Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Nguyện cầu quốc thái dân an, thế giới hòa bình

Đại dịch Covid-19 là “phép thử” của thế giới và Việt Nam. Với sự đồng lòng, quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc các cấp, nhất định chúng ta sẽ xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường. Điều đó thể hiện bằng sự quyết tâm vào cuộc của các cấp chính quyền trong công tác chống dịch, ý thức tự giác và trách nhiệm của người dân. Tinh thần “tự lực, tự cường, tương thân tương ái” được toàn thể cộng đồng doanh nghiệp, người dân hưởng ứng.

Con trâu là hình ảnh đẹp trong kinh Phật, cũng là hình ảnh gắn bó với người nông dân Việt Nam, với nền văn minh lúa nước. Tôi tin rằng, trong năm nay, chúng ta sản xuất đủ vắc xin cho tất cả người dân Việt Nam sử dụng để phòng chống dịch Covid-19.

Tôi hy vọng năm Tân Sửu, mùa Xuân mới, sức sống mới, vận hội mới cho đất nước chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành kế hoạch về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng. Xuân mới, tôi nguyện cầu quốc thái dân an, thế giới hòa bình, nhân dân an lạc, đất nước ta ngày một phát triển hơn nữa.

Bà Hà Thị Nghĩa, đảng viên 50 năm tuổi Đảng, Nam Định: “Lò chống tham nhũng” sẽ tiếp tục “thiêu đốt” quan tham

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng, công tác phòng, chống tham nhũng của nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, được người dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận. Niềm tin vào Đảng, Nhà nước ngày càng được nâng lên. Chủ trương “không có vùng cấm trong phòng, chống tham nhũng” đã và đang trở thành hiện thực với việc nhiều quan chức cấp cao, kể cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng (cả đương nhiệm và nghỉ hưu) bị xử lý.

Trong cuộc chiến chống tham nhũng đầy cam go này, tôi mong rằng, vai trò của ngành Kiểm tra, Thanh tra sẽ ngày càng được phát huy cao hơn nữa, tiếp tục trở thành những thanh “thượng phương bảo kiếm” trong việc bảo chế độ, bảo vệ Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, “lò chống tham nhũng” sẽ tiếp tục “thiêu đốt” quan tham.

TS Kinh tế Nguyễn Quốc Việt, Đại học Quốc gia Hà Nội: Covid không ảnh hưởng nhiều đến bất động sản

Theo quan sát diễn biến phòng chống dịch của Chính phủ, doanh nghiệp và cả người dân từ đợt dịch thứ nhất và thứ 2 trong năm 2020 rất tích cực. Đợt dịch mới sát Tết Tân Sửu cũng đã được khoanh vùng phong tỏa truy vết quyết liệt ngay từ đầu. Người dân và doanh nghiệp đều đã có kinh nghiệm và thận trọng hơn.

Với các yếu tố cung cầu, tâm lý nắm giữ tài sản và diễn biến phòng chống dịch cho thấy có rất nhiều tín hiệu tích cực và ít khả năng giảm giá bất động sản năm 2021. Ba kịch bản thị trường bất động sản đầu năm Tân Sửu cũng cho thấy xác suất giảm giá nhà đất khá thấp. Cụ thể, với kịch bản màu xám, xảy ra khủng hoảng, xác suất giảm giá chỉ ước tính vào khoảng 15% trong khi xác suất tăng giá ở mức trung bình chiếm 65% và kịch bản tăng giá mạnh có xác suất là 20%.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh: Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng thời cơ để bứt tốc

leftcenterrightdel
 

Năm 2020 mặc dù thương mại quốc tế bị gián đoạn nhiều thời điểm nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục xuất siêu với mức xuất siêu năm sau cao hơn năm trước. Điều này cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đã có năng lực mở rộng thị trường và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Bên cạnh đó, việc hoàn thành ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong thời gian qua đã khẳng định Việt Nam là quốc gia hội nhập kinh tế toàn cầu. Thông qua các hiệp định thương mại tự do, nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam có cơ hội kết nối với tất cả các thị trường trên thế giới, đây là lợi thế đặc biệt mà nhiều quốc gia không có được.

COVID-19 đã thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số mạnh mẽ hơn trong năm qua và đó cũng là nền tảng để các doanh nghiệp ứng dụng vào tái cấu trúc, đầu tư, điều chỉnh mô hình sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới.

Với khả năng linh hoạt, thích ứng tốt, các doanh nghiệp của Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng “khoảng hở” trong giai đoạn hình thành chuỗi cung ứng mới để bứt tốc và khẳng định vị thế mới trên thương trường.

