Ngài xuất gia năm 15 tuổi với Tổ Thanh Nghĩa, và thọ cụ túc giới năm 20 tuổi.

Năm 1980, trong bối cảnh nước nhà hoàn toàn độc lập thống nhất, tăng ni, Phật tử cả nước mong muốn thực hiện ý nguyện bao đời của các bậc tiền nhân là thống nhất, hòa hợp Phật giáo Việt Nam. Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam ra đời đã cung thỉnh ngài làm Chứng minh Ban Vận động.

Nói đơn giản là vậy, trên thực tế, việc vận động thống nhất Phật giáo để thành lập một tổ chức Phật giáo chung là một vấn đề không phải đơn giản. Công cuộc vận động có lúc tưởng chừng như bế tắc, nhưng rồi cũng lại vượt qua được.

“Có lẽ, đúng như một số tăng ni, Phật tử thường nói: Nhờ có uy đức của Hòa thượng mà trên thì Nhà nước ủng hộ, dưới thì tăng chúng hướng về, nên cuộc vận động thống nhất chỉ sau gần hai năm với sự nỗ lực của các vị cao tăng thạc đức và tăng tín đồ trong cả nước cùng với sự trợ duyên của Nhà nước đã thành tựu một cách viên mãn. Một tổ chức chung của Phật giáo cả nước được thành lập mang tên là GHPGVN. Hòa thượng được toàn thể Đại hội suy tôn vào ngôi vị cao nhất của Giáo hội, ngôi vị Pháp chủ GHPGVN”, cư sĩ Trần Khánh Dư, nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ, từng chia sẻ trong một bài viết của mình.

leftcenterrightdel
  Ngày 7/11/1981 đã ghi dấu ấn là một sự kiện lịch sử trọng đại mang đầy ý nghĩa đối với tăng ni, cư sĩ Phật tử Việt Nam. Đó là ngày các tổ chức, hệ phái Phật giáo trong cả nước đã chung sức, chung lòng, nhất tâm thành lập ngôi nhà chung GHPGVN 

Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận trở thành Đệ nhất Pháp chủ của GHPGVN khi đã 84 tuổi, sau 2 lần khiêm tốn từ chối. Đến lần thứ ba, trong bài viết, “Vai trò và ảnh hưởng của Đức Đệ nhất Pháp chủ trong sự nghiệp xây dựng GHPGVN”, Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Thông tin Truyền thông Trung ương GHPGVN, cho biết, “ngài phát biểu, nếu chư tôn đức một lòng quyết bầu ngài làm Pháp chủ thì đề nghị Đại hội chấp thuận đề đạt lên Chính phủ cho phép Giáo hội được thực hiện 03 điều, trong đó có vấn đề trường Phật học: “Trường Phật học được thiết lập trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Tại Thủ đô Hà Nội được phép thiết lập một trường đại học Phật giáo. Tại thành phố Huế được phép thiết lập một trường đại học Phật giáo. Tại thành phố Hồ Chí Minh được phép thiết lập một trường đại học Phật giáo. Ngoài ra, các tỉnh trong toàn quốc, mỗi tỉnh cũng đều được phép thành lập một Phật học viện, tuỳ theo khả năng và nhu cầu mỗi tỉnh, nếu có thể làm được”. Nguyện vọng của Đức Pháp chủ GHPGVN được trình lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng và được chấp nhận”.

Còn ngày 7/11/1981, đã ghi dấu ấn là một sự kiện lịch sử trọng đại mang đầy ý nghĩa đối với tăng ni, cư sĩ Phật tử Việt Nam. Đó là ngày các tổ chức, hệ phái Phật giáo trong cả nước đã chung sức, chung lòng, nhất tâm thành lập ngôi nhà chung GHPGVN. Đó cũng là kết quả của nguyện vọng thống nhất Phật giáo trải qua nhiều thế hệ trong lịch sử, mà khởi nguồn từ Giáo hội Trúc Lâm do Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập. Là chủ thể kế thừa tinh hoa 2000 năm Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, mọi Phật sự của Giáo hội đều được thực hiện theo phương châm: Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội là minh chứng cho tinh thần nhập thế của GHPGVN.

GHPGVN ra đời đã chứng tỏ tinh thần đoàn kết hoà hợp, biểu hiện sự thống nhất ý chí và nguyện vọng của đông đảo tầng lớp tăng ni, Phật tử, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước trong tình hình mới.

