Được bố mẹ chồng giao cho cơ ngơi thờ tự, có cục tiền bảo hiểm trả, vợ chồng bàn nhau đầu tư vào kinh tế vườn, ao, chuồng… thành nhà nông chính hiệu. Mưa nắng thất thường, được cái đất không phụ người nên có của ăn, của để, dâu rể đề huề.

Thời công nghệ thông tin phủ sóng từng thôn xóm, cô em tôi cũng luôn cập nhật không riêng thời tiết khí hậu, để điều chỉnh mùa màng cấy hái mà cả thời tiết chính trị, xã hội.

Chả thế cách đây 2 ngày, nhân con biến thể Covid tạm lắng, bà thông gia con gái thứ người cùng làng, xuống Hà Nội chơi với cháu nội, cô em dì gửi cho tôi ít quà quê.

Nhận túi quà đóng bằng vỏ hộp mì ăn liền, lỉnh kỉnh nào đậu xanh, đậu đen, thịt lợn, trứng gà và còn thêm mấy quả thanh long chín đỏ chót… nhìn dòng chữ: “Gửi chị hoa vườn nhà”, tôi sực nhớ mai kia đã là ngày 20/10, ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - ngày mà cách đây gần thế kỷ (ngày 20/10/1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam (nay đổi tên là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) chính thức được thành lập), được Đảng ta tổ chức thành lập để tập hợp chị em, cùng toàn dân đứng lên đấu tranh giải phóng đất nước, khỏi ách thống trị của thực dân Pháp. Cô em có ý tặng quà cho mình đây.

Này là chục trứng gà vỏ tươi phấn trắng trong hộp giấy nhỏ lót lớp trấu vàng hoe. Xoa xoa mảnh trấu nham nháp lòng tay thấy mùi nắng, quyện hương lúa chín của thửa ruộng lầy thụt dưới chân đồi. Cái vỏ trấu mỏng manh, rời rạc sau khi hoàn thành sứ mệnh bảo bọc hạt gạo, hạt ngọc của đời, dưới bàn tay của cô em tôi cụm lại, thành nệm đỡ những quả trứng gà, của hàng hoa vượt tàu xe cách trở đến tay tôi vẹn nguyên, tròn trĩnh.  

Này là quả thanh long đỏ thắm sắc hoa hồng có những chiếc tai xanh biếc, sản vật mới của miền quê vốn cây cọ là chủ lực, cho thấy sự nắm bắt nhanh nhạy nhu cầu xã hội của người nông dân thời @. Giờ đây, nông dân nhiều nơi có nhà xây, mái bằng, lá cọ ít dùng. Chuyển đổi cây trồng có hiệu quả kinh tế, nhiều nhà phá cọ trồng chè, trồng thanh long ruột đỏ. Nhà cô em tôi cũng thuê máy về đào gốc cọ bỏ đi để trồng thanh long. Đất đồi bạc màu, bù lại có phân gio nhờ chăn nuôi, thanh long quả tuy nhỏ nhưng ngọt đậm, cô em tôi bảo: “Em mang ra chợ Lạnh bán bao nhiêu cũng hết”.

Đường xa, thay vì những đóa hồng, đóa cúc tươi thắm, rực rỡ, em tặng sản vật vườn nhà, bình dị mà chứa chất bao điều muốn nói. Sản vật ấy là kết tinh của sức lực, của giọt mồ hôi lặng lẽ, nhẫn nại mùa qua mùa đơm hoa kết trái, cũng là nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, khẳng định vị thế bình đẳng trong gia đình, trong đóng góp xây dựng đất nước, làm đẹp cho xã hội.

                                                        Hà Nội, ngày 19/10/2021   

Đoàn Thị Ký