương và địa phương; cử trên 3.000 tình nguyện viên tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống dịch; tặng 24 xe cứu thương, nhiều trang thiết bị, vật tư y tế cho các vùng dịch và triển khai hàng nghìn tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện nhân đạo, an sinh xã hội…

Tại Hội nghị Biểu dương các tổ chức tôn giáo có đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (tổ chức ngày 30/8/2022 ở TP HCM), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định, trong suốt tiến trình đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước và xây dựng Tổ quốc Việt Nam, hàng chục nghìn chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo đã tham gia các đoàn thể, tổ chức xã hội, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.  “Tôn giáo luôn sát cánh, đồng hành cùng đất nước, cùng dân tộc trong mọi khó khăn, thách thức, thời cơ và thuận lợi" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm với các chức sắc và đại diện các tổ chức tôn giáo tham dự hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trên hết, nói như TS Lê Thị Liên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ, tôn giáo với nguồn lực tinh thần là giá trị đạo đức, văn hóa tôn giáo, được thể hiện trong hệ thống triết lý, giáo lý, những điều răn có vai trò quan trọng trong bồi bổ, giữ gìn và phát huy giá trị đạo đức, văn hóa Việt Nam, bởi tôn giáo khuyên răn con người hướng thiện, "làm lành, lánh dữ"; biết sống vì cộng đồng, đề cao đạo làm người, trân trọng các mối quan hệ gia đình, cộng đồng, tránh xa các tệ nạn xã hội, các biểu hiện tiêu cực...

Cần cơ chế, chính sách, quy định phù hợp

Tôn giáo đã thực sự là nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, và nếu phát huy nguồn lực ấy một cách hiệu quả hơn nữa, như nhìn nhận của TS Lê Thị Liên cho rằng, trước hết phải nhìn nhận đúng, phải coi đây thực sự là một nguồn lực quan trọng, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, theo đúng tinh thần Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10/1/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới. 

“Việc phát huy nguồn lực các tôn giáo vào tham gia xã hội hóa các hoạt động y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, dạy nghề, an sinh xã hội, phòng chống đại dịch Covid-19... với sự giám sát, quản lý, hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, của Mặt trận theo quy định của pháp luật sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng cho các cơ sở của Nhà nước, giảm bớt gánh nặng từ ngân sách...

Bên cạnh đó, việc hướng dẫn, tạo điều kiện để các tôn giáo tham gia xã hội hóa, cung ứng dịch vụ công sẽ tạo ra sự cạnh tranh về chất lượng phục vụ giữa các tổ chức cung ứng khác nhau, thúc đẩy sự công khai, minh bạch trong hoạt động an sinh xã hội và người dân sẽ có lợi trong việc lựa chọn chất lượng các chủ thể tham gia cung ứng các loại dịch vụ này. Qua đó góp phần tích cực cùng Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam chăm lo, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh”, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương (UBTƯ) MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực nhấn mạnh Hội thảo khoa học “Phát huy nguồn lực của các tôn giáo ở Việt Nam tham gia các hoạt động an sinh, xã hội góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. 

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, do chủ trương phát huy nguồn lực các tôn giáo của Đảng ta mới ban hành nên việc nhận thức và vận dụng vào thực tiễn còn bất cập. Việc thể chế hóa thành các chính sách, pháp luật cụ thể còn chậm nên việc phát huy nguồn lực các tôn giáo tham gia các hoạt động xã hội còn có bất cập, vướng mắc, hạn chế.

Cũng theo các chuyên gia, từ khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo số 02/2016/QH14 có hiệu lực, dù pháp luật đã cho phép các tổ chức tôn giáo được tham gia các hoạt động dịch vụ xã hội, nhưng hiện tại, các hoạt động hướng đến xã hội của các tổ chức tôn giáo vẫn chỉ dừng lại ở mệnh đề “khuyến khích”, thiếu một “hành lang pháp lý” để được phép hoạt động có quy mô, nên nguồn lực của tôn giáo chưa được khai thông, cũng làm cho tôn giáo khó phát huy hết mọi năng lực của mình khi tham gia vào dịch vụ xã hội như bảo hiểm, bảo trợ, giáo dục, y tế...

“Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã quy định về hoạt động từ thiện, nhân đạo của các tôn giáo, tuy nhiên vẫn chỉ dừng lại ở mệnh đề “được tham gia”. Điều này khiến nguồn lực của tôn giáo chưa được khai thông, các tổ chức tôn giáo khó phát huy hết tiềm năng, nội lực khi tham gia các hoạt động bảo trợ xã hội, giáo dục, y tế, từ thiện... Chưa kể, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam cũng chưa có cơ hội, bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ hay các tổ chức quốc tế trong việc triển khai thực hiện các hoạt động xã hội. Các tổ chức pháp nhân khác cũng chưa tiến tới và sẵn sàng hợp tác hay là đối tác với các tổ chức tôn giáo trong thực hiện các dự án kinh tế, xã hội”, PGS.TS Đỗ Lan Hiền - Viện trưởng Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, lấy ví dụ.

leftcenterrightdel
 Giáo hội Phật Giáo Lâm Đồng đã tích cực ủng hộ Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh và Quỹ Vì người nghèo

Vì thế vấn đề đặt ra là làm thế nào để phát huy hiệu quả, “tối ưu hóa nguồn lực tôn giáo” vào sự phát triển của đất nước?

Theo TS Lê Thị Liên, để huy động hiệu quả nguồn lực của các tôn giáo, cần hiểu rõ từng tôn giáo và thế mạnh của tôn giáo ấy. Ví dụ, có tôn giáo có nguồn lực bền vững, có tôn giáo có nguồn lực ở mức độ vừa phải, có tôn giáo với nguồn lực đủ mạnh để tham gia vào hệ thống an sinh xã hội của đất nước, thậm chí với tư cách là chủ đầu tư, quản lý, nhưng cũng có tôn giáo hoạt động ở mức độ từ thiện, nhân đạo… Như vậy, cần đánh giá đúng để có lộ trình pháp lý trong công tác tham mưu ban hành chính sách phù hợp.

Còn PGS.TS Nguyễn Thanh Xuân, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tôn giáo Chính phủ, Thành viên Hội đồng Tư vấn Tôn giáo, UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, trong thực tế, có hai lĩnh vực mà tôn giáo có nguồn lực, tiềm lực rất lớn là y tế và giáo dục.

Tuy nhiên việc phát huy nguồn lực các tôn giáo tham gia các hoạt động an sinh xã hội hiện nay vẫn còn khá dè dặt, e ngại. Bởi vậy, ông Nguyễn Thanh Xuân đề xuất phải thế chế hóa và có cơ chế hướng dẫn, điều chỉnh theo pháp luật để các tôn giáo tham gia vào các lĩnh vực có tiềm năng là y tế và giáo dục.

Theo đó, việc điều chỉnh Luật Giáo dục và Luật Khám chữa bệnh phải cụ thể hóa điều này với các thông tư hướng dẫn, văn bản liên ngành để hướng dẫn, định lượng các tôn giáo tham gia vào các lĩnh vực y tế, giáo dục đến đâu. “Nếu không cụ thể hóa thì việc phát huy nguồn lực các tôn giáo tham gia các hoạt động an sinh xã hội chỉ là khẩu hiệu”, PGS.TS Nguyễn Thanh Xuân nói.

Bàn về việc phát huy nguồn lực tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, PGS.TS Đỗ Lan Hiền, Viện Nghiên cứu Tôn giáo và Tín ngưỡng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chỉ rõ: Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam chưa có cơ hội, bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ hay các tổ chức quốc tế trong việc triển khai thực hiện các hoạt động xã hội. Các tổ chức pháp nhân khác cũng chưa tiến tới và sẵn sàng hợp tác hay là đối tác với các tổ chức tôn giáo trong thực hiện các dự án kinh tế, xã hội, tạo nên một định kiến của cộng đồng từ lâu vốn đã e dè đối với các dịch vụ xã hội do tư nhân hoặc do tổ chức tôn giáo thực hiện, mặc dù tôn giáo hoạt động cần mẫn, tận tâm trong công tác dịch vụ xã hội.