Từ Hội nghị Đại biểu thống nhất Phật giáo (1981), đến Đại hội Đại biểu Phật giáo lần thứ 3 (1992), ngài được tăng ni tiếp tục được suy tôn vào ngôi vị Pháp chủ GHPGVN cho đến ngày viên tịch.

Khi hoá duyên đã mãn, Trưởng lão Hòa thượng Đệ nhất Pháp chủ GHPGVN an nhiên thu thần nhập diệt vào lúc 5 giờ 5 phút, ngày 23/12/1993 (nhằm ngày 11/11 năm Quý Dậu) tại chùa Hòe Nhai, Hà Nội. Trụ thế 97 năm, 77 hạ lạp.

Trong quá trình giữ ngôi vị Pháp chủ (11/1981 - 12/1993), Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận luôn quan tâm đến các hoạt động của Giáo hội, chú trọng chăm lo công tác đào tạo tăng ni, thường xuyên nhắc nhở, giáo dục truyền thống, tinh thần yêu nước, trách nhiệm đối với đất nước cho các Phật tử…

“Là bậc đống lương trong chốn thiền môn song toàn hạnh -tuệ, là tấm gương sáng cho các thế hệ hậu học noi theo. Là một vị cao tăng cống hiến cho lý tưởng hoằng pháp lợi sinh, ngài đã đóng góp công đức trong công cuộc chấn hưng, thống nhất và hoà hợp Phật giáo, góp phần đoàn kết và phụng sự dân tộc’, theo Hòa thượng Thích Gia Quang, trên ngôi vị Pháp chủ GHPGVN, Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận là một vị cao tăng đã trọn đời hiến dâng cho lý tưởng hoằng pháp độ sinh; nhiệt tâm góp phần to lớn vào sự nghiệp làm sáng danh Phật giáo và dân tộc Việt Nam; là tấm gương sáng trong tu thân, hành đạo.

Ngài luôn lấy giới hạnh tinh nghiêm làm thân giáo để răn dạy, sách tấn kẻ hậu lai; luôn thể hiện tinh thần bi, trí, dũng trong công hạnh vô ngã vị tha, tận lực chuyên tâm vào sự nghiệp hoằng dương chính pháp, chú trọng đào tạo tăng tài để có nguồn nhân lực tăng ni có đạo hạnh phục vụ nhân gian.

Phát biểu tại hội thảo về thân thế, sự nghiệp Đệ nhất Pháp chủ GHPGVN nhân 20 năm ngày mất của ngài, tháng 12/2013, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Phạm Dũng khi đó nhấn mạnh, cố Trưởng lão Hòa thượng đã trọn đời cống hiến cho đạo pháp, dân tộc. “Với 97 tuổi đời, 77 tuổi đại với nhiều công việc nhiều cương vị trong tổ chức phật giáo lúc bấy giờ, cuộc đời và sự cống hiến cho đạo pháp, cho dân tộc của cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận - vị Pháp chủ đầu tiên của GHPGVN - là tấm gương tiêu biểu về hoạt động không mệt mỏi để chấn hưng Phật giáo, để truyền bá Phật cho đông đảo tăng ni, Phật tử và nhân dân - làm rõ bản chất tốt đẹp của Phật giáo, khơi dậy lòng vị tha, lòng nhân ái trong mỗi con người, nhằm góp phần kiến tạo một xã hội, mà ở đó, mọi người sống với nhau trong tình yêu thương và sự khoan dung. Với đạo hạnh trong sáng, kiến thức Phật học uyên thâm, tinh nghiêm giới luật, Hòa thượng luôn được đông đảo tăng ni và Phật tử trong cả nước quý kính”.

Trên ngôi vị Pháp Chủ tối cao, cố Đại lão Hòa thượng đã tỏa sáng gương lành, ân đức bao trùm tăng ni, Phật tử cả nước, làm hải đăng định hướng cho GHPGVN. Qua những lời khuyến hóa thâm nghiêm, nhân hậu, hàm tàng bao ý nghĩa xây dựng và phát triển ngôi nhà GHPGVN ngày càng phát triển, trang nghiêm, hưng thịnh trong lòng dân tộc trên các lĩnh vực.

Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng đất nước, thực hiện đại đoàn kết dân tộc, Hòa thượng Thích Đức Nhuận đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.