Đề nghị người dân cài đặt ứng dụng Bluezone

Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, hiện nay có 100 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế, có thể sản xuất 100 triệu khẩu trang mỗi tháng. Riêng, trong tháng 6, Việt Nam đã xuất khẩu 236 triệu khẩu trang.

“Nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất khẩu trang y tế được bảo đảm. Hiện nay, cả khẩu trang y tế và khẩu trang vải không thiếu, bảo đảm cho công tác chống dịch”, đại diện Bộ Công thương khẳng định.

Cũng theo Bộ Công thương, lực lượng quản lý thị trường, công an các địa phương đã bắt được nhiều vụ khẩu trang, găng tay y tế giả, đã qua sử dụng được tái chế. Bộ này đề nghị cần xử lý nghiêm, khởi tố một số vụ để làm gương.

Lãnh đạo Chính phủ hoan nghênh Bộ Y tế, các địa phương đã hỗ trợ tích cực cho các trung tâm dịch, đặc biệt là Đà Nẵng, Quảng Nam thời gian qua với tinh thần trách nhiệm, tình đồng chí, nghĩa đồng bào.

“Hình ảnh bác sĩ từ Hải Phòng lên đường, tạm biệt gia đình, vợ con hết sức cảm động và nhiều tấm gương khác, nhiều nhà hảo tâm đã đóng góp máy thở, phương tiện, vật tư y tế, tiền bạc cho công cuộc này”, Thủ tướng nói.

Còn về công tác tuyên truyền phòng, chống dịch, Bộ trưởng Bộ Thông và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đến hết ngày 6/8, đã có 8,5 triệu cài đặt ứng dụng Bluezone, trung bình mỗi ngày có thêm 2,5 triệu cài đặt mới.

Các tỉnh, thành có tỉ lệ cài đặt cao là Đà Nẵng, Quảng Nam, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Quảng Ninh.

Theo Bộ trưởng, đã có 21 trường hợp F1, F2 được phát hiện qua Bluezone. “Cần đẩy nhanh hơn nữa tốc độ cài đặt”, Bộ trưởng nói và đề nghị, các tỉnh, TP có dịch nên chỉ đạo làm mạnh, đẩy nhanh cài đặt Bluezone để làm sao 30-45% dân số cài đặt.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng đồng ý đề nghị mọi người dân có điện thoại thông minh cài đặt ứng dụng Bluezone.

Theo Thủ tướng, cần liên tục truyền thông, nâng cao ý thức người dân, không chủ quan, luôn cảnh giác trước dịch bệnh, truyền thông để cộng đồng hiểu hơn về nguy hiểm của chủng virus và nâng cao ý thức dự phòng.

Không được nói thiếu tiền… nên không đủ vật tư y tế

Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, nguy cơ lây nhiễm cộng đồng rất cao. Cuộc chiến chống COVID-19 ở Việt Nam đã bắt đầu sang thời kỳ cao điểm. Đòi hỏi quyết tâm cao hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa của hệ thống chính trị với biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết hơn, nhất là trong ít nhất hai tuần tới, đặc biệt là những địa bàn trọng điểm.

“Chúng ta kiên trì giãn cách xã hội ở ổ dịch một cách nghiêm túc, kịp thời”, Thủ tướng giao Chủ tịch UBND các tỉnh, TP căn cứ tình hình thực tiễn của mình, có những giải pháp cụ thể trong tổ chức thực hiện.

Các cơ sở y tế, dưới sự lãnh đạo của Bộ Y tế phải có biện pháp, không được chủ quan để bùng phát dịch từ các bệnh viện.

Thủ tướng nhấn mạnh, phải khoanh vùng, cách ly xã hội nghiêm ngặt tất cả những nơi được coi là ổ dịch. Xét nghiệm nhanh, chính xác là chìa khóa ngăn chặn dịch lây lan.

leftcenterrightdel
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: TN 

Các địa phương có dịch phải dành phương tiện, nguồn lực cho việc này. Nếu test nhanh mà không chính xác thì phải xét nghiệm PCR, đi liền đó là chống lãng phí, làm theo nhóm…

Bộ Y tế điều phối, hỗ trợ kịp thời cả phương tiện, năng lực xét nghiệm, vật tư, nhân lực, chuyên môn cho các địa phương. Phải bảo đảm đủ thiết bị, vật tư y tế cho các địa phương có dịch, không để thiếu sinh phẩm, vật tư y tế, làm nhanh nhưng không để xảy ra tham nhũng. Không lấy lý do vì cơ chế mà để chậm,

“Không được nói là vì tôi thiếu tiền, thiếu tiền thì phải xuất ngân sách dự phòng hoặc báo cáo gấp Trung ương để xử lý vấn đề này”, Thủ tướng nêu rõ.

Chủ tịch các tỉnh, thành chịu trách nhiệm về chống dịch

Thủ tướng nhấn mạnh, đeo khẩu trang là một yêu cầu hiện nay, trước hết đối với nơi công cộng, các TP lớn, nơi có dịch. Tăng cường sản xuất máy thở và khẩu trang y tế cho các tỉnh, TTP trọng điểm cũng là yêu cầu hiện nay.

Cùng với đó, sẵn sàng thành lập các bệnh viện dã chiến tại những địa phương cần thiết như Đà Nẵng, Quảng Nam, các TP có thể đông người lây nhiễm.

Thủ tướng cũng yêu cầu bảo đảm hàng hóa phục vụ nhân dân, đặc biệt TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Khánh Hòa, Quảng Ninh và nhiều tỉnh khác, xem xét tính toán nguồn dự trữ cung ứng lương thực thực phẩm đề phòng tình huống dịch kéo dài hơn dự kiến.

Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương căn cứ diễn biến dịch, quyết định mức độ nguy cơ và áp dụng các biện pháp chống dịch phù hợp, kiên quyết, đồng thời hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế-xã hội, sản xuất kinh doanh, đời sống người dân; xử lý nghiêm nhóm đối tượng hàng gian, hàng giả, nhất là thiết bị, vật tư, khẩu trang y tế…

Thủ tướng lưu ý, không để đình trệ công việc, đặc biệt công việc có thời hạn, những hợp đồng xuất khẩu, các dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND các tỉnh, TP chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về những biện pháp cần thiết trong phòng, chống dịch, đặc biệt là xử lý nghiêm các trường hợp chủ quan, khinh suất gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch.

TP Đà Nẵng, một số huyện, thị của Quảng Nam và TP Buôn Ma Thuột sẽ thi THPT vào đợt sau

Báo cáo về kỳ thi tốt nghiệp THPT, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện công tác chuẩn bị ở các địa phương đã sẵn sàng.

TP Đà Nẵng, 6 huyện, TP, thị xã của tỉnh Quảng Nam và có thêm TP Buôn Ma Thuột đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên đề nghị cho phép thi đợt sau.

Tính đến 6h sáng nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận được báo cáo của 3 tỉnh, TP (Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Lạng Sơn) cho biết có 93 học sinh thuộc diện F1, F2 sẽ thi đợt sau. Bộ đã có công văn đề nghị các trường đại học điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh để bảo đảm quyền lợi cho các thí sinh.

Về vấn đề này, Thủ tướng yêu cầu, ngành Giáo dục của tất cả các địa phương rà soát, hoàn chỉnh các biện pháp cụ thể, phù hợp, bảo đảm an toàn kỳ thi tốt nghiệp THPT. “Tinh thần là an toàn mới thi, bảo vệ cả thí sinh, thầy cô và phụ huynh”, Thủ tướng lưu ý. 

Hương Giang