Chiều nay, 12/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành và 15 địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Cần phát hiện nhanh, cách ly nhanh, xét nghiệm rộng và nhanh

Theo Bộ Y tế, đợt dịch này đã từng bước được kiểm soát và hạn chế được khả năng lây lan rộng ra cộng đồng.

Song thời gian tới vẫn có thể sẽ tiếp tục xuất hiện các trường hợp mắc bệnh rải rác từ các trường hợp nhiễm SARS- CoV-2 chưa được phát hiện trong cộng đồng.

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, kết luận cuộc họp, người đứng đầu Chính phủ đánh giá, thời gian qua, chúng ta đã bình tĩnh, căn cơ, cương quyết với các giải pháp phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương, nên cơ bản đã xử lý có kết quả tình hình dịch bệnh vừa qua.

Nhiều nhà tài trợ, nhiều địa phương giúp đỡ lẫn nhau với một tinh thần rất đáng được trân trọng. Ví dụ, đã có trên 300 cán bộ y tế, hàng trăm sinh viên tình nguyện tăng cường cho Quảng Nam, Đà Nẵng và nhiều tỉnh khác.

Theo Thủ tướng, nhiều bài học được rút ra, đúc kết thành các từ khóa như phát hiện nhanh, cách ly nhanh, xét nghiệm rộng và nhanh, đơn cử ở Hà Nội hay TP Đà Nẵng xét nghiệm diện rộng trên 10.000 ca một ngày.

“Qua đợt này chúng ta rút ra là phải làm nhanh. Ví dụ như các cơ sở y tế cần thực hiện nghiêm các bộ tiêu chí an toàn, không được phép lơ là, chủ quan để dịch bệnh bùng phát, lây lan từ cơ sở y tế”, Thủ tướng nói.

Từ đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu, phải trang bị đầy đủ, kịp thời phương tiện bảo hộ cho các lực lượng chống dịch, đặc biệt đội ngũ bác sĩ, cán bộ y tế, lực lượng công an, quân đội làm nhiệm vụ chống dịch, không để lây nhiễm chéo.

Các nhà máy, cơ sở sản xuất phải tự đánh giá tiêu chí an toàn. Các bệnh viện, các khu công nghiệp phải rất chặt chẽ trong việc giám sát y tế, phòng dịch.

Cùng với đó, triển khai trên diện rộng các ứng dụng chuyên biệt như Bluezone, NCOVI và đẩy mạnh truyền thông nâng cao ý thức người dân trong phòng, chống dịch bệnh, ngăn ngừa lây lan trong mọi tầng lớp nhân dân.

Không để ca nghi nhiễm đi bệnh viện này đến bệnh viện khác

Ngành Y tế được yêu cầu phải tăng cường đào tạo, tập huấn trực tiếp cho nhân viên y tế ở tất cả cơ sở y tế.

Theo đó, cần xây dựng một quy trình chuẩn xử lý những ca nghi nhiễm COVID-19. “Không để bệnh nhân đi lang thang hết bệnh viện này đến bệnh viện khác hoặc kéo dài ở một bệnh viện”, Thủ tướng lưu ý, các các trường hợp ho, sốt, viêm hô hấp thì phải kiểm tra ngay để xử lý.

Từ kinh nghiệm Quảng Nam, Đà Nẵng, theo người đứng đầu Chính phủ, các địa phương thành lập các tổ tuyên truyền và giám sát cộng đồng để đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà các đối tượng nghi ngờ, báo y tế kiểm tra, đặc biệt, cần triển khai mạnh ở các địa phương có ca nhiễm.

Trong thời điểm hiện nay, các bệnh viện phải xây dựng kịch bản và chuẩn bị cơ sở vật chất, con người để ứng phó tại chỗ với dịch bệnh, tránh di chuyển bệnh nhân nhiều.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quang Hiếu

“Từng địa phương nên suy nghĩ về một chiến lược chống dịch bệnh hiệu quả, cả về kinh tế và đặc biệt là y tế”, Thủ tướng nói và nêu rõ, “chúng ta đề cao phòng, chống dịch bệnh, điều này nhất quyết không được chủ quan, mất cảnh giác nhưng đóng cửa nghiêm ngặt ở quy mô quá rộng, không chỉ tê liệt mọi hoạt động kinh tế xã hội mà tác động tiêu cực đến tâm lý, tình cảm của người dân”.

Theo người đứng đầu Chính phủ, đây là bài toán vô cùng khó trong lãnh đạo, chỉ đạo. Cho nên, phải tỉnh táo, phải biết cách làm phù hợp, "không thể coi thường tính mạng của người dân nhưng không thể đóng cửa mọi hoạt động".

“Chúng tôi trong Thường trực Chính phủ và ở địa phương cũng như thế rất lo câu chuyện thất nghiệp, không có việc làm, đói kém xảy ra đối với người lao động”, Thủ tướng bày tỏ.

Mua thiết bị y tế công khai, minh bạch thì không có gì phải ngại

Thủ tướng cũng cho biết, ông đã nhận được nhiều lời phàn nàn về việc không dám mua sinh phẩm và kit xét nghiệm vì sợ vi phạm.

Vì vậy, Bộ Y tế được yêu cầu làm việc với Tổng cục Hải quan công bố giá thiết bị xét nghiệm nhập khẩu sớm hơn nữa, từ  đó tính toán các chi phí khác như vận chuyển, thuế…  để có mức giá phù hợp.

Còn về bộ kit xét nghiệm, hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy phép cho Công ty Việt Á và Bệnh viện 103 và một số doanh nghiệp khác có khả năng sản xuất.

Thủ tướng đề nghị thành lập tổ liên ngành gồm Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đại diện một số bệnh viện lớn mời các nhà sản xuất đến làm việc để xác định giá thành, giá chuyển giao công nghệ… để chốt mức giá trần, thông báo đến 63 tỉnh, TP.

Đối với thiết bị, sinh phẩm nhập khẩu xét nghiệm, Thủ tướng cũng đồng ý mời một số nhà nhập khẩu đến đàm phán, chốt giá trần. “Mua công khai, minh bạch, không tham nhũng, tiêu cực thì không có gì phải ngại”, Thủ tướng nêu rõ.

Một lần nữa, Thủ tướng nhấn mạnh, tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh, ngăn ngừa có hiệu quả hơn, vừa không để đứt gãy nền kinh tế.

Hương Giang