Vì thế, tại Hội thảo khoa học “Phát huy nguồn lực của các tôn giáo ở Việt Nam tham gia các hoạt động an sinh, xã hội góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, TS Hoàng Văn Chung, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đặt vấn đề: Cần có những đổi mới về cơ chế để tạo điều kiện tốt hơn cho tôn giáo tham gia hoạt động vì an sinh xã hội.

Theo TS Hoàng Văn Chung, cần bình thường hóa việc tôn giáo tham gia vào các lĩnh vực dân sự: Làm kinh tế, giáo dục- đào tạo, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường, xóa đói, giảm nghèo. Theo đó, các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh do tôn giáo thành lập có thể tham gia các lĩnh vực này, bình đẳng với các loại hình tổ chức, doanh nghiệp dân sự khác.

TS Hoàng Văn Chung cũng đề xuất cần xây dựng cơ chế thông thoáng cho việc thành lập các tổ chức phi chính phủ dựa trên niềm tin tôn giáo để thu hút các nguồn lực và làm từ thiện.

Còn ThS Hoàng Bá Hai, Phó Vụ trưởng Vụ Tôn giáo, Ban Dân vận Trung ương, để khắc phục những bất cập và phát huy nguồn lực tôn giáo, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cần được bổ sung theo hướng cụ thể, rõ các lĩnh vực mà tôn giáo được tham gia; đảm bảo đồng bộ với các luật chuyên ngành như Luật Dạy nghề, Luật Khám chữa bệnh, Luật Giáo dục, Luật Đất đai, Luật Xây dựng…

PGS.TS Nguyễn Hồng Dương, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cũng bày tỏ quan điểm: Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, có nói đến vấn đề nguồn lực tôn giáo. Thiết nghĩ, để phát huy được những nguồn lực này, cần phải có quan điểm và chính sách phù hợp, làm sao phải tạo điều kiện để cho các tôn giáo phát huy một cách tối đa nguồn lực của mình vào việc phát triển, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

"Để thể chế hóa quan điểm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là “phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”, cử tri chức sắc và tín đồ tôn giáo đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan chức năng tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về tôn giáo; bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến y tế, giáo dục, văn hóa, an sinh xã hội để các tôn giáo có thể tham gia, thực sự là một trong những nguồn lực góp phần xây dựng và phát triển đất nước bền vững"-  đề nghị của đại biểu Quốc hội, Thượng tọa Thích Đức Thiện (Điện Biên) có lẽ là vấn đề cần được các cơ quan chức năng lắng nghe và tháo gỡ.

Một điều rất đáng mừng là tại Hội nghị Biểu dương các tổ chức tôn giáo có đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nhân kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (2/9/1945 - 2/9/2022) ngày 30/8/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan tham mưu với Đảng, Nhà nước để hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo; huy động, phát huy mọi nguồn lực của tôn giáo trong xây dựng và phát triển đất nước.

MTTQ Việt Nam, các cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố tăng cường vận động, thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các tôn giáo; tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động thuận lợi trong khuôn khổ của pháp luật và thực hiện phương châm “tốt đời, đẹp đạo”.

Xin khép lại bài viết này bằng nhìn nhận của TS Lê Thị Liên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ: “Khi chúng ta đánh giá khách quan về hoạt động tôn giáo thì chúng ta sẽ ứng xử phù hợp. Khi ứng xử phù hợp, chúng ta sẽ có những cơ chế, chính sách phù hợp, từ đó khơi thông nguồn lực tôn giáo và phát huy được nguồn lực tôn giáo vào quá trình xây dựng, phát triển đất nước. Đồng thời chúng ta cũng khẳng định giá trị của tôn giáo trong lòng xã hội”.

Hồng Sâm