Nhà giáo Nguyễn Trọng Vĩnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Nguyễn Siêu: Nền giáo dục sẽ có nhiều chuyển biến tích cực

leftcenterrightdel
 

Ứng dụng công nghệ 4.0 và xây dựng trường học hạnh phúc là hướng đi của Trường Nguyễn Siêu chúng tôi trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Chúng tôi xác định, theo tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì hạnh phúc gia đình, vì tiến bộ xã hội - Thầy mẫu mực, trò chăm ngoan, học giỏi”. Lấy phương châm hành động là “luôn đổi mới, sáng tạo, đi trước dẫn đầu”, phát triển trường từng bước vững chắc từ một trường dân lập bình thường trở thành trường chuẩn quốc gia, trường chất lượng cao đầu tiên của TP, trường song ngữ (CAIE), từng bước tiến tới Trường Quốc tế Cambridge mang bản sắc dân tộc Việt Nam.

Từ khi thành lập trường năm 1991, chúng tôi đã đề ra mục tiêu trường học hạnh phúc xuất phát từ quan điểm, nếu như mỗi gia đình, hạnh phúc lớn nhất của ông, bà, cha, mẹ là con cháu trưởng thành, trở thành người có ích cho xã hội; cho nên trường chúng tôi luôn đi theo con đường ấy. Giờ chúng tôi vẫn kiên định con đường ấy. Tuy nhiên, mỗi giai đoạn, chúng tôi nâng tầm lên, từ trường chuẩn quốc gia, lên đến trường chất lượng cao; giờ lên trường song ngữ, dần tiến tới Trường Quốc tế Cambridge. Mục tiêu chiến lược của trường là đi trước dẫn đầu, luôn bắt kịp đứng chủ trương đường lối chính sách của Đảng. Đặc biệt là chủ trương, đổi mới căn bản toàn diện giáo dục theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra.

Tôi tin rằng, với những quyết sách đã được Đảng đề ra, nền giáo dục Việt Nam, trong đó có hệ thống giáo dục ngoài công lập, sẽ tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.

Bà Nguyễn Kim Thanh, cán bộ hưu trí phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội: Nhiệm kỳ này, Đảng tiếp tục đưa đất nước phát triển hơn

Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công tốt đẹp. Hòa trong không khí phấn khởi ấy, cùng vui mừng chào đón Xuân Tân Sửu, tôi tin tưởng trong nhiệm kỳ này, Đảng tiếp tục phát huy kết quả đạt được, đề ra chủ trương, đường lối đưa đất nước ngày một phát triển, bảo đảm ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân. Đặc biệt cần quyết liệt hơn nữa trong đấu tranh chống tham nhũng; xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực; xây dựng Đảng, tổ chức chính trị trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh hơn nữa Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo niềm tin tưởng tuyệt đối, phát huy tinh thần khối đại đoàn kết dân tộc. Ngoài ra, tiếp tục các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, quản lý Nhà nước và có nhiều chiến lược đẩy mạnh hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực. Quan tâm đến an sinh xã hội, đề ra các chính sách ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội, công tác giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, trình độ dân trí cho người dân những địa phương vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước rút ngắn khoảng cách, chênh lệch kinh tế, đời sống giữa các vùng miền.

Nhà báo Hồng Minh, Đài Tiếng nói Việt Nam: Mong đất nước sớm trở về trạng thái bình thường

leftcenterrightdel
 

Năm 2020, hầu hết mọi người ít nhiều đều trải qua những xáo trộn trong cuộc sống, công việc. Nhiều người còn gặp không ít khó khăn, vất vả và cả những mất mát, đau thương do thiên tai, do dịch bệnh Covid-19.

Hàng ngày, theo dõi tin tức trên báo chí, tôi nhận thấy chúng ta đã và đang tuyên truyền tốt để từng người dân không chủ quan, lơ là trước dịch bệnh.

Năm qua, trong bối cảnh dịch Covid-19, đất nước chúng ta vẫn đạt được những thành quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Người dân Việt Nam cũng tin tưởng vào những quyết định kịp thời, đầy bản lĩnh của Đảng và Chính phủ trong phòng chống dịch bệnh như kiểm soát chặt chẽ biên giới, tạm thời “đóng cửa” những vùng có dịch, quyết liệt cách ly, truy vết, khoanh vùng, dập dịch…

Sống trong những tháng ngày đặc biệt với những cụm từ lạ lẫm như “giãn cách”, “phong tỏa”, “cách ly”… có những lúc bản thân tôi không tránh khỏi lo lắng, bất an, những cảm giác chưa từng có trước đó.

Trong bối cảnh dịch bệnh, tôi cũng thấy rõ hơn quan hệ tương hỗ giữa cá nhân và cộng đồng. Từng cá nhân bình an thì cả cộng đồng sẽ bình an và ngược lại.

Vậy nên, khi mùa Xuân tới, một năm mới bắt đầu, tôi không mong ước gì hơn là sự bình an. Mong bình an đến với bản thân, đến với gia đình và rộng hơn là đến với tất cả mọi người. Mong đất nước sớm trở về trạng thái bình thường, để mỗi người được bình an trong sự phát triển mới, tươi sáng hơn.

Trà Vân - Kim Hồng