“Lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tiếng hát át tiếng bom”

Cách đây 72 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi thi đua ái quốc. Từ đó, đến nay, không ngày nào nhân dân không thi đua yêu nước.

“Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước ta có được là kết tinh của nhiều phong trào thi đua sôi nổi, bao gồm cả những cống hiến và hi sinh thầm lặng ở mọi cấp, mọi ngành, mọi tầng lớp xã hội”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước đã phát triển ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng chưa từng thấy với nhiều nội dung phong phú, thành tích sinh động, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tiếng hát át tiếng bom”.

leftcenterrightdel
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: N.Thắng 

Từ đó, xuất hiện nhiều hình ảnh cảm động, nhân văn, những tấm gương, điển hình tiêu biểu trên tất cả các lĩnh vực và mọi vùng miền của đất nước… “Chúng ta đã làm được những việc mà thế giới cảm động, khâm phục”, Thủ tướng nói.

Đặc biệt, đến thời điểm hiện nay, khi nhiều nước trong khu vực và trên thế giới bị rơi vào suy thoái sâu do đại dịch COVID -19 thì Việt Nam là nền kinh tế vẫn duy trì được tăng trưởng dương.

“Từ đây, chúng ta hiểu thêm rằng, mức độ thành công được xác định không chỉ bởi những gì chúng ta đã đạt được mà bởi cả những gì trở ngại chúng ta đã vượt qua”, Thủ tướng nhấn mạnh và khẳng định, với những kết quả đó, không thể không cho rằng, năm 2020 phải được xem là năm thành công nhất của nước ta trong 5 năm qua về tinh thần ý chí vươn lên, trong mọi khó khăn, thử thách.

Thủ tướng cũng khẳng định, niềm tin của nhân dân với Đảng, với tương lai đất nước không ngừng được củng cố và nâng cao.

“Lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là lúc chúng ta thể hiện bản sắc của tinh thần dân tộc, đoàn kết, đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, tô điểm cho bản lĩnh, khí chất của con người Việt Nam, đó là không thử thách nào mà dân tộc ta không thể vượt qua”, người đứng đầu Chính phủ phát biểu.

leftcenterrightdel
 Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Ảnh: N.Thắng

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, phong trào thi đua yêu nước đã thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ thúc đẩy mọi tầng lớp nhân dân phát huy tài năng, trí tuệ, sáng kiến, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chúc mừng và biểu dương những kết quả, thành tích trong phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng 5 năm 2015 - 2020; chúc mừng các đại biểu điển hình tiên tiến về dự đại hội, những bông hoa tươi thắm trong phong trào thi đua của cả nước.

Phong trào thi đua cần bổ ích, tránh hình thức

Đề cập đến nhiệm vụ thời gian tới, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, cần tiếp tục quán triệt, thực hiện thật tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng để công tác này là động lực, là biện pháp góp phần tăng cường xây dựng Đảng, hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thật sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh tổ chức các phong trào thi đua cần có mục tiêu thiết thực, cụ thể; tiếp tục đổi mới toàn diện, phát huy tinh thần sáng tạo trong tổ chức phong trào thi đua sao cho thật bổ ích, thiết thực, tránh hình thức, lối mòn, nhàm chán, tẻ nhạt.

“Tôi muốn nói là tránh hình thức. Còn nhiều việc vẫn hình thức lắm. Làm sao cho thật thiết thực, mang lại hiệu quả cụ thể”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý, đối tượng thi đua cần phải rộng rãi, bảo đảm hài hòa các lợi ích của người lao động, bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị và lợi ích của cả xã hội.

leftcenterrightdel
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: N.Thắng 

Các phong trào thi đua cần có nội dung tiêu chí cụ thể, rõ ràng, để dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát; huy động sự tham gia đông đảo và sự hưởng ứng tích cực của quần chúng nhân dân.

Cùng với đó, nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, tạo chuyển biến mạnh mẽ và thực chất, bảo đảm khen thưởng chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch, có tác dụng giáo dục, nêu gương.

“Thi đua là để đào tạo, rèn luyện và xây dựng con người mới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhắc lại “tránh hình thức”. Tổng Bí thư lưu ý, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các phong trào thi đua. Đồng thời đề nghị, hơn 2.000 đại biểu tham dự Đại hội tiếp tục phát huy năng lực, trí tuệ, tích cực tham gia và làm nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước…

Tại Đại hội, những tấm gương tiêu biểu xuất sắc nhưng bình dị giữa đời thường đã giao lưu, chia sẻ những kỷ niệm xúc động, kinh nghiệm, cách làm hay trong công tác chiến đấu, thực hiện phong trào thi đua của cá nhân, đơn vị mình.

Đó là “kỹ sư chân đất” Nguyễn Văn Rô, chưa học hết lớp 5 đã chế tạo ra 5 loại máy cày, trục đất phù hợp với điều kiện ở địa phương. Hay trong đợt bão lũ lịch sử vừa qua, bất chấp nhiều nguy hiểm rình rập, ông Võ Văn Bình (67 tuổi, ở thôn Đồng Tư, xã Hiển Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), cùng người cháu ngoại 14 tuổi đã dầm mình suốt 2 ngày để cứu hơn trăm người dân được an toàn, trong khi bản thân gia đình mình cũng đang gặp nạn…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã tặng hoa một số đại biểu tiêu biểu là Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và tấm gương điển hình tiên tiến.

Với thành công của Đại hội, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tin tưởng rằng, chúng ta sẽ tiếp tục hăng hái thi đua để lập nên kỳ tích phát triển mới, vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025 với chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh 5 nội dung quan trọng là thi đua xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, tổ chức và hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước...

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tiêu chính thức tham dự Đại hội. Ảnh: N.Thắng

“Chúng ta cần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để phấn đấu đến năm 2025, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, phấn đấu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, phấn đấu trở thành nước phát triển, thu nhập cao”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng đề nghị các ban, bộ, ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, căn cứ chủ đề của Đại hội, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025 và tình hình thực tế của đơn vị, địa phương mình để phát động mạnh mẽ phong trào thi đua với nhiều nội dung đổi mới, sáng tạo, sôi nổi, rộng khắp, thiết thực. Trước mắt, tổ chức đợt thi đua đặc biệt sôi nổi, rộng khắp trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, lập thành tích cao nhất, thiết thực chào mừng Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.


Báo cáo tại Đại hội, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương cho biết, các phong trào thi đua do Thủ tướng phát động trong giai đoạn 2016-2020 đã trở thành nòng cốt trong phong trào thi đua của cả nước, được các cấp, các ngành, các địa phương và đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng tham gia.

leftcenterrightdel
 Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương. Ảnh: N.Thắng

Trong đó, để lại dấu ấn, làm thay đổi bộ mặt, diện mạo của nông thôn Việt Nam là phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Từ đó, 61% xã, 26% đơn vị cấp huyện và 12 tỉnh, TP có 100% xã về đích nông thôn mới.

Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo của cả nước xuống dưới 3%.

Còn Phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” được triển khai hiệu quả. 5 năm qua, đã có hơn 630.000 doanh nghiệp thành lập mới và ngày càng nhiều doanh nghiệp đạt các danh hiệu "Doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ công nhận thương hiệu quốc gia", "Doanh nghiệp vì người lao động"...

Phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”  thì góp phần xây dựng hình ảnh người cán bộ, công chức, viên chức tận tụy, trách nhiệm, chuyên nghiệp, phục vụ người dân và doanh nghiệp. 

Hương Giang