Sáng ngày 22/5, QH thảo luận trực tuyến dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.

Kiểm soát đầu tư nước ngoài liên quan an ninh quốc phòng

Cho ý kiến, ĐB Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) kiến nghị, sang năm có thể giao cho Chính phủ hay cơ quan của QH nghiên cứu để ban hành Luật An ninh về kinh tế.

Theo ĐB Vân, hiện có nhiều nguy cơ. Trong đó, có nguy cơ về chủ quyền quốc gia bị xâm phạm do các hoạt động kinh tế, thiết lập kinh tế đối ngoại; nguy cơ bất ổn về cân đối vĩ mô, thông qua các chỉ số về tăng trưởng, đầu tư công, an toàn và chính sách tài khóa; nguy cơ về tham nhũng thông qua dự án hợp tác quốc tế; nguy cơ về tham nhũng từ chính sách, đầu tư thông qua quy hoạch đất đai.

Nguy cơ an ninh về môi trường thông qua các dự án hợp tác đầu tư với nước ngoài, đặc biệt các khu công nghệp, xả thải, đe dọa môi trường sống.

Thêm vào đó, lại có nguy cơ an ninh về văn hoá; tác động từ toàn cầu hoá sau dịch bệnh Covid-19, thế giới đang được vẽ lại bản đồ về chính trị kinh tế, lỗ hổng buộc các quốc gia thắt chặt an ninh kinh tế, bảo đảm nội lực, tác động xấu về ngoại lực, phá vỡ liên kết giữa các quốc gia.

ĐB đoàn Cà Mau nhận định, Luật An ninh về kinh tế có thể tổng hợp các giải pháp, mang tính tố tụng về kinh tế, để chế định tất cả vấn đề mang tính nguyên tắc nhất, xử lý vi phạm an ninh kinh tế.

Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh), vấn đề kiểm soát hoạt động đầu tư nước ngoài liên quan an ninh quốc phòng đang được nhân dân rất quan tâm.

"Vừa rồi nổi lên pháp luật đang có chỗ trống, khi nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng sơ hở này. Có thể mục đích chưa chắc xâm phạm chủ quyền nhưng không loại trừ thế lực thù địch lợi dụng, tạo ra nguy cơ", ông Nghĩa nói.

ĐB đoàn TP Hồ Chí Minh dẫn chứng về báo cáo Bộ Quốc phòng được tất cả nhân dân và cử tri quan tâm vì tình hình người nước ngoài "núp bóng" mua đất, cử tri phản ánh người nước ngoài lập xóm, lập phố.

Từ đó, theo ĐB Nghĩa, cần đưa vào nghiên cứu Dự thảo Luật Thu hút đầu tư nước ngoài để triển khai Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị với tinh thần đảm bảo an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia, an ninh truyền thống và phi truyền thống, đầu tư trực tiếp và gián tiếp, thương mại xuất nhập khẩu, đầu tư, di dân và du lịch.

"Tôi xem Dự thảo Luật Đầu tư nhưng thấy chưa đủ, chưa đáp ứng tinh thần Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị", ông Nghĩa nói.

Đề xuất có Luật Bảo vệ người tốt, sớm sửa Luật Đất đai

Từ điểm cầu Bình Định, ĐB Nguyễn Văn Cảnh đề xuất QH nghiên cứu ban hành Luật Bảo vệ người làm việc tốt nhằm bảo vệ người làm việc tốt khỏi những trách nhiệm về hành vi phạm tội.

leftcenterrightdel
 ĐB Nguyễn Văn Cảnh. Ảnh CTV

Theo ĐB Cảnh, trong xã hội, có những người không tốt, vô cảm trước khó khăn, nguy hiểm có thể xảy ra đối với người khác. Nhưng cũng có những người không giúp đỡ người khác là do có tâm lý ngại phiền hà, trách nhiệm về mặt pháp lý…

“Họ có thể giúp đỡ người khác mà không mong được trả ơn nhưng họ không làm vì lo ngại làm ơn mắc oán, vì hành động của họ có rủi ro mà không được pháp luật bảo vệ”, ĐB Cảnh nói.

ĐB tỉnh Bình Định cho rằng, pháp luật chỉ quy định làm việc tốt là nghĩa vụ thì sẽ bị hạn chế vì thường con người mong muốn làm việc tốt một cách tự nguyện.

Vì vậy, để phát triển hành vi đạo đức trong xã hội, ông đề nghị QH nghiên cứu ban hành đạo Luật Bảo vệ người làm việc tốt.

Nội dung chính của luật là bảo vệ những người làm việc tốt khỏi những trách nhiệm về hành vi phạm tội, tránh các phiền hà về thủ tục pháp lý, tránh bị tổn thương về thể xác và tinh thần, miễn là người đó hành động hợp lý, thiện chí, làm mà không đòi hỏi trả công và cũng cấm lợi dụng làm việc tốt để vi phạm pháp luật.

Còn ĐB Nguyễn Thị Kim Bé đề nghị đánh giá trách nhiệm của các cơ quan liên quan trình Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trước khi đề nghị rút ra khỏi chương trình năm 2020.

Theo bà, dự án luật này đã đưa vào chương trình kỳ họp thứ 8, sau đó cũng vì lý do chuẩn bị đã xin lùi sang kỳ họp 9. Đến nay tiếp tục xin rút ra khỏi chương trình năm 2020 và chưa biết lùi đến bao giờ.

Trong khi đó, vấn đề quản lý đất đai thời gian qua có quá nhiều vướng mắc. Luật hiện hành lại còn quy định chồng chéo, khó hiểu, khó áp dụng…

ĐB Kim Bé mong muốn có một đạo luật phù hợp, thực sự rõ ràng để chính quyền địa phương quản lý đất đai chặt chẽ hơn, người dân chấp hành pháp luật về đất đai tốt hơn, như vậy sẽ hạn chế khiếu kiện về đất đai.

Đồng quan điểm, theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc (đoàn ĐBQH Thái Bình), sửa nhanh Luật Đất đai phải là trọng tâm hàng đầu chứ không lùi lại. Dù rất nhạy cảm và khó khăn nhưng phải giải quyết nhu cầu thực tiễn, làm với tinh thần quyết liệt nhất.

Ông Lộc cũng cho hay, VCCI đã có kiến nghị báo cáo Uỷ ban Thương vụ Quốc hội tình trạng chồng chéo trong hệ thống pháp luật hiện hành khi rà soát trong lĩnh vực đất đai và đầu tư, xây dựng, ít nhất có 25 điểm chồng chéo và bất hợp lý, cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hương Giang